Tái thiết không gian phát triển Đông Nam Bộ từ trục giao thông chiến lược

Tái thiết không gian phát triển Đông Nam Bộ từ trục giao thông chiến lược
8 giờ trướcBài gốc
Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Theo đó, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng với các dự án giao thông hiện đại, kết nối liên vùng liên vùng đóng vai trò quan trọng, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện.
Nhiều dự án giao thông kết nối
Thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng nghìn tỷ đồng được quy hoạch và triển khai cho thấy quyết tâm lớn của cả Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh trong việc đánh thức tiềm năng của khu Tây Bắc. Các dự án này khi hoàn thành sẽ giúp kết nối trực tiếp thủ phủ công nghiệp Đức Hòa, rút ngắn thời gian vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời khai thông kết nối liên vùng của tam giác kinh tế vàng phía Nam.
Từ đầu tháng 4/2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất bố trí hơn 5.200 tỷ đồng chuẩn bị đầu tư dự án đường mở mới phía Tây Bắc, nối từ đường Vành đai 2 qua khu công nghiệp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Lộc) đến đường tỉnh 823D (Tây Ninh). Dự án dài 9,9 km, quy mô 6 - 8 làn xe, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030.
Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối hai địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh còn có thêm tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô gần 51 km, 4 làn xe, tổng vốn hơn 19.600 tỷ đồng. Công trình sẽ khởi công đường gom và cầu vượt vào ngày 2/9/2025, tuyến cao tốc chính khởi công tháng 1/2026 và dự kiến hoàn thành cuối 2027.
Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe cao tốc, có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Đặc biệt, dự án đường Vành đai 4 đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tây Ninh, tổng chiều dài gần 207 km đã được Quốc hội phê duyệt vào cuối tháng 6/2025 vừa qua. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phù hợp định hướng quy hoạch đô thị Đông Nam Bộ sau khi hợp nhất, giúp hoàn thành hệ thống vành đai cho Thành phố Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là một tuyến đường giao thông mà là trục phát triển mới cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả khu vực phía Nam, từ đó cả vùng sẽ mở rộng kết nối mạnh mẽ, phát triển cân đối và hiện đại hơn.
Tại tỉnh Đồng Nai, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Với nhu cầu cấp bách phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, các dự án này hiện đều đang được Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn như đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai trước khi hợp nhất để thực hiện dự án Tuyến đường kết nối qua cầu Mã Đà. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng cầu Mã Đà có quy mô 8 làn xe, trong giai đoạn 1, dự án được dự kiến đầu tư với quy mô 4 làn xe. Dự án xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối với đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 11 nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, việc đấu nối, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng xã hội của tỉnh Đồng Nai mới sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, vì khi sáp nhập trở thành một tỉnh mới thì địa phương có quyền tự quyết vì lợi ích chung của địa phương.
Các giải pháp căn cơ
Với 39 khu công nghiệp được thành lập, Đồng Nai đã thu hút được 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư với tổng số 1.667 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 34,84 tỷ USD. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN
Sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, dịch vụ khiến nhu cầu đi lại, vận chuyển giữa các địa phương Đông Nam Bộ tăng cao đột biến trong nhiều năm qua. Có hàng trăm nghìn lượt phương tiện cá nhân và xe tải, container lưu thông qua các tuyến kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, tạo áp lực lớn lên hạ tầng hiện hữu vốn đã quá tải. Do vậy, việc phát triển hệ thống giao thông kết nối các địa phương trong vùng không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mà còn giữ vai trò sống còn trong chuỗi giá trị sản xuất - logistics - xuất khẩu toàn vùng.
Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ cho bài toán này là cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng yếu, đồng thời sớm hoàn thành Vành đai 3, Vành đai 4, mở tuyến metro liên vùng, tăng cường kết nối vận tải đa phương thức. Chỉ khi có một hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt, mới có thể tháo gỡ “điểm nghẽn cổ chai”, mở rộng không gian phát triển, nhất là khi các tỉnh, thành hợp nhất.
Cùng với việc thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm, công tác quản lý quy hoạch và tổ chức không gian đô thị giữa các khu vực sáp nhập cần được đặt ra một cách bài bản, tầm nhìn dài hạn. Việc quy hoạch lại hệ thống đô thị, các trung tâm công nghiệp - dịch vụ - dân cư, phân bố hợp lý các chức năng vùng, tổ chức mạng lưới hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ giữa các khu vực cũ, mới là yêu cầu cấp thiết.
Đây cũng là lúc cần phát huy vai trò điều phối, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các sở ngành để tránh tình trạng manh mún, chồng chéo trong đầu tư, đảm bảo tính bền vững về môi trường, xã hội. Một “siêu đô thị vùng” chỉ có thể phát triển mạnh mẽ nếu có sự tích hợp chặt chẽ giữa giao thông, quy hoạch và quản trị đô thị hiện đại.
Một góc thành phố Biên Hòa. Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN
Tỉnh Đồng Nai mới hợp nhất là địa phương có vị trí tiếp giáp với đô thị lớn Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đồng thời có đường biên giới với Vương quốc Campuchia. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển, dự án xây dựng tuyến giao thông kết nối qua cầu Mã Đà hiện đang được đẩy nhanh tiến độ các thủ tục để khởi công xây dựng.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ngoài dự án này, tỉnh Đồng Nai cũng cần nghiên cứu, quy hoạch thêm các dự án kết nối mới. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế, tỉnh cần tính toán huy động nguồn vốn xã hội từ các dự án phát triển đô thị về phía tỉnh Bình Phước (cũ), từ đó, góp phần thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông kết nối.
Hai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn là những trục giao thông chính kết nối giao thông cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải và đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, thuận lợi của các dự án này là đến nay, địa phương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công. Tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ, thi công “3 ca, 4 kíp”, làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ để hoàn thành thông xe kỹ thuật các dự án trước ngày 19/12/2025…
Hồng Đạt (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/tai-thiet-khong-gian-phat-trien-dong-nam-bo-tu-truc-giao-thong-chien-luoc-20250705083531922.htm