Khung cảnh yên bình của Phú Quý thu hút nhiều du khách đến khám phá. Ảnh: Quỳnh Danh.
Sau sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận, tỉnh Lâm Đồng (mới) trở thành địa phương có diện tích lớn nhất cả nước với hơn 24.000 km2; trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Đà Lạt.
Việc mở rộng địa giới không chỉ làm thay đổi bản đồ hành chính mà còn mở ra những tuyến du lịch độc đáo. Tỉnh Lâm Đồng mới hội tụ nhiều tiềm năng du lịch đa dạng, trải dài từ cao nguyên Lâm Viên đến bờ biển Mũi Né – Phan Thiết.
Sáng Đà Lạt, chiều Mũi Né
Du khách có thể khởi đầu ngày mới giữa không khí se lạnh và đồi thông Đà Lạt, rồi di chuyển hơn 3 tiếng để đắm mình trong nắng biển, cát trắng ở các bãi biển Mũi Né, Bình Thạnh, Hòa Thắng, Hàm Tiến, Đá Ông Địa, Đồi Dương, Tiến Thành, Thuận Quý, Cam Bình...
Địa phương cũng sở hữu nhiều hòn đảo hấp dẫn du khách như: cù lao Câu, hòn Bà, hòn Nghề, hòn Tranh và đảo Phú Quý.
Cù lao Câu có hình dáng tựa chú cá sấu nằm, có nhiều bãi tắm đẹp. Đảo có nhiều chủng loại san hô và các giống cá tụ hội sinh sống, trong đó có nhiều chủng loại hải sản quý hiếm.
Đảo Phú Quý còn gọi là "cù lao Thu", quần thể gồm 10 đảo lớn nhỏ với khí hậu trong lành, biển trong xanh cùng rạn san hô đa dạng và nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị.
Hòn Tranh cách đảo Phú Quý khoảng 3 hải lý về phía Đông Nam và có nhiều bãi biển đẹp là vũng Gấm, vũng Bàn, mũi Xương cá, vũng Phật. Với cấu trúc từ dung nham núi lửa phun trào, hòn Tranh sở hữu hệ thống hang động kỳ bí, nhiều dáng đá lạ màu chàm, xanh rêu hấp dẫn khách yêu thích khám phá thiên nhiên.
Cung đường biển Mũi Né trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng của giới trẻ. Ảnh: Tạ Thị Thùy.
Trên bản đồ du lịch, cả Lâm Đồng và Bình Thuận (cũ) đều là những điểm đến hút du khách hàng đầu cả nước với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng.
Năm 2024, Lâm Đồng đạt doanh thu du lịch cao thứ 9 trong top 10 tỉnh thành có doanh thu du lịch lớn nhất Việt Nam. Bình Thuận cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách và doanh thu sau khi cao tốc mới nối TP.HCM với khu vực Nam Trung Bộ đi vào hoạt động.
Trong khi đó, Đắk Nông khiêm tốn hơn về lượng khách và doanh thu từ du lịch, nhưng lại sở hữu nhiều điểm đến độc đáo như Vườn quốc gia Tà Đùng, các hang động núi lửa, thác nước lớn và buôn làng cổ mang đậm bản sắc vùng Tây Nguyên.
Để xây dựng Lâm Đồng thành trung tâm du lịch biển sau sáp nhập, các chuyên gia "hiến kế" giải pháp phát triển các gói sản phẩm kết hợp "biển - rừng - cao nguyên", ví dụ: nghỉ dưỡng biển Mũi Né - khám phá Đà Lạt - trải nghiệm Tà Đùng.
Gia Lai nay có Kỳ Co, Eo Gió
Từ ngày 12/6, tỉnh Gia Lai mới được thành lập từ việc sáp nhập với Bình Định.
Đây được xem là bước chuyển mình lớn giúp địa phương phát triển du lịch toàn diện: vừa có di sản văn hóa Tây Nguyên, vừa có biển xanh, bãi cát mịn và hệ sinh thái biển đảo đa dạng.
Du khách khám phá Kỳ Co, Eo Gió. Ảnh: Phạm Trọng Nghĩa.
Sự kết hợp giữa một tỉnh miền núi giàu tài nguyên như Gia Lai với một tỉnh duyên hải có thế mạnh du lịch biển như Bình Định được đánh giá là sự bổ sung hoàn hảo để cùng phát triển.
Sở hữu hơn 130 km đường bờ biển, Gia Lai mới thừa hưởng nhiều vũng vịnh, bãi tắm đẹp và các điểm đến nổi bật như: Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Khô, đảo Yến, Cù Lao Xanh, đầm Thị Nại - bán đảo Phương Mai, đồi Ghềnh Ráng - Tiên Sa, hồ Núi Một, suối khoáng nóng Hội Vân, đầm Trà Ổ, thành phố biển Quy Nhơn.
Các chuyên gia đánh giá việc phát triển du lịch tích hợp không chỉ giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách mà còn lan tỏa cơ hội kinh tế đến nhiều vùng miền.
Kết nối sân bay, cảng biển, hạ tầng du lịch đang mở ra cánh cửa để Gia Lai trở thành "cực tăng trưởng mới" về du lịch tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Châu Sa