Tái thiết sau bão Yagi - Kỳ I: Quảng Ninh tan hoang

Tái thiết sau bão Yagi - Kỳ I: Quảng Ninh tan hoang
5 giờ trướcBài gốc
Ngoài sức tưởng tượng
Cũng như những cơn bão trước đây, khi có thông tin dự báo bão, người dân Quảng Ninh lại hối hả “chạy bão”. Chính quyền kêu gọi tàu thuyền, bắn pháo hiệu, cấm biển, di dời dân khỏi vùng nguy hiểm...
Bão Yagi (bão số 3) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với nhiều tỉnh phía Bắc. Thiệt hại kinh tế ước khoảng 60.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tăng trưởng năm nay khoảng 0,15%. Ngày 17/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.Hưởng ứng Nghị quyết của Chính phủ, Tiền Phong khởi đăng loạt bài Tái thiết sau bão Yagi bắt đầu từ số báo này.
Nhưng đâu đó vẫn len lỏi suy nghĩ: “Chạy thì cứ chạy, chắc bão nhỏ thôi”. Và suy nghĩ đấy đã đúng khi hàng chục năm nay, Quảng Ninh chưa một lần thiệt hại quá lớn do bão.
Ngồi thẫn thờ ở bậc thềm, nhìn con cháu và hơn 2 chục công nhân ngành điện tất tả cắt cành cây, dọn dây điện để chờ xe cẩu đến khơi thông đường Quốc lộ 18 vì hàng chục cây cột điện trung thế bị bão quật đổ rạp giữa đường, cụ Thức (85 tuổi, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) chỉ biết thở dài.
Từ bé đến giờ chưa bao giờ ông chứng kiến một trận bão có sức tàn phá kinh hoàng đến vậy.
“Phúc ấm tổ tiên khi hàng cột điện kia đổ ra phía đường, chứ nó mà đổ về phía nhà dân thì tang thương không lường hết. Đứa con gái thứ 3 nhà tôi lấy chồng ngoài Cô Tô, gọi về báo gió to quật đổ cả cổng chào của huyện nhưng từ tối qua đến giờ không còn liên lạc được. Lòng cứ như lửa đốt không yên”, cụ Thức kể lại.
Hàng loạt cột điện bị gãy đổ ở TP Cẩm Phả
Sau hơn 6 giờ quần thảo, Yagi không để nguyên vẹn bất cứ thứ gì trên đường đi. Những công trình thế kỷ, mang tính biểu tượng được đầu tư hàng nghìn tỷ của Quảng Ninh đều bị hư hại nặng nề. Bão xé toạc Cung Cá heo, bóc hàng loạt tấm kính khu Thư viện, Bảo tàng tỉnh, quật đổ hàng nghìn cột điện, cơ sở hạ tầng thiệt hại nặng nề khiến hàng trăm nghìn hộ dân mất điện, không có sóng điện thoại để liên lạc trong nhiều ngày.
Nhìn đống đổ nát ở Cung Cá heo, ông Bùi Duy Quang (cán bộ hưu trí phường Hồng Hải, TP Hạ Long) không khỏi xót xa vì đây là nơi tập trung sinh hoạt chung của cư dân của thành phố. Người đi bộ thể dục, người tập dưỡng sinh, và trong đó có câu lạc bộ cờ tướng của ông cũng thường xuyên hoạt động dưới khu mái vòm ngay sát bờ vịnh nay chỉ còn đống đổ nát sau khi bão đi qua.
“Thường khi bão vào Quảng Ninh sẽ bị giảm cấp vì phải đối mặt với hàng nghìn đảo đá sừng sững đứng chắn ngoài vịnh. Nhưng lần này rất khác, không những không giảm cấp mà vào đến đất liền bão còn giật cấp 17. Sức gió vô cùng ghê gớm, mọi thứ đều bị đánh bay, thiệt hại của Quảng Ninh là quá lớn. Nhưng cũng nên rút bài học chúng ta đã chủ quan trước bão”, ông Quang nói.
Bão xé toạc Cung Cá heo, biểu tượng sự phát triển của Quảng Ninh
Sáng 8/9 (ngày đầu tiên bão đến), TP Hạ Long như trận địa vừa bị B52 oanh tạc, đường phố ngổn ngang cây xanh ngã, đổ, nhà dân tốc mái, cột điện gãy thành từng hàng, công trình công cộng hư hại hoàn toàn. 99% cư dân thành phố bị mất điện, mất nước, mất sóng điện thoại. Ai cũng ngơ ngác trước một khung cảnh chưa từng xảy ra ở thành phố ven biển được mệnh danh: “một vùng rộng lớn, bình yên”.
Kinh hoàng
Khoảng 9h sáng 7/9, chị Mến, Giám đốc Trung tâm Truyền thông huyện Cô Tô thông tin: “Gió bắt đầu giật mạnh, nhiều cây xanh đã gãy, đổ, cổng chào bằng sắt của huyện cũng bị thổi bay, nhiều nhà dân bị tốc mái”. Đến 11h, sốt ruột vì Hạ Long lúc này gió vẫn còn nhẹ, tôi lại bốc máy gọi chị Mến, tiếng gió mưa gầm rít trong điện thoại, chỉ nghe chị nói như hét: “Đã có tàu thuyền bị chìm trong âu cảng, chưa rõ thương vong. Bão kinh khủng quá em ơi!”.
Ngồi trong phòng bệnh của Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh (vợ tôi sinh con gái đúng ngày bão đổ bộ), tôi lấy máy tính gõ vội mấy dòng cùng một số hình ảnh đầu tiên của cơn bão đổ bộ vào Cô Tô để gửi về tòa soạn.
Bác sỹ Cường (Giám đốc bệnh viện) hớt hải mở cửa bước vào thông báo: “Để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân cũng như lực lượng nhân viên y tế, bệnh viện sẽ thực hiện ghép phòng để di chuyển các bệnh nhân từ khu nguy hiểm sang các phòng bệnh kiên cố”. Nói xong, anh vuốt nước mưa trên mặt cùng nhân viên y tế dẫn cả chục sản phụ cùng người nhà đi sơ tán ra các phòng.
Nhân viên y tế cứu ngân hàng sữa mẹ sau khi bão Yagi đổ bộ
Khoảng 12h cùng ngày, bên ngoài gió bắt đầu giật mạnh, tiếng loảng xoảng của mảnh kính rơi vỡ liên hồi, tiếng cây gãy, tiếng mái tôn bị bóc khỏi trần cùng tiếng gầm rít của gió khiến căn phòng tầng 6 của bệnh viện rung lắc liên hồi.
Mặc dù được đóng kín nhưng 2 cánh cửa phòng bệnh chỉ chực bung ra, nước bắt đầu ùn ùn dưới khe cửa trào lên. Vơ lấy tấm chăn, tôi vội chèn vào khe cửa để chặn nước, anh bạn mới đến tên Hưng (chồng sản phụ ghép phòng) cũng đẩy nhanh chiếc tủ gỗ để chắn cánh cửa trước khi bị bung ra.
Tiếng la hét, hoảng loạn của các phòng bệnh cùng dãy khi cửa bị thổi tung khiến 8 người trong phòng ai nấy đều nín thở. Dù đã đẩy tủ gỗ chắn cửa nhưng sức gió quá mạnh khiến chiếc tủ liên tục bị xê dịch. Một tay giữ tủ, một tay rút vội chiếc dây đai quần, Hưng buộc một đầu vào bản lề cửa, một đầu buộc vào cánh tủ để cố níu cánh cửa khỏi bị bung ra. Tôi nhìn quanh phòng nhưng không có bất cứ thứ gì để chèn thêm vào cửa nên đành cùng Hưng hợp sức kéo cửa về phía mình.
Tiếng gầm rít của gió một lúc một to hơn, liên tục hơn. Tiếng hô hoán từ các phòng bên thông báo tầng 7 bị bay mái, loạt cục nóng điều hòa của bệnh viện bị thổi bay, lối thông sang khu nhà B bị sập... Lẫn trong gió tiếng của bác sỹ Cường chỉ đạo nhân viên sắp xếp đồ đạc để chắn gió, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cũng như chính bản thân.
Suốt gần 5 tiếng đồng hồ, hai ông bố khốn khổ chỉ cố bám vào cánh cửa. Có những lúc chực muốn buông tay vì quá mỏi. Sức gió cứ như có cả một đội quân đứng bên ngoài muốn kéo cửa xông vào. Động viên nhau và ngoái nhìn những đứa trẻ vừa mới sinh, chúng tôi lại cố hết sức để giữ cho cánh cửa không bị bật ra. Chỉ đến khi nghe thấy tiếng nhân viên y tế đi hỏi thăm tình hình các phòng và sơ cứu người bị thương, anh em chúng tôi mới dần thả tay ra khỏi cánh cửa.
Ám ảnh
Trong bão đã kinh hoàng, sau bão mới là chuỗi ngày ám ảnh. Mất điện, mất nước, mạng viễn thông tê liệt. Toàn bệnh viện như bãi chiến trường, hàng chục phòng bệnh bị tốc mái, toàn bộ cửa kính một khu nhà vỡ toang, lối đi giữa các khoa bị sập xuống, ngân hàng sữa mẹ cũng bị ảnh hưởng nặng nề...
“Lúc “di tản” ghép phòng, tôi nghĩ chắc cũng đi cho an toàn nên chỉ bế em bé và mang một ít vật dụng theo nên toàn bộ đồ đạc vẫn để ở phòng cũ. Tối đó sang xem thì ôi thôi! Không còn một thứ gì, đến cái tủ lạnh trong phòng gió cũng thổi bay đi mất. Giấy tờ, vật dụng cho em bé không còn gì vì toàn bộ mái khu nhà bị bão bốc đi đâu mất”, Hưng hớt hải nói sau khi sang phòng cũ lấy đồ dùng.
Suốt gần một tuần chúng tôi ở lại viện sau bão, căng tin bệnh viện chỉ bán cơm cầm chừng vì thực phẩm sau bão khan hiếm, đến nước sôi cũng phải chắt chiu từng tí để dành cho em bé. Bên ngoài đường phố ngổn ngang, người người tất tưởi dọn dẹp sau bão.
Gần một tuần “mất liên lạc với thế giới” bên ngoài. Cảm giác như cơn bão đi qua và đã đưa tất cả trở về quá khứ.
“Bão xé toạc Cung Cá heo, bóc hàng loạt tấm kính khu Thư viện, Bảo tàng, quật đổ hàng nghìn cột điện, cơ sở hạ tầng thiệt hại nặng nề khiến hàng trăm nghìn hộ dân mất điện, không có sóng điện thoại để liên lạc trong nhiều ngày".
“Để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân cũng như lực lượng nhân viên y tế, bệnh viện sẽ thực hiện ghép phòng để di chuyển các bệnh nhân từ khu nguy hiểm sang các phòng bệnh kiên cố”, quyết định này của bác sỹ Bùi Minh Cường, Giám đốc bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đã cứu sống hàng chục mạng người trong bão Yagi.
Hoàng Dương
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/tai-thiet-sau-bao-yagi-ky-i-quang-ninh-tan-hoang-post1675589.tpo