Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành. Ảnh: VGP
Khát vọng thành hiện thực
Sân bay quốc tế Long Thành có diện tích gần 5.000ha tại Đồng Nai, giáp ranh với TPHCM, không chỉ đơn thuần là một công trình giao thông, mà còn là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn tầm cao mới của ngành hàng không Việt Nam.
Với công suất thiết kế lên tới 100 triệu hành khách mỗi năm, được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng quá tải tại Tân Sơn Nhất, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trung tâm hàng không sôi động ở Đông Nam Á, là cánh cửa nối Việt Nam với thế giới.
Một công trình thế kỷ với tổng vốn đầu tư gần 100.000 tỷ đồng (khoảng 4,6 tỷ USD) đang dần hiện hình. Với tiến độ nhanh chóng vượt ngoài kỳ vọng, dự án đạt được nhiều kết quả đầy hứa hẹn. Giai đoạn đầu tiên của dự án Long Thành đã có những thành tựu tích cực, đặc biệt là đường băng đầu tiên dài 4.000m, rộng 75m đạt chuẩn và gần hoàn thiện, có thể phục vụ cho các máy bay lớn nhất thế giới.
Hệ thống đường lăn và khu đỗ máy bay cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, nhằm đảm bảo năng lực phục vụ 25 triệu lượt khách và vận chuyển 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Nằm ở vị trí khá thuận lợi, với TPHCM thì quá kề cận, còn các thành phố khác ở các tỉnh chỉ cách vài giờ di chuyển khi các cao tốc đang được khai thông. Chỉ trong một vài năm tới, nếu như dự kiến vào năm 2026, người dân Việt Nam có thể trải nghiệm các chuyến bay quốc tế ngay tại một sân bay hiện đại nhất, tiện nghi nhất trên quê hương mình. Bởi với số tiền đầu tư khổng lồ, là minh chứng cho quyết tâm của Việt Nam đối với dự án trọng điểm này.
Gây ấn tượng không chỉ bởi quy mô rộng lớn, mà còn bởi tham vọng trở thành một trong những sân bay hiện đại hàng đầu khu vực với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến. Một trong những điểm nổi bật là hệ thống quản lý bay thông minh, giúp tối ưu hóa toàn bộ quy trình vận hành, từ điều phối chuyến bay, quản lý luồng di chuyển của máy bay, đến việc sắp xếp lịch trình khoa học và logic.
Một thí dụ hệ thống xử lý hành lý tự động, giúp loại bỏ lo ngại về việc thất lạc hành lý, đảm bảo hành lý đến tay hành khách nhanh chóng và an toàn. Quy trình kiểm tra an ninh tại sân bay cũng được tối ưu hóa nhờ công nghệ tự động, giúp giảm thời gian chờ đợi và đảm bảo an ninh tuyệt đối cho mọi chuyến bay.
Nổi bật tại sân bay Long Thành là tháp không lưu với chiều cao ấn tượng 123m. Không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, tháp không lưu còn được ví như trái tim và bộ não của sân bay, nơi điều hành mọi hoạt động cất và hạ cánh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.
Khó khăn đã vượt qua
Thật ra hành trình xây dựng sân bay quốc tế Long Thành không hề trải đầy hoa hồng, trong đó việc thu hồi 5.000 ha đất để giải phóng mặt bằng là một bài toán khó, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và các nhà thầu.
Ngoài ra, thời tiết thất thường tại khu vực Long Thành cũng gây ra không ít trở ngại cho việc thi công. Tuy nhiên, các đội thi công đã chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong việc phân chia ca làm việc và chọn lựa các công đoạn phù hợp với điều kiện thời tiết.
Bên cạnh đó, vấn đề nhập khẩu các loại vật liệu xây dựng đặc biệt cũng là một thử thách không nhỏ, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu liên tục biến động. Để hiện thực hóa giấc mơ về một siêu sân bay, cần có sự đồng lòng và hợp lực của cả hệ thống chính trị và người dân, cùng với sự nỗ lực phi thường từ các đội ngũ thi công.
Để vượt qua các thách thức, các nhà thầu đã chủ động tìm kiếm các giải pháp thay thế vật liệu, tăng cường nhân lực và phương tiện, đồng thời tối ưu hóa nguồn lực nhằm bù đắp thời gian đã mất.
Dự án nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và chính quyền tỉnh Đồng Nai. Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên kiểm tra và đôn đốc tiến độ dự án, đồng thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời.
Chính quyền tỉnh Đồng Nai đã tiên phong trong công tác giải phóng mặt bằng, nhanh chóng thu hồi 5.000ha đất nhờ sự đồng thuận của người dân. Các hạng mục hạ tầng phụ trợ như đường giao thông kết nối đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, để đảm bảo dự án hoàn thành đúng thời hạn.
Sự ra đời của sân bay quốc tế Long Thành đã tạo ra nhiều sự chú ý từ các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những ông lớn trong lĩnh vực logistics như Singapore. Với tốc độ xây dựng đáng nể, Long Thành đã chứng minh khả năng kinh tế mạnh mẽ và khả năng hiện thực hóa các dự án đẳng cấp quốc tế của Việt Nam. Thậm chí với tốc độ phát triển nhanh chóng của dự án này, khiến nhiều chuyên gia Singapore lo ngại.
Sân bay quốc tế Long Thành đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng không toàn cầu, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế, du lịch và giao thương, đồng thời khắc họa hình ảnh một Việt Nam năng động, hội nhập, sẵn sàng cạnh tranh với các quốc gia lớn trong khu vực.
THANH YÊN