Tài xế công nghệ chạy xe máy xăng có thể không được ký hợp đồng từ đầu năm 2026

Tài xế công nghệ chạy xe máy xăng có thể không được ký hợp đồng từ đầu năm 2026
7 giờ trướcBài gốc
Tại Dự thảo Đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện cho tài xế xe công nghệ và giao hàng ở TP.HCM mới, nhóm nghiên cứu đưa ra lộ trình chuyển đổi rất cụ thể, với các mốc thời gian bắt buộc để hạn chế dần xe xăng và giới hạn phạm vi di chuyển.
Theo đó, từ tháng 1/2026, TP.HCM sẽ bắt đầu áp dụng những chính sách ưu đãi, đồng thời ngừng cho phép đăng ký mới phù hiệu (ngừng ký hợp đồng mới) đối với tài xế xe máy xăng có nhu cầu tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.
Riêng tài xế sử dụng xe xăng đăng ký và được chấp nhận trước ngày 1/1/2026 vẫn hoạt động bình thường nhưng cần có kế hoạch chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Đề xuất từ tháng 1/2026, doanh nghiệp ngừng ký hợp đồng mới với tài xế xe máy xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ. (Ảnh minh họa: Lương Ý)
Từ tháng 1/2027, TP.HCM sẽ hạn chế xe xăng hoạt động trong giờ cao điểm tại các vùng phát thải thấp được TP quy định; từ tháng 1/2028 sẽ siết chặt chính sách kiểm soát khí thải theo quy định.
Bắt đầu tháng 12/2029, TP.HCM sẽ cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ, bắt buộc 100% xe hai bánh dùng cho dịch vụ giao hàng và gọi xe công nghệ phải là xe điện.
Đáng chú ý, tài xế xe công nghệ ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn TP.HCM cũng được hưởng các chính sách như tài xế tại TP.HCM, nhưng phải tuân thủ quy định áp dụng tại TP.
Đồng thời từ tháng 1/2028, khi triển khai vùng phát thải thấp tại TP.HCM, tất cả phương tiện chạy xăng không được phép hoạt động trong các vùng này.
Đề án kiến nghị vận động các doanh nghiệp vận tải tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi, không bắt buộc tham gia tất cả các giải pháp dành cho doanh nghiệp vận tải công nghệ, nhưng yêu cầu thực hiện bắt buộc các cam kết mà doanh nghiệp đã công bố.
Để hỗ trợ, khuyến khích tài xế xe công nghệ chuyển đổi sang xe điện, dự thảo đề xuất miễn 100% phí trước bạ và phí đăng ký biển số, miễn thuế giá trị gia tăng cho xe máy điện khi tài xế công nghệ mua mới trong suốt giai đoạn triển khai Đề án - từ tháng 1/2026 đến tháng 12/2029.
Đồng thời cung cấp gói vay “xe điện xanh” hỗ trợ mua xe và mua pin dự phòng với thời hạn vay linh hoạt từ 24 - 30 tháng, lãi suất ưu đãi. Tài xế tham gia chuyển đổi xe được ưu tiên là những người đang hoạt động ổn định tại TP. HCM, có thu nhập thường xuyên và được xác nhận từ các doanh nghiệp vận tải công nghệ.
TP.HCM có hơn 7,65 triệu xe máy, trong đó khoảng 400.000 xe tham gia vận tải thông qua các ứng dụng gọi xe công nghệ và giao hàng mỗi ngày. (Ảnh: L.Ý)
Dữ liệu của Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết ước tính năm 2025, TP có khoảng hơn 400.000 xe máy (bao gồm cả Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) được sử dụng vào mục đích vận tải thông qua các ứng dụng gọi xe công nghệ và giao hàng tại TP. HCM.
Mỗi tài xế công nghệ di chuyển trung bình 80 - 120 km mỗi ngày, thậm chí có tài xế chạy 150 km mỗi ngày, gấp 3 - 4 lần so với người dân thông thường.
Đây được cho là tác nhân gây ô nhiễm không khí do phát thải khí nhà kính và bụi mịn cao.
Lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết, viện đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2024, trên 470 tài xế xe công nghệ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 35% tài xế tham gia khảo sát có bằng đại học, họ chọn chạy xe như một công việc bán thời gian để gia tăng thu nhập. Tài xế công nghệ làm việc trung bình 8,8 giờ/ngày và 25,4 ngày/tháng.
Đáng chú ý, gần 20% lượng tài xế chạy xe tới 30 ngày/tháng, đồng nghĩa với việc họ chạy xe liên tục không có ngày nghỉ.
Tiền xăng là chi phí lớn nhất của tài xế, chiếm khoảng gần 20% thu nhập sau khi đã trừ phí phải đóng cho doanh nghiệp vận tải công nghệ. Bình quân mỗi ngày một xe máy công nghệ cần khoảng 70.600 đồng, có khi lên đến 100.000 đồng tiền xăng.
Ngoài ra, chi phí sửa chữa và bảo dưỡng xe là khoảng 3,08 triệu đồng/năm (tương đương khoảng 257.000 đồng/tháng).
Thu nhập trung bình của nhóm tài xế tham gia khảo sát là 8,7 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí mua một xe điện hiện nay cao hơn thu nhập trung bình hàng tháng của tài xế công nghệ, họ không có khả năng tiết kiệm trong điều kiện chi phí sinh hoạt hiện tại để mua xe.
Viện này đánh giá việc chuyển đổi 400.000 xe hai bánh của tài xế công nghệ sang xe điện là một bước đi mang tính chiến lược, tác động sâu rộng đến nhiều khía cạnh như nhân lực, chuỗi cung ứng và hạ tầng đô thị. Do đó, cần một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ mạnh để đảm bảo trách nhiệm và phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp vận tải công nghệ, nhà sản xuất và đội ngũ tài xế, cũng như các chính sách hỗ trợ thiết thực.
Theo Đề án chuyển đổi xe xăng sang xe máy điện trên địa bàn TP.HCM cho 400.000 xe hai bánh đang tham gia dịch vụ vận tải hành khách và giao hàng, đến năm 2029, TP đặt mục tiêu giảm 100% lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm phương tiện này. Tức khoảng 400.000 xe máy công nghệ trên địa bàn TP.HCM hoàn toàn chuyển sang xe điện vào cuối 2029.
Trong giai đoạn 1 tính từ tháng 1/2026 sẽ chuyển đổi đạt 30%, tương đương khoảng 120.000 xe.
Giai đoạn 2 tính đến tháng 12/2026, số lượng xe chuyển đổi đạt 50%, tương đương khoảng 200.000 xe. Giai đoạn 3 tính đến tháng 12/2027 sẽ có 80%, tương đương khoảng 320.000 xe máy công nghệ trên địa bàn được chuyển xe điện.
Hà Linh
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/tai-xe-cong-nghe-chay-xe-may-xang-co-the-khong-duoc-ky-hop-dong-tu-dau-nam-2026-ar954883.html