Theo cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng tháng 12 do Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) công bố hôm qua (24/12), Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tổng hợp (CCSI) đã giảm mạnh xuống còn 88,4, giảm 12,3 điểm so với tháng trước. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008, khi chỉ số này giảm 12,6 điểm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tâm lý người tiêu dùng Hàn Quốc xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
CCSI là chỉ báo tâm lý có nguồn gốc từ 6 chỉ số chính cấu thành nên Chỉ số tâm lý người tiêu dùng (CSI). Chỉ số trên 100 biểu thị sự lạc quan về tâm lý người tiêu dùng, trong khi chỉ số dưới 100 phản ánh sự bi quan.
Căn cứ trên các thành phần cụ thể, tâm lý triển vọng kinh tế Hàn Quốc đã xấu đi đáng kể. Đánh giá kinh tế hiện tại CSI cho tháng 12 giảm 18 điểm xuống 52, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020, khi chứng kiến mức giảm 28 điểm. Triển vọng kinh tế tương lai CSI cũng giảm 18 điểm xuống 56, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2022, khi giảm 19 điểm. Chỉ số triển vọng thu nhập hộ gia đình giảm 6 điểm, từ 100 xuống 94, phản ánh kỳ vọng thu nhập giảm.
Chỉ số triển vọng giá nhà cho tháng 12 ở mức 103, giảm sáu điểm so với mức 109 của tháng 11. Sự sụt giảm này được cho là do giá căn hộ tăng chậm lại và giao dịch căn hộ giảm ở Seoul. Bất chấp các đợt cắt giảm lãi suất chuẩn liên tiếp, Chỉ số triển vọng lãi suất đã tăng năm điểm từ 93 của tháng 11 lên 98 của tháng 12, chịu ảnh hưởng của việc tăng lãi suất cho vay do thắt chặt quản lý nợ hộ gia đình.
"Vào tháng 11, mối lo ngại về việc xuất khẩu của Hàn Quốc chậm lại và nền kinh tế suy yếu đã gia tăng sau kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, ám chỉ các chính sách bảo hộ mạnh mẽ hơn. Những mối lo ngại này đã dẫn đến mức giảm một điểm. Tác động kết hợp của tình hình bất ổn chính trị trong nước đã dẫn đến mức giảm đáng kể hơn trong tháng 12 này", Hwang Hee-jin, quan chức cấp cao trong nhóm nghiên cứu thống kê của BOK phân tích.
"Vì hơn 90 phần trăm số người được hỏi đã trả lời cuộc khảo sát tiến hành vào ngày 13/12, nên tác động của việc thông qua dự luật luận tội lần thứ hai không được phản ánh đầy đủ, nhưng sự không chắc chắn vẫn là một yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý người tiêu dùng", đại diện của BOK thêm vào.
Tỷ lệ lạm phát dự kiến, phản ánh triển vọng lạm phát trong năm tới, ở mức 2,9 phần trăm, tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước. Mặc dù tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng vẫn ở mức 1%, nhưng tỷ giá hối đoái giữa đồng Won-USD tăng mạnh và mối lo ngại về việc tăng phí tiện ích công cộng đã đẩy triển vọng lạm phát lên cao hơn.
Tỷ lệ lạm phát dự kiến trong ba năm sau đó tăng 0,1 điểm phần trăm lên 2,7 phần trăm, trong khi triển vọng năm năm vẫn không đổi ở mức 2,6 phần trăm.
(Nguồn Businesskorea)
Đức Bình