Tấm 'bản đồ tâm hồn' trong tim mỗi người dân nước Việt

Tấm 'bản đồ tâm hồn' trong tim mỗi người dân nước Việt
18 giờ trướcBài gốc
Cột cờ Lũng Cú-Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc. (Ảnh: ST)
Dòng chảy lịch sử trên từng địa danh
Ở lịch sử hiện đại, từ năm 1975 đến nay, Việt Nam trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tính từ năm 2008 đến nay, Việt Nam duy trì tổng số 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và TP Huế (Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ 1/1/2025).
Trước đó, theo Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ, sau khi Việt Nam giành được độc lập tháng 8/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Theo Hiến pháp năm 1946, đất nước được chia làm ba Bộ: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Giai đoạn 1945 - 1946, nước ta có 65 tỉnh. Theo báo cáo về tình hình địa giới hành chính nước ta trong Tờ trình số 51/BCSĐ Ban Cán sự Đảng Chính phủ ngày 24/8/1995, trước ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, miền Bắc có 28 tỉnh, thành phố, đặc khu, còn miền Nam có 44 tỉnh, thành phố. Tổng cộng là 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh trong cả nước.
Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, đã có thời điểm giảm từ 72 xuống còn 38 tỉnh, thành. Tháng 12/1975, Quốc hội khóa V đã thông qua nghị quyết về việc bãi bỏ cấp khu và tiến hành hợp nhất các đơn vị hành chính, thực hiện sáp nhập một loạt các tỉnh thuộc miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Năm 1976, quá trình sáp nhập tiếp tục được thực hiện ở diện rộng từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Sau các cuộc sáp nhập này, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh Cao Bằng sáp nhập với Lạng Sơn thành Cao Lạng. Tuyên Quang sáp nhập với Hà Giang thành Hà Tuyên. Hòa Bình sáp nhập với Hà Tây thành Hà Sơn Bình. Nam Hà sáp nhập với Ninh Bình thành Hà Nam Ninh. Ba tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ sáp nhập thành Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra, miền Bắc còn có tỉnh Bắc Thái, Hà Bắc, Hải Hưng, Lai Châu, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Vĩnh Phú và hai thành phố trực thuộc Trung ương Hà Nội, Hải Phòng. Ở miền Trung, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành Nghệ Tĩnh. Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và TP Đà Nẵng sáp nhập thành Quảng Nam - Đà Nẵng. Quảng Ngãi sáp nhập với Bình Định thành Nghĩa Bình. Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập thành Phú Khánh. Ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy sáp nhập thành Thuận Hải. Kon Tum và Gia Lai sáp nhập thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Các tỉnh Thanh Hóa, Đắk Lắk, Lâm Đồng giữ nguyên từ trước đó.
Ở Nam Bộ, năm 1976, Quốc hội đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là TP Hồ Chí Minh - thành phố trực thuộc Trung ương. Ba tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước Long sáp nhập thành tỉnh Sông Bé. Tỉnh Biên Hòa, Tân Phú, Bà Rịa - Long Khánh sáp nhập thành tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Đồng Tháp thành lập trên cơ sở sáp nhập tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong. Tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc sáp nhập thành An Giang. Tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và TP Mỹ Tho sáp nhập thành tỉnh Tiền Giang. Tỉnh Hậu Giang thành lập trên cơ sở sáp nhập tỉnh Phong Dinh, Ba Xuyên, Chương Thiện. Tỉnh Kiên Giang tái lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tỉnh Rạch Giá và ba huyện Châu Thành A, Hà Tiên, Phú Quốc của tỉnh Long Châu Hà trước đó. Tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh sáp nhập thành Cửu Long. Bạc Liêu và Cà Mau sáp nhập thành Minh Hải. Ngoài ra, tỉnh Kiến Hòa đổi tên thành Bến Tre. Nam Bộ còn có tỉnh Tây Ninh và Long An.
Như vậy, đến năm 1976, tổng số đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam có 38, gồm 35 tỉnh và 3 thành phố Trung ương. Ba thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. 35 tỉnh gồm: Bắc Thái, Cao Lạng, Hà Nam Ninh, Hà Bắc, Hà Sơn Bình, Hà Tuyên, Hải Hưng, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Gia Lai - Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Cửu Long, Minh Hải.
Năm 1978, Quốc hội đã phê chuẩn việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, đồng thời sáp nhập thêm 5 huyện vào thành phố. Tỉnh Cao Lạng được chia thành hai tỉnh riêng biệt là Cao Bằng và Lạng Sơn, nâng tổng số tỉnh và thành phố lên 39. Năm 1979, Việt Nam có thêm một đơn vị hành chính cấp tỉnh là Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tổng số đơn vị hành chính lúc này là 40. Năm 1989, số lượng đơn vị hành chính của cả nước đã tăng lên 44, gồm 40 tỉnh và 3 thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Trong thời kỳ này, tỉnh Bình Trị Thiên được tách thành ba tỉnh riêng biệt là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; tỉnh Nghĩa Bình được chia thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định; và tỉnh Phú Khánh cũng được tách thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Đến năm 1991, cả nước có 53 đơn vị hành chính cấp tỉnh, khi đó một số tỉnh trước đây lại được chia lại như tỉnh Hà Sơn Bình được tách thành Hà Tây và Hòa Bình; tỉnh Hà Nam Ninh được chia thành Nam Hà và Ninh Bình; tỉnh Nghệ Tĩnh được chia thành Nghệ An và Hà Tĩnh; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở ba huyện tách ra từ tỉnh Đồng Nai và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Năm 1997, số tỉnh, thành tăng lên 61 khi một số tỉnh tiếp tục chia tách. Cụ thể, Bắc Thái được chia thành Bắc Kạn và Thái Nguyên; Hà Bắc được chia thành Bắc Giang và Bắc Ninh; Nam Hà tách thành Hà Nam và Nam Định; Hải Hưng tách thành Hải Dương và Hưng Yên. Cùng năm này, Quảng Nam - Đà Nẵng cũng chia thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, còn tỉnh Sông Bé tách thành Bình Dương và Bình Phước.
Đến năm 2004, Việt Nam lại tiếp tục tách ba tỉnh, nâng tổng số đơn vị hành chính cấp tỉnh lên 64. Đắk Lắk, Cần Thơ và Lai Châu lần lượt được chia thành các đơn vị hành chính nhỏ hơn. Năm 2008, Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây cùng với một số xã của Hòa Bình và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) vào TP Hà Nội.
Đẹp biết bao tên gọi quê hương
Việt Nam - dải đất hình chữ S cong cong bên bờ Biển Đông - không chỉ được khắc họa bởi núi cao, biển rộng hay những dòng sông đỏ nặng phù sa, mà còn được khắc sâu trong từng địa danh - tên gọi của làng quê, tỉnh, thành, con suối, quả đồi. Trên từng địa danh ấy là cả một lớp trầm tích lịch sử - văn hóa - con người, được vun đắp từ bao đời, tạo nên bản sắc dân tộc, bản đồ tâm hồn của mỗi người Việt.
Từ thuở lập quốc đến nay, bản đồ hành chính của Việt Nam đã trải qua biết bao biến thiên. Tên gọi các tỉnh, thành - ban đầu là lộ, trấn, phủ, sau là tỉnh, quận, rồi thành phố - đã nhiều lần thay đổi theo thời gian, thể chế và hoàn cảnh lịch sử. Mỗi lần thay đổi tên gọi không đơn thuần là một sự điều chỉnh hành chính, mà còn phản ánh dòng chảy của lịch sử đất nước. Có những địa danh tồn tại hàng nghìn năm không đổi như Thăng Long - Hà Nội; có những tỉnh từng chia tách - sáp nhập như Hà Bắc, Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Hà Tây, Hòa Bình… rồi tái lập theo nhu cầu phát triển; có những thành phố mang trong mình lớp lớp tên gọi: Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh. Tất cả tạo nên một bản đồ sống động - nơi lịch sử, văn hóa và tình cảm con người hòa quyện.
Địa danh không chỉ là cách gọi. Đó là ký hiệu của ký ức. Mỗi tên đất, tên làng mang một tầng ý nghĩa về ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng và truyền thuyết dân gian. Tên gọi “Huế” là biến âm từ “Thuận Hóa”, một vùng đất biên viễn trở thành kinh đô triều Nguyễn. “Nam Định” có nghĩa là phương Nam yên ổn - gắn với ước mơ thiên hạ thái bình. “Cần Thơ” từ “Cầm Thi Giang” - dòng sông thi ca. Những địa danh như Hà Giang, Sơn La, Đắk Lắk… còn mang trong mình âm hưởng của các ngôn ngữ bản địa - một minh chứng cho sự đa dạng và giàu có của nền văn hóa Việt Nam.
Vùng miền khác nhau - địa danh cũng khác nhau về phong cách, cấu trúc ngôn ngữ. Nhưng dù mang âm hưởng nào, mỗi địa danh đều là một mảnh ghép trong bức tranh chung của dân tộc. Địa danh không chỉ gợi nhớ đến nơi chốn, mà còn gợi nhớ đến con người, văn hóa và niềm tự hào… Nhắc đến Nghệ An, ta nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhắc đến Tuyên Quang, ta nhớ đến thủ đô kháng chiến. Nhắc đến Cần Thơ, ta hình dung ra miền sông nước trĩu nặng phù sa, những con người Nam Bộ chân chất, nghĩa tình…
Lịch sử đã từng chứng kiến những lần đổi tên gây xúc động. Khi Sài Gòn đổi thành TP Hồ Chí Minh - đó không chỉ là một quyết định hành chính mà còn là lời tri ân đến vị lãnh tụ kính yêu. Khi tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, biết bao người dân Hà Tây từng chạnh lòng, nhưng cũng hiểu rằng đó là bước đi tất yếu của đô thị hóa, của sự phát triển. Việc thay đổi địa danh đôi khi gắn liền với biến cố lịch sử, song cũng phản ánh sự chuyển mình của đất nước theo thời đại.
Địa danh còn là “nhân vật” trong văn học, ca dao, dân ca. Ai mà không từng nghe câu ca: “Ai về Hà Tĩnh thì về/Mặc áo the thâm đội nón quai thao…”. Tên gọi quê hương đi vào lời ru của mẹ, thành tiếng gọi trong tim người xa xứ. Mỗi lần về quê, chỉ cần thấy bảng chỉ dẫn “Về Nam Định”, “Về Huế”, “Về Đồng Tháp”… là trái tim người xa quê đã thổn thức. Trong mỗi mùa Tết, mỗi mùa Vu lan, mỗi ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, địa danh như một tấm bản đồ thiêng liêng hiện về trong lòng người Việt. Quê hương không chỉ là nơi ta sinh ra, mà là nơi địa danh đã đi vào huyết mạch, thành bản sắc văn hóa không thể thay thế...
Có thể nói, tỉnh, thành Việt Nam - mỗi cái tên là một câu chuyện, một huyền thoại, một tiếng gọi thân thương. Từ Móng Cái đến Cà Mau, từ Điện Biên đến Phú Quốc - từng địa danh nối dài nhau như một dòng sông văn hóa bất tận. Mỗi tên đất đều đang kể lại câu chuyện về những con người từng sống, từng chiến đấu, từng yêu thương và hiến dâng cho Tổ quốc.
“Tỉnh, thành Việt Nam - non sông một dải” không chỉ là bản đồ hành chính. Đó là bản đồ của tâm hồn. Là dòng chảy lịch sử xuyên suốt, đậm đà, đầy tự hào trong mỗi con người Việt Nam...
Sáp nhập tạo động lực, dư địa cho phát triển
Hiện nay, việc sắp xếp đơn vị hành chính gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được Đảng, Nhà nước tập trung thực hiện và được đồng tình cao. Việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tạo không gian phát triển; phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay; nêu cao tính tự chủ, tự lực, tự cường của các cấp chính quyền địa phương; đặc biệt để chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, giải quyết công việc của người dân nhanh hơn, thuận lợi hơn; mang lại hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân nhiều hơn.
Tại buổi làm việc với Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV tại trụ sở Chính phủ vào sáng 17/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế. Đồng thời, cần phải đánh giá lại quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch và định hướng phát triển các tỉnh, thành phố. Sáp nhập không phải chỉ là cho gọn lại để tiết kiệm được tiền chi tiêu, đó là một phần thôi nhưng động lực để cho phát triển, dư địa để cho phát triển mới là quan trọng”.
Hồng Minh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/tam-ban-do-tam-hon-trong-tim-moi-nguoi-dan-nuoc-viet-post545143.html