Có tiếp xúc với họ lâu, có trò chuyện với họ nhiều mới thấy đó là một quá trình hết sức công phu, đòi hỏi phải dụng tâm, dụng tình, dụng trí,...
Nghệ nhân Tư Phi (Trần Văn Phi, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) tỉ mẩn làm từng công đoạn cho tác phẩm điêu khắc gỗ
Nhà nghệ nhân Tư Phi (Trần Văn Phi) ở ngoại ô TP.Tân An, tỉnh Long An. Ông được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là Nghệ nhân điêu khắc gỗ của tỉnh từ năm 2010. Sáng sớm, ông chẳng vội làm ngay mà dành thời gian tận hưởng phút yên bình.
Ông nói, một nội tâm tĩnh lặng là cần thiết để tạo ra tác phẩm điêu khắc giá trị. 45 năm sống bằng nghề chạm khắc, ông Tư Phi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, lúc nhục, lúc vinh, lúc hợp lý, hợp tình cũng đôi khi vô vàn trái khoáy. Nhưng khi nhìn lại, ông vẫn yêu cái nghiệp đục đẽo này.
Nếu như trước đây, mọi công đoạn phải làm thủ công thì giờ đây, việc cưa, xẻ, tạo hình gỗ đã có máy móc hỗ trợ. Các loại máy giúp nghệ nhân tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.
Việc khắc hoa văn thì máy CNC cũng thay thế con người. Một chiếc máy có thể tạo ra hàng trăm, hàng ngàn mặt hàng giống nhau nhưng chúng lại không có “hồn”. Trong khi đối với nghệ nhân, mỗi tác phẩm làm ra là độc đáo, có một không hai.
Theo ông Tư Phi, chất liệu gỗ để chạm khắc khá quan trọng. Gỗ có nhiều loại và giá thành khác nhau. Gỗ hạng 1 có thể kể đến như cẩm lai, trắc, gõ,...; hạng 2 là các loại như sao, bằng lăng,...; gỗ hạng 3 thường dùng trong xây dựng.
có kinh nghiệm lâu năm nên chỉ cần nhìn, ngửi mùi là ông Tư Phi biết đó là loại gỗ gì. Ông thường đi rừng, sông, suối để tìm các gốc cổ thụ chết hoặc mua lại của thương lái. Sau khi đem về, gỗ được vệ sinh kỹ lưỡng rồi để ráo tự nhiên.
Tiếp theo là bước quan trọng nhất của nghề chạm khắc, nghệ nhân quan sát gỗ. Nghệ nhân giỏi là người quan sát giỏi. Để thực hiện bước này, họ phải tập trung tư tưởng, không để vướng bận chuyện khác, vừa nhìn vừa “vẽ” trong đầu các hình tượng muốn chạm khắc.
Nghệ nhân phải biết được thế gỗ phù hợp với hình tượng nào để đưa ra quyết định phù hợp. Quá trình này đòi hỏi nghệ nhân phải có kiến thức văn hóa, biết về điển cố, điển tích.
Nghệ nhân Tư Phi (Trần Văn Phi, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) quan sát để chỉnh sửa chi tiết chưa ưng ý
Ví dụ, đối với hình tượng Tứ linh (long, lân, quy, phụng), nghệ nhân phải chọn chỗ gỗ có diện tích rộng để chạm hình phụng nhằm thể hiện được sự uy vũ, mạnh mẽ, đẹp đẽ của loài chim này; khi chạm rồng phải biết thế nào là ẩn long, di long, ngọa long,... thì tác phẩm mới thực tế và sống động.
Sau khi đã phác họa được tác phẩm, nghệ nhân tiến hành phá gỗ để tạo ra hình tượng thô (phôi). Tiếp đó, nghệ nhân dùng những dụng cụ chuyên dụng để chạm. Đây cũng là một công đoạn cực kỳ quan trọng, đòi hỏi sự tập trung, tinh tế, cẩn thận, tỉ mẩn.
Khi chạm cần toát lên được tính tự nhiên, một người thợ giỏi tay nghề thì tác phẩm làm ra sẽ có “thần”, có “hồn”. Đây là điều mà không phải ai cũng làm được.
Ví dụ, khi chạm một nụ hoa cần cho người xem thấy được nét “e ấp”, “thẹn thùng”, đồng thời phải mang sức sống của sự sẵn sàng bung cánh. Muốn vậy, nghệ nhân phải vừa khéo tay, vừa phải có cảm nhận tự nhiên một cách tinh tế. Giới thợ chạm thường nói với nhau, tâm tánh nóng nảy không theo nghề được.
Một tác phẩm mang theo năng lượng của người làm ra nó, người thế nào sẽ tạo ra tác phẩm như thế, có câu “khắc Phật, khắc tâm” là vậy. Chạm xong, nghệ nhân lại quan sát lần nữa để chỉnh sửa những chi tiết chưa ưng ý. Nếu cảm thấy được, họ thổi PU hoặc phủ sáp để hoàn thiện tác phẩm.
Quá trình tạo ra một tác phẩm công phu như vậy nên không thể làm gấp được. Ông Tư Phi kể, có những tác phẩm phải mất đến 2 tháng mới hoàn thành. Tuy nhiên, khách hàng "biết chơi" cũng không hối bởi họ hiểu nghệ thuật đòi hỏi phải kỹ lưỡng, không được cẩu thả dù là khâu nào chăng nữa.
Đó cũng là vấn đề mà ông Tư Phi thường nhắc con trai và các học trò. Kinh tế cũng quan trọng nhưng chạy theo kinh tế rồi tạo ra một tác phẩm không ra gì là điều khó chấp nhận, thậm chí nguy hiểm, bởi nó còn liên quan tới đạo đức người làm nghề. Người thợ chỉ cần tạo ra một tác phẩm đẹp, ý nghĩa, xuất phát từ cái tâm thiện lương thì tự nó sẽ đem lại giá trị kinh tế cao.
Hiện giờ, nghệ nhân Tư Phi có thể yên tâm và tự hào khi con trai ông đã có bằng thợ giỏi do Chủ tịch UBND tỉnh tặng, những học trò ông đào tạo cũng đang từng bước khẳng định mình.
Trên người những người thợ ấy thường bám nhiều vụn gỗ, bàn tay chai sạn, xù xì nhưng bên trong những dáng hình thô hào kia là nội tâm tinh tế, là tinh thần sáng tạo không ngừng.
Tân An cũng như nhiều thành phố khác, bên cạnh sự náo nhiệt phồn hoa là những góc lặng của tâm hồn. Ở đó, ngày ngày vẫn vang vang tiếng đục, tiếng đời./.
Châu Thanh