Tâm điểm mùa ĐHĐCĐ: Loạt doanh nghiệp xuất khẩu Việt sẵn sàng kịch bản ứng phó trước thuế quan của Mỹ

Tâm điểm mùa ĐHĐCĐ: Loạt doanh nghiệp xuất khẩu Việt sẵn sàng kịch bản ứng phó trước thuế quan của Mỹ
15 giờ trướcBài gốc
Phản ứng của các lãnh đạo doanh nghiệp trước nguy cơ thuế quan từ Mỹ cho thấy một bức tranh đa dạng, từ sự thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng đến việc nhìn nhận thách thức như một cơ hội để tái cấu trúc và tăng cường nội lực. Các chiến lược phổ biến bao gồm tập trung vào thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tối ưu hóa chi phí, quản trị rủi ro chặt chẽ và phát huy lợi thế cạnh tranh riêng.
Doanh nghiệp thủy sản đã vơi dần hoang mang, sẵn sàng thâm nhập vào nhiều thị trường mới
Là ngành xuất khẩu chủ lực sang Mỹ, thủy sản đối mặt trực diện với nguy cơ thuế quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu ngành đã có những phân tích và chiến lược ứng phó chi tiết.
Mỹ là thị trường lớn nhất, đóng góp khoảng 1,8 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024. Ảnh: Vĩnh Hoàn.
Tại ĐHĐCĐ năm nay, nhận về nhiều sự quan tâm của cổ đông về ứng phó khi mức thuế quan 46% vẫn còn “treo trên đầu”, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn (mã: VHC) cho biết, thuế do nhà nhập khẩu chịu: "Kịch bản áp thuế mức nào cũng cần có thời gian để xem sức chịu đựng của người tiêu dùng Mỹ. Chúng tôi luôn đặt ra thuế nhập khẩu là trách nhiệm của nhà nhập khẩu.
“Kịch bản xấu nhất áp thuế 46% thì người tiêu dùng vẫn có thể chấp nhận. Mức thuế dưới 20% thì dễ thở hơn", bà Khanh nói.
Trước thềm đại hội, lãnh đạo doanh nghiệp này đã cho thấy sự thận trọng nhất định khi giảm kế hoạch kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 10.900 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 1.000 tỷ đồng. Kế hoạch ban đầu là 13.000 tỷ đồng doanh thu và 1.500 tỷ đồng lợi nhuận. Trong một kịch bản khả quan hơn, lợi nhuận cả năm dự kiến đạt 1.300 tỷ đồng.
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu tôm, Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) phân tích sâu về phạm vi áp thuế và tỷ trọng ngành tôm.
Ông cho rằng mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào việc áp thuế toàn bộ hay chỉ một số mặt hàng, và chỉ ra tỷ trọng xuất khẩu tôm (khoảng 800 triệu USD) là nhỏ so với tổng kim ngạch sang Mỹ. Ông cũng xem xét các kịch bản thuế khác nhau (46% hoặc 23%) và yếu tố cạnh tranh (Ecuador giá rẻ nhưng không mạnh chế biến sâu). Kịch bản xấu nhất (Việt Nam 46%, đối thủ 20%) có thể khiến FMC rút khỏi Mỹ, nhưng nếu áp thuế đồng đều thì thị trường sẽ đóng lại với tất cả.
“Công ty đã xuất trước lượng lớn hàng (hơn 60 triệu USD gần đây) và sẵn sàng tăng cường thâm nhập các thị trường khác như Canada, Úc, Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản. Trung Quốc cũng là một thị trường rất tiềm năng", ông Lực nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN (mã: PAN) khẳng định tác động không lớn do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ nhỏ và đã có sự chuẩn bị: “Tôi có thể khẳng định rằng tác động của thuế quan Mỹ đối với chúng tôi hiện tại là không lớn... tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ, ngay cả trong ngành tôm của Tập đoàn, cũng rất nhỏ. Chúng tôi đã nhận thức vấn đề thuế quan Mỹ trong nhiều năm, nhưng đã chủ động chuẩn bị trước cho tình huống này”.
Doanh nghiệp gỗ nắm lấy “khe cửa hẹp”
“Khi chính sách của ông Trump ban hành, nhiều doanh nghiệp khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp chỉ bán đi Mỹ không biết tính sao. Nhưng chúng tôi bình thản”, Chủ tịch Lê Hải Liễu CTCP Gỗ Đức Thành (mã: GDT) tự tin chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 19/4 vừa qua.
Theo vị Chủ tịch này, doanh nghiệp không bị lệ thuộc vào bất kỳ một khách hàng hay thị trường nào. Tuy vậy, bà chia sẻ về sự phức tạp của bối cảnh thương mại hiện tại.
“Kết quả kinh doanh quý I của Gỗ Đức Thành tăng trưởng, nhưng đến từ những đơn đặt hàng quá khứ, còn sang quý II, III thì chúng tôi hồi hộp lắm. Chưa hình dung được chính sách của ông Trump và cũng chưa dám tiên liệu gì”, Bà Liễu nói.
Năm 2025, Gỗ Đức Thành đặt mục tiêu doanh thu 362 tỷ đồng và lãi ròng 65 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8% và 18% so với năm trước. Dù việc xây dựng kế hoạch diễn ra từ trước khi xuất hiện chính sách thuế quan mới của Mỹ, lãnh đạo Gỗ Đức Thành quyết định không điều chỉnh các chỉ tiêu, “không đổ thừa vào hoàn cảnh để kéo xuống”.
Ngành gỗ lên nhiều kịch bản để ứng phó với thuế quan. Ảnh: Gỗ Đức Thành.
Tại CTCP Phú Tài (mã: PTB), ban lãnh đạo nhận định các chính sách thuế quan của Mỹ liên quan đến đánh thuế hàng hóa nhập khẩu sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, ảnh hưởng nhiều đến ngành đá, ngành gỗ của công ty. Do đó, công ty sẽ tập trung ưu tiên chuyển từ tăng trưởng quy mô chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu; đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro gắn liền với xây dựng nguồn lực tài chính công ty vững mạnh.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, hiện nay, mức thuế Việt Nam nhập các loại gỗ từ Mỹ giao động từ 15 - 55%. Mới đây, Chính phủ Việt Nam có thể áp toàn bộ nhập khẩu của Mỹ về bằng 0. Việc Mỹ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam là “đòn” đánh rất mạnh vào công nghiệp gỗ.
Từ năm 2018 khi có chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bị áp thuế cao không làm được. Chính sách của Mỹ không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa nguồn cung. Việt Nam đáp ứng được, khi cơ hội đến biết nắm bắt có thể thay thế Trung Quốc, đặc biệt phân khúc tầm trung, phục vụ tầng lớp trung lưu của Mỹ.
Ở chiều ngược lại, chúng ta tăng cường nhập khẩu gỗ nguyên liệu Mỹ. Mỹ giàu có tài nguyên rừng và muốn tìm đầu ra cho gỗ. Rất nhiều bàn ghế, giường của ta nhập sang Mỹ đều sử dụng gỗ nguyên liệu nhập từ Mỹ”.
“Nếu như từ ngày 9/4, rất nhiều sản phẩm gỗ sang Mỹ chịu mức thuế 46% khiến doanh nghiệp không còn biên độ lợi nhuận”, ông Hoài nhấn mạnh.
Doanh nghiệp dệt may tin sẽ vượt qua cơn bĩ cực
Theo ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, dệt may là 3 mặt hàng chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch hơn 16 tỷ USD, chiếm 35 - 40% thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng đều đặn, từ năm 2015 đến nay xấp xỉ đạt 6%.
“Chính sách thuế đối ứng mới của ông Trump, chúng tôi đánh giá bất ngờ và vượt xa dự báo trước đây, về mức thuế đối ứng”, ông Cầm cho biết.
Dữ liệu tính toán của một đại học Mỹ, người tiêu dùng Mỹ có thể tăng thêm 3.800 USD chi trả. Do đó, nhu cầu của Mỹ sẽ suy giảm, người dân Mỹ với thói quen tiêu dùng tín dụng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện neo mức thuế cao hơn, ngân sách tiêu dùng của gia đình Mỹ sẽ giảm mạnh.
“Ngành hàng dệt may tại Mỹ cao hơn mức trung bình, gấp hơn 5 lần mặt hàng khác”, “Dệt may sẽ là mặt hàng trong rổ hàng hóa chịu tác động mạnh nhất”, ông Cầm dự báo.
Ngành dệt may được dự báo nằm trong rổ hàng hóa chịu nhiều tác động từ thuế quan. Ảnh: May 10.
Về vấn đề này, tại ĐHĐCĐ năm nay, Chủ tịch Tổng CTCP May Việt Tiến (mã: VGG) Vũ Đức Giang cho rằng thuế suất 46% là con số ban đầu, sau đó Mỹ giữ quan điểm 10% cho các nước. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với phía Mỹ và đã có những tín hiệu rất tốt, nên ở góc độ Công ty, lãnh đạo Việt Tiến cho biết sẽ có sự linh hoạt và thích ứng trước các thách thức bên ngoài.
“Cái gì sẽ diễn ra ngày mai chúng ta không thể đoán trước, ngành dệt may mà bị đánh thuế 46% thì doanh nghiệp đóng cửa hết, không ai bán hàng qua Mỹ được”, Chủ tịch Vũ Đức Giang nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch CTCP May Sông Hồng (mã: MSH) cũng cho biết, khó có doanh nghiệp nào có thể tồn tại với mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ đưa ra trước đây. Không chỉ các nhà sản xuất Việt Nam, nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho chuỗi dệt may mà cả các nhà nhập khẩu Mỹ cũng phá sản.
Bởi thế, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam đặt niềm tin vào năng lực thương thuyết của Chính phủ. Về phần mình, May Sông Hồng cũng chủ động thích ứng, trong bối cảnh hiện nay phải điều chỉnh, tổ chức sản xuất thế nào, tiết kiệm chi phí ra sao, có chiến lược đầu tư nguyên phụ liệu…
“MSH đang tính toán liên doanh đầu tư cả lĩnh vực dệt vải để tự chủ một phần nguyên liệu. Với chuỗi cung ứng dệt may gồm nhà cung cấp – nhà sản xuất - nhà nhập khẩu, chúng tôi đang làm việc để thống nhất chia sẻ rủi ro tăng thuế. Mỗi nhà sẽ cần giảm đi một phần lợi nhuận, san sẻ khó khăn dù theo hợp đồng, nhà nhập khẩu phải gánh tất cả. Tôi tin, chúng ta sẽ vượt qua cơn bĩ cực này”, Chủ tịch Thịnh chia sẻ với cổ đông.
Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp không bị cuốn vào vòng xoáy chính sách thuế mới do không phụ thuộc thị trường Mỹ. Điển hình như tại CTCP Đầu tư & Thương mại Vũ Đăng (mã: SVD), lợi nhuận ròng quý I của đơn vị này đạt 333 triệu đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 3,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của Công ty, kết quả khả quan trong quý đầu năm 2025 đến từ nhiều yếu tố: Kinh tế trong nước tương đối ổn định, các hợp đồng đã ký được đẩy mạnh giao hàng, giá nguyên liệu đầu vào cải thiện và đặc biệt là SVD không bị tác động bởi chính sách thuế quan mới từ Mỹ do thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản và các nước châu Á.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công thương vừa tổ chức, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm các nước Mỹ ưu tiên đàm phán về thuế quan đối ứng, cùng với Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia.
Theo ông Hưng, dù thương mại Việt - Mỹ đang gặp phải thách thức liên quan đến thuế quan, nhưng nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Walmart, Target, Costco, HomeDepot... cho biết họ ủng hộ và tin tưởng Việt Nam sẽ sớm đạt được thỏa thuận phù hợp về các mức thuế quan đối ứng.
Trang Mai
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/tam-diem-mua-dhdcd-loat-doanh-nghiep-xuat-khau-viet-san-sang-kich-ban-ung-pho-truoc-thue-quan-cua-my.html