Hình ảnh tại quần thể chùa Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Tam Chúc qua dòng chảy lịch sử
Tháng 11/2023, tại vùng đất Tam Chúc, các nhà khoa học đã công bố những phát hiện khảo cổ quan trọng: 11 hang động và mái đá thuộc văn hóa Hòa Bình, cùng những di tích từ thời kỳ Đông Sơn. Đây là minh chứng sống động về sự hiện diện của người Việt cổ tại khu vực này. Trong đó, các di tích như Cồn Hến 1, Cồn Hến 2 và giếng Cacxto còn cho thấy mối liên hệ sâu sắc với quá trình kiến tạo địa chất kéo dài hàng triệu năm.
Cuộc khai quật năm 2022 đã phát hiện ba mộ táng tại khu vực trung tâm Tam Chúc, trong đó có cả mộ song táng và mộ cải táng của trẻ em và người trưởng thành. Di cốt này có niên đại khoảng 10.000 năm, ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của loài người tại khu vực Đông Nam Á.
Vượt xa vai trò là một di sản tự nhiên, Tam Chúc đã khắc ghi những câu chuyện anh hùng và dấu ấn văn hóa của người Việt. Tại đình Tam Chúc, ngôi đình cổ kính tọa lạc bên hồ Lục Nhạc, người dân thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt – những nhân vật gắn liền với cuộc chiến dẹp loạn 12 sứ quân. Đây còn là nơi tưởng nhớ Cao Sơn Hộ quốc Thượng đẳng thần, người đã giúp vua Hùng đánh Thục, và Đại Càn Quốc gia Nam Hải, nhân vật âm phù vua Trần trong trận chiến với giặc Chiêm.
Chùa Ba Sao, một trong những ngôi chùa cổ tại đây, là nơi thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, người góp phần khôi phục Phật giáo Việt Nam. Truyền thuyết còn kể rằng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng ghé thăm và trùng tu ngôi chùa trong hành trình tìm hiểu Phật giáo Thiền tông.
Vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa tâm linh
Hồ Tam Chúc – trái tim của quần thể danh thắng – mang vẻ đẹp mê hoặc với hệ sinh thái đầm lầy, hồ ngập nước và các loài chim quý hiếm như sâm cầm, cò, vạc, bồ nông. Nơi đây còn bảo tồn loài Voọc mông trắng – một trong những loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, biểu tượng cho sự giao thoa giữa bảo tồn thiên nhiên và văn hóa.
Trên diện tích 146 ha, quần thể Tam Chúc nổi bật với các công trình tâm linh như chùa Ngọc, điện Tam Thế và vườn cột kinh, được thiết kế công phu để tái hiện tinh thần Phật giáo Việt Nam và gây ấn tượng với du khách quốc tế.
Năm 2019, Tam Chúc tự hào là nơi tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc, khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa Phật giáo tầm cỡ thế giới. Những nghi lễ như rước chuông bình an, lễ rước nước hay các nghi thức Phật giáo truyền thống đã góp phần đưa Tam Chúc vào bản đồ tâm linh toàn cầu.
Tam Chúc còn lưu giữ những lễ hội truyền thống độc đáo. Lễ hội làng Tam Chúc, diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng 11 âm lịch, là dịp người dân tưởng nhớ các vị thần và nhân vật lịch sử có công với quê hương. Đặc biệt, nghi thức thi mâm lễ dâng Thánh giữa các giáp trong làng đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc không nơi nào có được.
Lễ hội chùa Tam Chúc vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước. Đây là dịp để tăng ni, Phật tử hành hương, cầu mong bình an và hòa hợp.
Tam Chúc – viên ngọc quý giữa lòng đất Việt
Với hơn 10.000 năm lịch sử, quần thể danh thắng Tam Chúc không chỉ là biểu tượng văn hóa - tâm linh mà còn là kho tàng di sản độc đáo của dân tộc Việt Nam. Những giá trị lịch sử, khảo cổ và tự nhiên tại đây đã góp phần định hình bản sắc văn hóa, khẳng định vị thế của Tam Chúc không chỉ trong lòng người Việt mà còn trên trường quốc tế.
Từ những dấu chân đầu tiên của người Việt cổ đến sự kết nối văn hóa toàn cầu, Tam Chúc mãi mãi là điểm tựa tinh thần, là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi và khát vọng trường tồn của dân tộc.
Đ.H - Mạnh Thắng