Tấm bia cổ trấn yểm gần Chùa Cầu Hội An bị phá hoại

Tấm bia cổ trấn yểm gần Chùa Cầu Hội An bị phá hoại
8 giờ trướcBài gốc
Hành vi phá hoại nghiêm trọng đã xảy ra với tấm bia cổ trấn yểm dưới gốc cây đa cổ thụ gần Chùa Cầu (Hội An) vào rạng sáng ngày 31.3.2025.
Theo đó, khoảng 2 giờ sáng, người dân sống gần khu vực này nghe tiếng búa đập vọng lên từ khu vực đặt bia. Lúc này có một chiếc xe máy đậu trên lề đường Phan Châu Trinh. Đến 6 giờ sáng cùng ngày, khi người dân đến thắp hương, họ phát hiện mặt bia đá đã bị đục phá gần như hoàn toàn, các chữ Hán Nôm và hình chạm khắc biểu tượng tâm linh bị đục phá.
Tấm bia cổ trước và sau khi bị kẻ gian phá hủy. Ảnh: Hồng Việt - Khiếu Thị Hoài
Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cùng UBND phường Cẩm Phô đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Cơ quan chức năng xác nhận mức độ hư hại nghiêm trọng: các vòng tròn, sao Bắc Đẩu, đạo bùa và dòng chữ "Án ma ni bát mê hồng" – những yếu tố mang tính biểu tượng – đều đã bị phá hủy.
Công an Phường Cẩm Phô với sự hỗ trợ của công an Tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc điều tra, thu thập chứng cứ và lấy lời khai từ các nhân chứng.
Giá trị lịch sử và tâm linh của tấm bia trấn yểm
Tấm bia này nằm trong khu vực bảo vệ I của Di sản Văn hóa Thế giới Đô thị cổ Hội An, được phân loại di tích cấp quốc gia đặc biệt với giá trị bảo tồn loại I.
Theo nghiên cứu, bia có niên đại hàng trăm năm, gắn liền với tín ngưỡng “trấn thủy” và thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ – vị thần bảo hộ cư dân khỏi thiên tai, lũ lụt.
Bia được đặt trong am thờ nhỏ xây bằng gạch, nằm trong lòng gốc cây đa cổ thụ (tuổi đời hơn 200 năm). Mặt bia hướng Bắc, khắc chữ Hán "Bắc Đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thủy đạo", kết hợp hình sao Bắc Đẩu, 7 vòng tròn tượng trưng cho chòm sao Thất Tinh, và 3 đạo bùa với các yếu tố Ngũ Hành (Hỏa, Mộc, Thổ).
Vị trí tấm bia cổ đặt ở gốc cây cổ thụ. Ảnh: Hồng Việt - Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Nay đã bị kẻ gian phá hoại.
Đặc biệt, tấm bia có mối liên hệ đặc biệt với Chùa Cầu. Theo đó, bia được cho là do người Nhật dựng từ thời kỳ Hội An là thương cảng sầm uất, nhằm trấn an thủy quái và bảo vệ cộng đồng. Những cao niên người Hội An cho biết, cây đa cùng tấm bia trấn yểm nằm ở đầu khe nước Ồ Ồ, di tích Chùa Cầu với miếu thờ thần Bắc Đế Trấn Võ nằm ở vị trí cuối khe nước. Hiện nay, dấu tích của Khe Ồ Ồ gần như không còn hiện diện do sự bồi lấp, xây dựng.
Sự việc gây bức xúc sâu sắc trong lòng người dân Hội An. Ông Sáu Lợi (70 tuổi), người sống gần khu vực, chia sẻ: “Cây đa và tấm bia linh thiêng này là nơi chúng tôi thờ cúng hàng ngày. Hành động phá hoại như một vết dao cứa vào lịch sử".
Bà Hồ Thị Lý (55 tuổi) bày tỏ: “Di tích này là tài sản chung, kẻ phá hoại cần bị trừng trị nghiêm khắc".
Công an phường Cẩm Phô phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã lập biên bản, thu thập camera an ninh xung quanh.
Lãnh đạo UBND TP Hội An yêu cầu điều tra làm rõ động cơ phá hoại, xem xét cả yếu tố tâm linh lẫn mục đích trục lợi.
Cây đa và tấm bia linh thiêng này là nơi người dân địa phương thờ cúng hàng ngày.
Từ nhiều năm trước, ý thức được giá trị văn hóa lịch sử của tấm bia nên Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sao chép cẩn trọng với kỹ thuật dập văn bia. Tuy nhiên, việc phục chế chữ Hán với các họa tiết cổ trên phiến đá đòi hỏi kỹ thuật cao, có thể mất nhiều năm.
Vụ việc này cũng dấy lên thách thức trong công tác bảo tồn tại Hội An – nơi có hơn 1.300 di tích đang đối mặt với áp lực đô thị hóa và du lịch hóa. Dù thành phố từng được UNESCO ca ngợi là "bài học mẫu" về bảo tồn, nhưng sự việc này cho thấy sự thiếu quan tâm đến các di tích nhỏ lẻ vẫn tồn tại.
Tấm bia trấn yểm có liên quan đến di tích Chùa Cầu không chỉ là phiến đá vô tri mà chứa đựng “linh hồn văn hóa” của Hội An – nơi giao thoa các nền văn hóa qua hàng thế kỷ. Sự kiện đau lòng này nhắc nhở rằng “Di sản chỉ tồn tại khi được nâng niu bằng trách nhiệm và tình yêu từ mỗi cá nhân". Những người yêu di sản mong công an sẽ sớm tìm ra thủ phạm phá hoại tấm bia cổ và xử lý nghiêm trước pháp luật.
Người Đô Thị sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc...
Tin, ảnh: Khiếu Thị Hoài
Theo điều 345, Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/tam-bia-co-tran-yem-gan-chua-cau-hoi-an-bi-pha-hoai-47714.html