Đội ngũ cán bộ hưu trí, đảng viên ở cơ sở cùng với các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào dự thảo các văn kiện đại hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với sự phát triển của quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.
Chi bộ thôn Nà Pán, xã Phong Quang, họp triển khai các nội dung xin ý kiến đóng góp vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Tại các xã vùng cao như Phong Quang, việc tổ chức lấy ý kiến đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Theo đồng chí Triệu Thị Thu Hoài, Bí thư Đảng ủy xã Phong Quang: Địa phương đã kịp thời triển khai văn bản đến tất cả các chi bộ và thôn, tổ chức họp lấy ý kiến sâu rộng trong đảng viên và quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được tăng cường, giúp người dân nắm bắt rõ nội dung dự thảo và phát huy tinh thần đóng góp xây dựng.
Đồng chí Lý Tiến Lợi, Bí thư Chi bộ thôn Nà Pán, chia sẻ: Người dân trong thôn bày tỏ sự đồng thuận cao với những nội dung được đề cập trong dự thảo văn kiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng mong muốn tỉnh nghiên cứu kỹ hơn các chính sách quy hoạch phát triển vùng kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, sao cho phù hợp với điều kiện thực tế sau khi sáp nhập địa giới hành chính.
Là đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ thôn Nà Pán, bà Triệu Thị Thu bày tỏ ý kiến đóng góp vào phần các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2025-2030 “Phấn đấu đến năm 2030 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”.
Đây là một chỉ tiêu rất cụ thể và để hoàn thành thì cơ quan chức năng cần tham mưu cho tỉnh những giải pháp cụ thể hơn nữa mang tính khả thi. Bởi lẽ, các xã phía Bắc của tỉnh hiện còn nhiều khó khăn, trong khi nguồn lực ở địa phương có hạn.
Về mục tiêu “Phấn đấu trước năm 2030 không còn hộ nghèo”, ông Hoàng Văn Khỏa, là cán bộ hưu trí ở xã Bằng Thành, cho rằng: Chỉ tiêu này cần được tính toán sát với tình hình thực tiễn, nhất là với khu vực vùng cao. Hiện nay trên địa bàn các xã thuộc huyện Pác Nặm cũ vẫn còn nhiều hộ dân chưa có điện lưới để sử dụng hoặc chưa có sóng điện thoại, đời sống còn kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Một góc phường Bắc Kạn và phường Đức Xuân.
Ở một khía cạnh khác, ông Vũ Xuân Khánh, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn (cũ), chia sẻ: Qua nghiên cứu báo cáo chính trị của tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, chúng tôi đã góp ý với mong muốn cấp có thẩm quyền cần thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bất cập. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, giải pháp căn bản để thực hiện.
Với bộ máy chính quyền hai cấp, nhân dân mong muốn Đảng bộ tỉnh tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ở vùng cao. Đặc biệt là việc thực hiện quy hoạch các vùng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp sát với tình hình thực tiễn sau khi sáp nhập hai tỉnh.
Ông Hoàng Ngọc Đường, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn (cũ), cũng có những chia sẻ chi tiết về dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2025-2030. Theo ông, Văn kiện đã thể hiện khá toàn diện những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, quản lý điều hành chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, phần đánh giá thực trạng và phương hướng nhiệm vụ được thể hiện rõ ràng, chặt chẽ, với những chỉ tiêu cụ thể, hợp lý. Trong nhiệm kỳ mới, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách liên kết vùng, phát triển đô thị xanh - thông minh, ứng dụng công nghệ số trong điều hành và sản xuất. Đồng thời cần tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là lực lượng trẻ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm từ cơ sở không chỉ thể hiện trình độ nhận thức và sự quan tâm sâu sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân, mà còn khẳng định niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới.
Sự đồng thuận và đoàn kết chính là nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển mà dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra.
Nhóm P.V