Tâm linh qua góc nhìn Khoa học và Tôn giáo

Tâm linh qua góc nhìn Khoa học và Tôn giáo
3 giờ trướcBài gốc
“Tâm linh” vốn là cụm từ mà đối với nhiều người vẫn xem đó là những gì thuộc về thế giới siêu linh, huyền bí, thuộc về cõi âm. Với không ít người, khi nói đến “tâm linh”, người ta cho rằng đó là một cụm từ mang tính đe dọa và đáng sợ.
Thế nhưng thực ra, tâm linh được lý giải như thế nào, bài viết hôm nay xin chia sẻ một góc nhìn về “Tâm linh” qua lăng kính Khoa học và Phật giáo, cũng như trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, trong sự hữu hạn của một bài viết cũng như những giới hạn trong khả năng hiểu biết của con người, sẽ chỉ phác họa một phần nào đó về thế giới tâm linh vốn mênh mông và đầy huyền bí.
1. Tâm linh dưới góc nhìn văn hóa phương Đông
“Tâm linh” là một chữ Hán – Việt, xuất xứ từ Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam và được Việt Nam hóa. Vì thế, để có thể hiểu ý nghĩa đích thực của “Tâm linh”, chúng ta phải truy tìm từ xuất xứ của thuật ngữ này. Ở đây, “Tâm linh” là một cặp, gồm hai chữ ghép lại với nhau. Đó là chữ “Tâm” (心) và chữ “Linh” (灵). Vì vậy, để tìm hiểu về ý nghĩa của thuật ngữ “Tâm linh”, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về ý nghĩa của từng chữ một.
1.1. Ý nghĩa của chữ Tâm
Chữ “Tâm” (心), là một chữ Hán, theo ý nghĩa sơ khai là tâm điểm, là trung tâm. Nhưng cũng giống như chữ “Linh”, khi đạo Phật du nhập vào Trung Hoa, ý nghĩa của nó cũng bị ảnh hưởng bởi triết lý của đạo Phật, nghĩa là nó được gán cho ý nghĩa của sự sống, bởi vì trung tâm của sự sống – nhận thức dưới khía cạnh tâm lý, theo quan điểm của đạo Phật – là Chủ thể nhận biết (CTNB).
Trong sự sống, tất cả các hoạt động tâm lý đều thay đổi, chỉ có CTNB là không thay đổi mà thôi. Tất cả các hoạt động tâm lý của sự sống đều diễn ra xung quanh sự nhận biết, nghĩa là chúng diễn ra xung quanh một vấn đề cốt lõi, trung tâm, là CTNB. Do vậy người ta lấy ngay “Tâm” là ý nghĩa “trung tâm” của sự sống nói trên để đặt tên cho CTNB.
1.2. Ý nghĩa chữ “Linh”
Chữ “Linh” (灵) gồm hai bộ là bộ (彐) ở bên trên, và bộ “Hỏa” (火) ở bên dưới. Hỏa có nghĩa là lửa, nhiệt, nóng,…ở đây nó tượng trưng cho sự sống.
Hình mang tính minh họa (ảnh: Thường Nguyên)
Như vậy, “Hỏa” (火) ở đây tuy nghĩa đen là chỉ cho nóng, lửa, nhiệt,…nhưng người ta dùng nó với nghĩa gián tiếp, là để chỉ cho “sự sống”. Vì lẽ đó, để phân biệt cho khỏi nhầm lẫn với nghĩa đen của nó, người ta thêm vào bên trên nó bộ. Bộ này không có ý nghĩa riêng mà chủ yếu là giải thích cho chữ “Hỏa”. Nó ở bên trên, tượng trưng cho một cái vỏ chết cứng; lại không có nghĩa, tượng trưng cho sự vô hồn, vô cảm. Vậy nó tượng trưng cho phần xác ở bên ngoài. Chữ “Hỏa” (火), tượng trưng cho “hơi ấm” làm nên “sự sống” bên trong và nó chỉ mang ý nghĩa này khi đứng dưới bộ (彐) mà thôi. Điều này tượng trưng cho vấn đề không có “hơi ấm” (là biểu hiện của “sự sống”) tồn tại một mình, độc lập với thân xác và nằm ngoài thân xác. Nó chỉ có thể tồn tại bên trong một xác thân vật chất mà thôi. Để cho khỏi nhầm lẫn với “Hỏa”, hiểu theo nghĩa thông thường, người ta không gọi là “Hỏa” nữa mà gọi là “Linh”.
Vậy “Linh” chỉ đến một cái có liên hệ với “sự sống” của một động vật, được thể hiện qua “hơi ấm”. Hiểu về ý nghĩa của chữ “Linh” theo hướng này, ở Trung Quốc có hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất là trước khi đạo Phật du nhập vào Trung Quốc.
Ý nghĩa của chữ Linh được hiểu trước khi đạo Phật du nhập vào Trung Quốc, đây là ý nghĩa khởi thủy. Ở đây, người Trung Quốc thấy có sự liên hệ giữa “sự sống” và “hơi ấm”, họ không thể tìm thấy “sự sống” ở chỗ nào không có “hơi ấm”, do đó họ đồng hóa hai nội dung lại với nhau, nghĩa là “sự sống” cùng với yếu tố có liên hệ với “sự sống” là “hơi ấm”, là một. “Linh” chính là “hơi ấm” và “hơi ấm” chính là “Linh”.
Hình mang tính minh họa (ảnh: Thường Nguyên)
Giai đoạn thứ hai là sau khi đạo Phật du nhập vào Trung Quốc
Sau khi đạo Phật du nhập vào Trung Quốc, những yếu tố mang đậm màu sắc giáo lý của đạo Phật cũng ảnh hưởng sâu rộng vào mọi mặt của đời sống văn hóa xã hội, của Trung Quốc, và ngôn ngữ đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Ý nghĩa của nhiều từ ngữ bị ảnh hưởng, thay đổi so với xuất xứ của nó, trong đó có chữ “Linh”.
Khi nghiên cứu về tâm linh và văn hóa phương Đông, chúng ta sẽ nhận ra có một số biểu tượng xuất hiện nhiều lần như: Biểu tượng Om; Biểu tượng Hoa Sen; Biểu tượng bàn tay Hamsa; Biểu tượng Phật; Biểu tượng Mandala; Biểu tượng Mắt quỷ; Biểu tượng Luân Xa; Biểu tượng Namaste; Biểu tượng Âm Dương; Bánh xe Pháp luân.
Văn hóa truyền thống phương Đông mang đặc điểm trọng tĩnh, hướng nội và khép kín, có xu hướng quay vào đào sâu vào nội tâm, bản ngã con người với những khái niệm như tâm lý, tâm linh, nhận thức, tiềm thức, minh triết, trực giác…Các khái niệm này đồng nghĩa với triết học Duy tâm, tin vào các thế lực siêu nhiên, phi vật chất,..đồng nghĩa với thần thánh, các tôn giáo và tín ngưỡng.
Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận rằng trong đời sống hằng ngày, đã có vô số những hiện tượng kỳ bí, siêu nhiên mà ngay cả các nhà khoa học ưu tú nhất cũng chưa thể đưa ra lời giải thỏa đáng. Nhiều điều kỳ lạ đã xảy ra và thường xảy ra ở các nước phương Đông. Các hiện tượng này càng khiến phương Đông trở nên thu hút với mong muốn tìm hiểu để lý giải, làm sáng tỏ hơn nữa những điều còn ẩn sâu trong cuộc sống.
2. Tâm linh dưới góc nhìn Phật giáo
Đối với đạo Phật, tâm linh là một vấn đề rất quan trọng trong đời sống con người. Theo quan điểm của Phật giáo, con người ở thế gian thường có hai đời sống căn bản:
Đời sống vật chất (vật lý, sinh lý): Bao gồm các nhu cầu sinh hoạt ăn, ở, mặc, ngủ, các hoạt động cơ bắp để có một cơ thể khỏe mạnh.
Đời sống tinh thần, tình cảm (tâm lý, văn hóa): Bao gồm các trạng thái tâm lý, cảm thọ cùng các mối quan hệ giữa cá nhân, cộng đồng, xã hội…
Hình minh họa được tạo bởi công nghệ AI.
Song, đối với người phật tử, họ có thêm một đời sống quan trọng thứ ba đó là đời sống tâm linh (Spiritual life). Hai loại đời sống đầu chỉ giúp con người đáp ứng những nhu cầu bình thường trong đời sống thường nhật, đơn giản, chúng chỉ mang tính nhất thời, chỉ chạm vào lớp vỏ bên ngoài, chưa tiếp cận vào bản chất và ý nghĩa sâu xa của sự sống. Chính đời sống tâm linh sẽ khơi mở và giúp cho mỗi hành giả hiểu được những vấn đề ách yếu, sâu thẳm của kiếp người.
Đạo Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa những chân lý thần khải không thể kiểm điểm mà chỉ có thể tiếp nhận bằng đức tin.
Đạo Phật trước hết là những phương tiện chỉ dẫn thực nghiệm tâm linh để khám phá thực tại. Kinh sách có giá trị như những đồ biểu hướng dẫn và phương pháp thiền quán có giá trị như một con tàu để đưa người hành giả tới bến bờ hiểu biết và để thực hiện sự hiểu biết ấy trong sự sống bản thân và sự sống xã hội. Chữ “budh” có nghĩa là hiểu biết do đó có chữ “buddha”, người hiểu biết, và sau này chữ “buddhism”, con đường của sự hiểu biết. Hiểu biết ở đây không phải là cái hiểu biết sách và kinh điển mà là bản thân của chính thực tại hiện rõ dưới khả năng trí tuệ bát nhã (prajna) chỉ có thể đạt đến do công phu tu tập thiền quán.
Hình minh họa được tạo bởi công nghệ AI.
Tuy nhiên vì đạo Phật luôn luôn chú trọng thực nghiệm và lý trí nên đức Tin của người Phật tử không phải là một đức tin vô điều kiện. Theo sự tiến hóa của tâm linh, đối tượng của niềm tin càng ngày càng thay đổi, biến chuyển để đi đến sáng tỏ. Và khi đối tượng của tin tưởng trở thành sáng tỏ thì chủ thể tin tưởng cũng đã trở nên vững chãi và sáng tỏ. Tin ở đây là một quá trình tiến bộ.
Đạo Phật không phải là một khoa học vì đạo Phật không sử dụng những khí cụ của khoa học để đi đến một cái nhìn có tính cách phân tích chi li về sự vật. Nhưng trên con đường thực nghiệm tâm linh, đạo Phật có tinh thần vô tư và tôn trọng thực nghiệm như khoa học. Khí cụ của Phật học là khả năng phản tỉnh, tham thiền, trực nhận thực tại. Nói tóm lại đạo Phật không phải là tôn giáo, không phải là triết học, không phải là khoa học nhưng trong đạo Phật ta có thể tìm thấy cả các yếu tôn giáo, triết học và khoa học. Ngoài các yếu tố đó còn có những tính chất đặc biệt của Phật học không tìm thấy trong tôn giáo, triết học và khoa học.
Nói đến thực nghiệm tâm linh là nói đến nền tảng căn bản của đạo Phật. Bởi vì đạo Phật cho rằng nếu thiếu sự tiếp xúc của con người và những nguyên lý mầu nhiệm của thực tại thì mọi hình thái của sự sống sẽ mang tính cách khổ đau và tàn tạ (dukkha). Thế cho nên ở thời nào thiếu chứng ngộ, thiếu sự khám phá thì ở thời ấy giáo pháp suy mạt và sự sống nghèo khổ. Nơi những con người đạt đạo, sức sống tràn trề rạt rào và thấm nhuần trong mọi sinh hoạt xã hội. Ở nơi người đạt đạo, tỏa chiếu nghệ thuật linh động của sự sống, nghệ thuật ấy soi sáng cho đường lối nhân sinh của địa phương và thời đại. Mọi sinh hoạt xã hội cần được xây dựng trên cái nhìn bao quát và khế hợp căn cơ của người đạt đạo. Cho nên đạo Phật không những chỉ là thực nghiệm tâm linh mà lại còn là sự thể hiện trên cuộc sống những nguyên lý linh động đạt tới do công trình khám phá thực tại của những thực nghiệm ấy.
3. Tâm linh dưới góc nhìn khoa học
Tâm linh, một thứ tràn đầy tính bí ẩn, khó lý giải và vẫn hay bị gán nhãn "mê tín", "phản khoa học" trước kia, gần đây đã được các nhà khoa học phương Tây nghiên cứu và giải thích dưới góc độ Tâm lý học và Thần kinh học.
Tâm linh đang có sự trở lại thú vị trong những năm gần đây, hoặc có lẽ dần đi vào nền khoa học chính thống. Nhiều bài học được rút ra từ truyền thống tôn giáo, triết lý yoga và thiền định, cũng như ý tưởng về một ý thức rộng lớn hơn, vĩ đại và phổ quát hơn bao trùm trên tất cả. Tư tưởng trung tâm của một số truyền thống trong suốt nhiều thiên niên kỷ là ý tưởng “buông”, không kiểm soát, phó thác và trao gửi ý niệm của mình cho một quyền năng, sức mạnh huyền bí nào đó, bất kể điều đó có thể là gì. Nói cách khác, người ta thường sử dụng cụm từ “in the flow”, có thể dịch là "ở trong dòng chảy", hay “nương theo dòng chảy”.
Hình minh họa được tạo bởi công nghệ AI.
Khó có thể định nghĩa tâm linh là gì, song có thể khẳng định chỉ có con người mới có được khái niệm về tâm linh, trừ những người mang các bệnh lý tổn thương thực thể hay chức phận tại vỏ não, ví dụ: các bệnh về cấu trúc não bộ hoặc rối loạn chức năng như não úng thủy, bệnh Down, bệnh Alzheimer người già, bệnh tâm thần phân liệt… những người mắc các bệnh này sẽ không có đầy đủ ý niệm về tâm linh, có chăng chỉ là ảo giác không hiện thực.
Các phương thức hoạt động của não bộ:
Hoạt động của vỏ não với phương thức ”Logic suy luận"
Đó là những hoạt động chân tay hay trí não của những người bình thường với các công việc bình thường, cho đến các hoạt động trí não của những người thông thái với những ý tưởng siêu phàm đặc biệt, đó là sản phẩm của "Trực giác - Tiềm thức" .
Hoạt động ngoài vỏ não, dưới vỏ não được phản ánh vào ”Logic trực giác xuất thần". Logic trực giác xuất thần gồm hai loại:
Thứ nhất: Gồm các quan niệm, khái niệm lưu truyền từ xa xưa đến nay như tôn giáo, thần linh, linh hồn người quá cố…Khi nhắc đến các khái niệm này người ta cảm nhận như sự đồng cảm của các phức "Tâm - Trí". Một phần cảm nhận ở tâm, đó là những xúc cảm của tim, phần kia là tư duy ý thức của vỏ não.
Thứ hai: Gồm các biểu hiện không phải là tư duy của vỏ não mà vỏ não chỉ như cái gương phản chiếu logic này, đó là "Trực giác xuất thần". Ví dụ trực giác về một ngôi mộ, đọc ý nghĩ người khác, nhìn thấy quá khứ, nói đúng hơn là đọc được tiềm thức của người khác…được phản ảnh trên vỏ não người có trực giác mà không cần quá trình suy luận, không sử dụng "Logic suy luận". Khả năng này chỉ thấy ở một số hạn hữu người nào đó và cũng chỉ ở thời điểm nào đó trong quá trình sống của họ và cũng không ổn định, cũng như khó xác định độ chính xác của nó.
Các nhà lý thuyết vật lý sinh học giải thích hiện tượng tâm linh như thần giao cách cảm là khả năng phát và thu thông tin qua bức xạ điện từ vùng radio phản xạ trên tầng điện ly. Đọc ý nghĩ của người khác là đọc tín hiệu điện từ của xung thần kinh chạy trong mạng nơron. Theo cách giải thích của các nhà vật lý sinh học thì mọi hiện tượng tâm linh có thể giải thích chủ yếu là sự tương tác của những người có khả năng dị thường với bức xạ tàn dư của các sự vật, hiện tượng.
Hiện tượng tâm linh là một loại hiện tượng tinh thần đặc trưng ở con người, biểu hiện ở một số người như là giác quan thứ sáu, có cơ sở là vết tích của "Logic trực giác xuất thần" của loài động vật cấp thấp để lại trong quá trình phát triển thai người.
Theo TS.Roberto Assagioli, tâm linh là một tồn tại hiện thực cần nghiên cứu theo phương pháp tâm lý học và chống lại việc khai trừ hiện tượng tâm linh ra khỏi phạm vi nghiên cứu khoa học và giải phóng nó ra khỏi rào chắn của các thiên kiến bị dồn nén trong các tôn giáo, triết học và các hệ tư tưởng thần bí khác nhau, ông đã đề xướng một hướng nghiên cứu thực nghiệm về nó, phương pháp tổng hợp tâm lý coi con người là một thực thể “Sinh học - Tâm lý - Tâm linh”, từ đó tạo ra phương pháp vững chắc để phát triển cá nhân. Roberto Assagioli coi con người là một nguyên tử có cấu tạo, tương tác giữa cấu trúc sinh học với cấu trúc tình cảm, tinh thần. Tâm linh có tổng số năng lượng xuyên cả vũ trụ, con người là một hành tinh, một vũ trụ vi mô vĩnh viễn sinh thành, như một hệ thống mở với một sự sống vô hạn mà con người phải tự mình khám phá.
Vấn đề tâm linh, siêu thức là mạch ngầm trong đời sống tinh thần con người, được xem xét cả ba chiều: chiều văn hóa, chiều khoa học, chiều cá nhân từ chiều sâu đến đời thường trong sự vận động phong phú, sinh động của nó.
Một trong những yếu tố gắn với tâm linh mà con người thường đề cập đến gồm có: Trải nghiệm cận tử (Near-Death Experience - NDE); Hiện tượng tái sinh và ký ức tiền kiếp; Hiện tượng thần giao cách cảm và linh cảm trước sự kiện; Trải nghiệm ngoài cơ thể (Out-of-Body Experience - OBE); Hiện tượng dự báo trong giấc mơ (Giấc mơ tiên tri); Hiện tượng ngoại cảm và "thiên nhãn"; Ký ức tập thể và cảm giác "đã từng trải qua" (Déjà vu); Kinh nghiệm siêu nhiên trong thiền định và tôn giáo;
Theo góc nhìn khoa học, “Tâm linh là yếu tố siêu việt, ưu việt, thường hằng, tự do, nội tâm, sáng tạo, hài hòa và tổng hợp ở trong tất cả những gì biểu hiện ra về mặt cá nhân cũng như tập thể”.
4. Những câu chuyện thực kể
Nhân nói về đề tài tâm linh, tôi xin được kể ra đây những câu chuyện có thật mà bản thân tôi đã trải qua, tôi cũng không khẳng định rằng những trường hợp này là có liên quan đến yếu tố tâm linh hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng với một người có đức tin vào nhân quả, vào sự mầu nhiệm của Phật pháp thì tôi tin rằng con người vẫn đang sống trong một bề mặt dòng chảy với những điều bí ẩn chưa thể lý giải.
Hình minh họa được tạo bởi công nghệ AI.
Câu chuyện thứ nhất: Năm 2008, khi tôi vẫn còn đi làm bằng xe đạp, mỗi ngày từ nơi làm việc, tôi vẫn thường chạy ra bằng con đường tắt rồi quẹo ra con đường lớn, nói là đường lớn nhưng cũng ít xe cộ qua lại. Chiều hôm đó như mọi ngày, tôi vẫn chạy xe ra và băng qua đường lớn, nhưng đột nhiên tôi nghe có một tiếng nói nhẹ như làn gió thoảng, lướt vào sát tai tôi, tôi nghe được hai chữ “tránh vô” rất nhỏ, theo phản xạ, tôi lách tay lái trở vào bên lề đường thì lúc này, một chiếc xe oto 16 chỗ vừa trờ tới, ngay sau lưng tôi, tôi chỉ kịp nhìn chiếc xe chạy qua, không bấm còi, bình thường tôi vẫn cẩn thận quan sát xe sau lưng nhưng không hiểu sao ngày hôm đó, tôi lại vội băng qua đường mà không quan sát. Mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn nghĩ nếu lúc đó tôi không nghe tiếng nói thoáng bên tai, không kịp thời lách xe vào trong lề thì không biết chuyện gì xảy ra.
Câu chuyện thứ hai: Năm 2019, khi tôi chuẩn bị đi thi cao học, khu vực miền Nam tập trung về địa điểm Cần Thơ, khi đó tôi được xếp ở chung phòng cùng một chị. Chúng tôi lên xe để di chuyển về địa điểm trước ngày thi một ngày. Sau khi xe chạy được một đoạn thì tôi nhận được tin nhắn của chị chung phòng, chị báo với tôi là do có một số người bạn chị đang xuống Cần Thơ với chị, mấy chị xuống đột ngột nên chị thuê phải một phòng khác để cùng ở với mọi người, không ở cùng phòng với tôi được. Lúc này, tôi mới nói cho một bạn ngồi cạnh tôi nghe về trường hợp của mình, tôi định sẽ ở một mình thì bạn ấy bảo tôi nhập qua cùng phòng với bạn ấy. Thế là tôi đồng ý và chúng tôi ở cùng phòng. Đêm hôm đó, tôi và bạn lấy tài liệu ra ôn tập, khi đối chiếu, tôi và bạn mới phát hiện ra hai nội dung ôn tập của chúng tôi không giống nhau, nghĩa là đề ôn của tôi là đề cũ, đề của bạn là đề mới mà tôi không biết nên chưa cập nhật. Tôi mới gọi lại cho chị cùng phòng (cũ) để hỏi về trường hợp của chị thì chị ấy cũng giống như tôi. Thế là tôi vội vã mượn câu hỏi ôn của bạn mới để photo lại. Ở khu vực này đường vắng, duy nhất chỉ có một tiệm photocopy ở ngay đầu đường, khi tôi chạy ra, tôi rất mừng vì thấy tiệm còn mở cửa, chị chủ tiệm nói với tôi: “Hên cho em, hôm nay chị còn tài liệu của khách nên chưa đóng cửa chứ bình thường 7 giờ tối là chị nghỉ rồi”. Thế là tôi và chị bạn cùng phòng cũ đã kịp thời có được bộ đề ôn chuẩn xác, tôi nghĩ, nếu không có một sự thay đổi đột ngột đó, nếu tôi và chị cùng phòng cũ vẫn ở chung phòng thì chắc tôi đã không phát hiện ra mình sai sót trong nội dung ôn tập.
Câu chuyện thứ ba: Năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, việc học của chúng tôi đều chuyển sang zoom và bài vở đều phải nộp trực tuyến, tôi nhớ đêm hôm đó, tôi có một môn học phải nộp bài, hạn chót vào lúc 10 giờ đêm, vì là bài nộp trực tuyến nên sau 10 giờ thì hộp thư tự động khóa, đồng nghĩa ai nộp trễ xem như không có điểm. Hôm đó tôi mệt nên ngủ quên, bất chợt tôi nghe chuông điện thoại reo một hồi dài liên tục, tôi giật mình thức dậy, tôi cầm điện thoại lên định trả lời thì không thấy bất kỳ cuộc gọi nhỡ nào, tôi cũng không cài báo thức, các tài khoản mạng xã hội cũng không có ai liên lạc, lúc này là 9 giờ đêm, tôi sực nhớ là tôi chưa làm bài tập và tôi đã thức dậy làm bài kịp lúc.
Hình minh họa được tạo bởi công nghệ AI.
Câu chuyện thứ tư: Đây là câu chuyện tôi nghe kể lại từ một người đàn ông. Ông kể rằng buổi tối khi ông nằm ngủ thì thấy một người quen đã qua đời hiện về trong giấc mơ và nói với ông “Lấy cái khăn xếp lại bỏ vào túi áo”, khi thức dậy, ông ngạc nhiên nhưng cũng làm theo. Ngày hôm đó khi đi trên đường, bất ngờ có một chiếc xe chở các thanh sắt bị mất lái, đụng vào ông, thanh sắt trúng ngay cái túi áo mà ông đã đặt chiếc khăn vào trong đó. Đây là câu chuyện có thật mà tôi đã được nghe kể lại.
Qua những câu chuyện trên, có thể có người tin, có người không tin hoặc suy luận ở nhiều góc độ khác nhau, riêng tôi, tôi tin trong thế giới huyền bí này, vẫn có những điều mầu nhiệm nằm ngoài khả năng phán đoán của con người, nó có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc sắp xếp từ sự vật, hiện tượng nào đó mà con người chưa có lời giải đáp, tuy nhiên khi chúng ta cảm nhận có sự “tác động” từ một yếu tố siêu hình sẽ nhắc nhở chúng ta biết tự soi rọi, quán chiếu lại bản thân mình và tin rằng mọi việc làm của chúng ta dù thiện hay ác cũng đều sẽ có sự ghi nhận và đón nhận.
5. Tâm linh trong đời sống xã hội
Chính vì sự kỳ bí, siêu hình nên tâm linh được xem là nền tảng gắn liền với đời sống văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo trong cả phần Lễ và Hội. Đặc biệt, các nghi thức Phật giáo đan xen và hòa quyện với phần Hội truyền thống.
Hình minh họa được tạo bởi công nghệ AI.
Khi có đời sống tâm linh sẽ giúp con người biết hướng thiện, tin vào nhân quả, biết làm lành tránh dữ, gìn giữ những giá trị đạo đức, văn hóa xã hội và phát triển nền tảng ý thức con người, giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc. Đó là lý do hình thành nên quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” để nhắc nhở mỗi người chúng ta, khi điều gì chưa biết, chưa thể khẳng định đúng sai thì nên tôn trọng, giữ gìn ý tứ, không nên giễu cợt hoặc mạo phạm. Bên cạnh đó, cũng là cách dung hòa giữa việc thờ cúng Tổ tiên, ông bà với tín ngưỡng Tôn giáo.
Trong xã hội ngày nay, văn hóa tâm linh là một thuật ngữ được dùng để chỉ một loại hình văn hóa tinh thần đặc thù của người Việt Nam, sự tri ân của những người đang sống đối với những người thân đã mất, đối với những vị anh hùng dân tộc, những liệt sĩ được tôn làm bậc Thánh, Thần, Thành hoàng…diễn ra trong một không gian thiêng và thời gian thiêng nhất định.
Thực hành đời sống tâm linh cũng là con đường tìm kiếm hạnh phúc, ý nghĩa và sự bình an. Thấu hiểu điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng một cộng đồng văn hóa đa dạng, mạnh mẽ, với sự đồng tình và tôn trọng lẫn nhau.
Ngày nay, khoa học và tâm linh không còn là hai khía cạnh đối lập, mà trở thành lĩnh vực hỗ trợ lẫn nhau để giúp con người khám phá sâu hơn về bản thân và thế giới xung quanh. Nhờ vào các nghiên cứu khoa học, con người đã hiểu rõ hơn về những hiện tượng và khía cạnh trong thế giới tâm linh. Việc áp dụng các phương pháp khoa học giúp con người có cái nhìn chính xác, khách quan hơn về tâm linh, tránh những hiểu lầm và lạc lối trong việc tìm kiếm sự thật. Bên cạnh đó, tâm linh cũng có thể mở ra những khía cạnh mới trong nghiên cứu khoa học. Nhiều nhà khoa học đã khám phá ra những hiện tượng và lý thuyết mới mẻ trong quá trình nghiên cứu các vấn đề tâm linh, ví dụ: việc nghiên cứu về linh cảm đã giúp các nhà khoa học tiếp cận sâu hơn vào bí ẩn của não bộ và khả năng nhận thức của con người.
Kết luận
Tâm linh vốn là hiện tượng, đề tài rộng lớn vừa mang tính khoa học, vừa mang tính huyền bí, trừu tượng khó hiểu với nhiều phân tích, góc nhìn đa dạng, một nhu cầu mà theo các nhà xã hội học, tâm lý học có thể biến đổi (để phù hợp với văn minh mỗi thời đại) nhưng không thể biến mất. Khi nói đến tâm linh, mỗi dân tộc, mỗi thời đại và mỗi tôn giáo đều có những nhận thức, quan điểm khác nhau theo trình độ tri thức, kinh nghiệm sống và chiều sâu đời sống tâm linh bản thể,tất nhiên không thể tránh khỏi những quan điểm và cảm nhận khác nhau. Một ý tưởng mới có khi do suy luận, có khi do trực giác linh cảm, có thể đúng, có thể sai, cần được tiếp tục chứng minh, luận giải, phản biện, thậm chí bác bỏ. Với những đề tài thuộc về niềm tin tín ngưỡng thì sẽ không độc quyền về chân lý. Cho đến nay, tâm linh vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm, khám phá của các Tôn giáo và các nhà khoa học, không phải để tìm kiếm đích đến cuối cùng của khái niệm đúng, sai mà là mở ra cho con người có thêm những góc nhìn, kiến thức đa chiều, những trải nghiệm thú vị về đời sống tâm linh trong thế giới nhân sinh quan đa dạng.
Tác giả: Võ Đào Phương Trâm
Nguồn tham khảo, trích dẫn
[1] TT. Thích Đồng Thành, Tâm linh Phật giáo và xã hội đương đại, Đại Bảo Tháp Mandanla Tây Thiên.
[2] Nguyễn Đức Quý (2010), Giải nghĩa hai chữ “Tâm Linh”, Thiền Việt Nam.
[3] GS.TS Nguyễn Ngọc Kha, Hiện tượng tâm linh dưới các góc nhìn, Nguồn: chungta.com
[4] Hồ Bá Thâm, Tâm linh là một đối tượng nghiên cứu của khoa học và triết học.
[5] TT.Thích Đồng Thành, Đạo Phật con đường thực nghiệm tâm linh, Làng Mai.
[6] Viễn Ý Nguyễn, Vì sao người phương Đông quan tâm đến linh hồn và cái chết?
[7]Mai Phương, ThS. Nguyễn Thu Thủy, Tâm linh từ góc nhìn tâm lý học và khoa học thần kinh, (The science of spirituality:A psychologist and a neuroscientist explain being in the flow).
[8] Dương Văn Lượng, Một số vấn đề về văn hóa tâm linh ở Việt Nam hiện nay, Tạp Chí Cộng Sản.
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tam-linh-qua-goc-nhin-khoa-hoc-va-ton-giao.html