'Tấm chắn thép' trên biên giới Tây Nam

'Tấm chắn thép' trên biên giới Tây Nam
4 giờ trướcBài gốc
Đối tượng H.T.Đ cùng 10kg ma túy bị Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam phối hợp với BĐBP Long An bắt giữ quả tang ngày 30/11/2024. Ảnh: Phương Vy
Tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp
Những ngày cuối tháng 12/2024, không khí làm việc tại “đại bản doanh” Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam lúc nào cũng căng như dây đàn. Hơn nửa quân số là các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm đánh án ma túy và buôn bán, vận chuyển hàng lậu được tung xuống địa bàn. Số cán bộ ở đơn vị đang tất bật lên kế hoạch chi tiết cho từng trận đánh.
Tại phòng làm việc của Đội 1 (Đội PCMT&TP), Trung tá Lê Văn Hiệu, Đội trưởng Đội 1 đang chăm chú phác thảo sơ đồ cho một trận đánh lớn. Dọc theo đoạn biên giới dự kiến đối tượng đi qua, dày đặc các ký hiệu thể hiện về lực lượng, phương tiện được bố trí để chặn bắt đối tượng... Nếu không phải là người trong nghề thì nhìn sơ đồ đó tưởng như là một ma trận. Điện thoại của Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam đổ chuông liên tục. Anh nói: “Còn hơn cả đường dây nóng, không bao giờ dám tắt máy vì phải nghe anh em đi cơ sở báo tin tức về. Chỉ cần lỡ một nhịp thì bỏ lỡ một cơ hội, mất công hàng chục cán bộ, chiến sĩ theo dõi, điều tra cả năm trời”.
Cuộc trò chuyện giữa chủ và khách đang sôi nổi, nhưng anh vẫn phải xin phép tạm ngừng một lát vì phải hội ý Ban Chỉ huy đơn vị để bổ sung kế hoạch đánh án ngay sau khi nhận được thông tin mới về sự thay đổi đường đi của đối tượng. Chỉ mới cảm nhận không khí làm việc thôi đã thấy cuộc chiến chống tội phạm qua biên giới không hề đơn giản...
Là cán bộ có nhiều năng lực, nhiệt tình và đã tham gia triệt phá thành công hàng chục chuyên án về ma túy, Trung tá Lê Văn Hiệu chưa bao giờ đánh giá thấp âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy. Với anh, sự cẩn trọng, chính xác luôn được đặt lên hàng đầu.
Trung tá Lê Văn Hiệu cho biết, thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Campuchia vào Việt Nam hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ diễn biến phức tạp, tập trung ở một số địa bàn trọng điểm như: Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang... Phương thức, thủ đoạn mà tội phạm ma túy hay sử dụng là móc nối, hình thành đường dây từ Campuchia sang Việt Nam và ngược lại để mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Chúng tổ chức khép kín, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động nhằm đối phó với các lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội như Telegram, Wechat, Signal... để liên lạc thống nhất chủng loại, số lượng, giá cả, thời gian, địa điểm giao dịch, cách thức vận chuyển... Sau đó, ma túy được cất giấu, trà trộn vào các loại hàng hóa rồi vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam thông qua các hoạt động nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu hoặc vận chuyển qua đường mòn, lối mở.
Nhiều trường hợp, các đối tượng tại Campuchia móc nối với các đối tượng bên Việt Nam để cõng, vác ma túy qua biên giới. Sau khi đã được vận chuyển vào Việt Nam, ma túy sẽ được chủ đầu nậu thuê dịch vụ như chuyển phát nhanh, bưu điện hoặc xe ôm, xe công nghệ đảm nhận vai trò giao nhận. Chỉ đến phút cuối, các đối tượng giao nhận chính thức mới xuất đầu lộ diện.
Liên tiếp lập công trên mặt trận chống ma túy và tội phạm
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, tuy bị triệt phá, bắt giữ nhiều, nhưng vì lợi nhuận quá lớn nên các băng nhóm tội phạm vẫn tìm mọi cách để gia tăng hoạt động buôn bán ma túy qua biên giới với các thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh hơn. Một số băng nhóm còn trang bị cả vũ khí “nóng” để sẵn sàng chống trả lại cơ quan chức năng.
Do vậy, công tác phá án ma túy thường rất phức tạp và đòi hỏi mất nhiều thời gian, công sức, nhất là đối với tội phạm ma túy xuyên biên giới có yếu tố nước ngoài. Nhưng nhờ chủ động, tích cực và quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam đã liên tiếp lập công trên mặt trận chống ma túy và tội phạm.
Mới đây nhất, đơn vị đã phối hợp với BĐBP Long An triệt phá thành công một chuyên án vận chuyển ma túy qua biên giới, bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ 10kg ma túy. Theo đó, thực hiện Kế hoạch đấu tranh Chuyên án LA1124p, vào lúc 5 giờ 15 phút, ngày 30/11/2024, tại khu vực xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, lực lượng đánh án do BĐBP Long An chủ trì, phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam bắt quả tang H.T.Đ đang vận chuyển trái phép 10kg ma túy từ Campuchia vào Việt Nam. Tiến hành khai thác nhanh đối tượng Đ, lực lượng đánh án truy xét, bắt thêm đối tượng V.C.B, sinh năm 2000, cư trú tại huyện Đức Huệ (là đối tượng đến nhận ma túy).
Qua làm việc, đối tượng Đ khai nhận, số ma túy nói trên của một người tên Hiển, nhà ở xã M.H.N, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Hiển thuê Đ vận chuyển 10kg ma túy từ Campuchia về Việt Nam với tiền công là 20 triệu đồng/kg. Nhưng khi vừa qua biên giới, Đ đã bị các đơn vị chức năng BĐBP bắt giữ quả tang cùng tang vật...
Trong bản báo cáo thành tích năm 2024 của Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam nêu rõ: Trong năm 2024, đơn vị đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng đấu tranh thành công 15 chuyên án, 3 vụ án, 14 vụ việc liên quan đến ma túy và buôn lậu. Qua đó, bắt giữ 60 đối tượng; thu giữ 32 bánh heroin, trên 166kg ma túy tổng hợp, gần 3,7 tấn pháo nổ, trên 50.000 bao thuốc lá, 30.000 lít xăng dầu, 1.549m3 cát nhiễm mặn, gần 110 tấn khoáng sắt và nhiều tang vật khác; khởi tố 2 vụ án về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Ngoài ra, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam còn đấu tranh thành công 2 chuyên án mua bán người, giải cứu 2 nạn nhân; khởi tố 1 vụ án hình sự về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, chấp hành và quyết tâm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP về mở đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hiện nay, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam đã và đang chủ động nắm chắc tình hình trên biển và trên biên giới, không để bị động, bất ngờ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh điều tra, xác minh, xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, vũ khí, vật liệu nổ; mua bán người; buôn lậu hoạt động quy mô lớn, xuyên quốc gia.
Với những thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở khu vực biên giới, năm 2024, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và danh hiệu Đơn vị mẫu mực, tiêu biểu. Ngoài ra, đơn vị còn được Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh Long An tặng Bằng khen.
Yến Ngọc
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/tam-chan-thep-tren-bien-gioi-tay-nam-post484713.html