1. Đối tượng nào có thể phẫu thuật tái tạo vòng 1?
Nội dung
1. Đối tượng nào có thể phẫu thuật tái tạo vòng 1?
2. Phẫu thuật tái tạo vòng 1 sau điều trị ung thư vú có nguy hiểm không?
3. Tìm hiểu các bước cơ bản quy trình tái tạo vú
Phẫu thuật tái tạo vòng 1 sau điều trị ung thư vú là phương pháp điều trị phục hồi dáng vẻ bên ngoài cho người đã cắt bỏ vú. Phương pháp này được thực hiện sau khi đã cắt bỏ khối u vú, khi vết mổ đã lành và đã hoàn tất các biện pháp điều trị hỗ trợ như hóa trị, xạ trị, bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tốt, không có tình trạng di căn.
Việc lựa chọn phương pháp tái tạo vú sẽ dựa trên nhiều yếu tố như kích thước vú trước phẫu thuật và vú đối bên, thể tích mô vú đã cắt bỏ, mô tự thân hiện có và mong muốn riêng của từng người bệnh... bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp với từng cá nhân.
PGS.TS.BS.Vũ Ngọc Lâm - Phó Giám đốc BV TWQĐ 108 cho hay: Bệnh nhân sau điều trị ung thư vú thường có những tổn thương nặng, khiếm khuyết về mặt cấu trúc nên việc phẫu thuật tái tạo vòng sẽ gặp nhiều phức tạp hơn so với các ca nâng ngực thông thường. Có trường hợp phẫu thuật đơn giản hơn, chỉ cần đặt túi ngực nhưng có trường hợp phải can thiệp sâu hơn so khiếm khuyết về các vạt cơ, ca đã bị cắt bỏ trước đó. Những ca bệnh phức tạp cần phải phẫu thuật nhiều lần để bệnh nhân có được vòng 1 như trước.
Phẫu thuật tái tạo vòng 1 sau điều trị ung thư vú mang lại sự tự tin cho bệnh nhân.
Cũng theo PGS.Lâm, chỉ định tái tạo vòng 1 cho các bệnh nhân sau điều trị ung thư vú có tình trạng sức khỏe tốt từ 2 đến 3 năm sau điều trị ung thư vú; đã hoàn thành các liệu trình điều trị ung thư vú, có xác nhận sức khỏe ổn định từ bác sĩ chuyên khoa; phụ nữ bị cắt bỏ một hoặc hai bên ngực sau điều trị... Từ cuối tháng 2/2025, Bệnh viện TWQĐ 108 bắt đầu triển khai Chương trình phẫu thuật tái tạo vòng 1 miễn phí cho bệnh nhân ung thư vú. Sau phẫu thuật tái tạo vòng 1 sẽ giúp chị em:
Lấy lại dáng ngực, xóa bỏ mặc cảm bệnh tật và ngoại hình sau phẫu thuật điều trị ung thư vú.
Giúp cơ thể trở nên cân đối như bình thường.
Tự tin trong cuộc sống hôn nhân.
Không phải sử dụng áo ngực có bộ phận ngực giả, mặc trang phục vừa và đẹp hơn...
2. Phẫu thuật tái tạo vòng 1 sau điều trị ung thư vú có nguy hiểm không?
Trước tâm lý lo lắng của nhiều người về nguy cơ tái phát tế bào ác tính sau tái tạo ngực, PGS.TS.BS.Lâm cho biết: Trước khi phẫu thuật tái tạo vòng 1, các bệnh nhân được lựa chọn kỹ, sau khi điều trị ung thư thành công và có thời gian theo dõi tương đối đủ để xác định tình trạng ung thư ổn định. Tuy nhiên, chúng ta không thể xác định chắc chắn ung thư có tái phát hay không.
Phẫu thuật tái tạo vòng 1 là phẫu thuật lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao, nếu không được thực hiện tốt, có nguy cơ gặp phải một số biến chứng. Biến chứng có thể gặp nhiều hơn ở nơi điều kiện phẫu thuật không đảm bảo vô khuẩn, chăm sóc vết thương sau phẫu thuật sai cách… Biến chứng sau phẫu thuật tái tạo vú có thể gặp phải:
Biến chứng sớm: Các vấn đề liên quan đến gây mê, chảy máu, nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật, đọng dịch trong vú, tắc mạch nuôi dưỡng vạt, vết thương lâu lành, thoát vị thành bụng... khi không thực hiện đúng kỹ thuật.
Biến chứng muộn: Hoại tử toàn bộ hoặc một phần vạt, mất hoặc giảm cảm giác núm vú, các vấn đề tại khu vực lấy mô như giảm sức mạnh cơ, để lại sẹo xấu; các vấn đề với túi độn như di lệch, co bao xơ quanh túi…
Do vậy, để đảm bảo an toàn, phẫu thuật tái tạo vú cần được thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình uy tín lớn, có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ gây mê hồi sức chuyên nghiệp và các phẫu thuật viên tạo hình đã được đào tạo về kỹ thuật tái tạo ngực.
Hình ảnh minh họa tái tạo vòng 1 bằng vạt tự thân.
3. Tìm hiểu các bước cơ bản quy trình tái tạo vú
- Thăm khám và tư vấn trước phẫu thuật: Nhằm đánh giá thể trạng, tình trạng của ngực và vú, chất lượng da và mô mềm còn lại, sẹo mổ cũ để lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Bệnh nhân cần được thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra cần thiết để đảm bảo có đủ điều kiện phẫu thuật. Bao gồm cả đánh giá trước gây mê cho người bệnh.
- Tiến hành tái tạo: Tùy tình trạng vú và mong muốn của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp thích hợp như tái tạo vú bằng túi độn, vạt tự thân hoặc kết hợp cả hai.
- Chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật: Sau phẫu thuật tái tạo vú, người bệnh sẽ được chăm sóc tại bệnh viện trong khoảng 1 tuần để theo dõi vết mổ. Sau khi xuất viện, người bệnh sẽ tiếp tục dùng thuốc, thay băng, chăm sóc vết mổ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Đánh giá kết quả sau phẫu thuật: Sau khi vết mổ hết sưng, người bệnh đã có thể cảm nhận được kết quả khác biệt. Nhưng để thấy được kết quả cuối cùng cần đến 3 - 6 tháng sau phẫu thuật. Khi vết thương hoàn toàn hồi phục, vật liệu hoặc mô cấy ghép ổn định.
- Khi vòng 1 tái tạo đã hoàn toàn ổn định, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tạo hình quầng vú và núm vú...
Nguyễn Hà