Được tổ chức trở lại sau thời gian gián đoạn, Hội thi năm nay thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều Phật tử trẻ, có những em tuổi đời vừa lên 8, lên 10. Đằng sau câu chuyện học Phật, thi giáo lý của người trẻ là những kỳ vọng và những tâm nguyện gửi đến chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, đặc biệt là Ban Hướng dẫn Phật tử và Ban Hoằng pháp.
* Nguyễn Hoàng Anh: “Mong Giáo hội tổ chức thêm nhiều cuộc thi, để người trẻ được học giáo lý”
Con là một Phật tử trẻ (sinh năm 1990, Q.Bình Tân, TP.HCM) rất vui và hạnh phúc khi tham gia cuộc thi giáo lý. Con không quan trọng đạt giải gì, quan trọng là được hấp thụ giáo lý từng chút một - đó là một trong những điều may mắn của con trong năm nay.
Nguyễn Hoàng Anh
Trước đây con cũng thường xuyên đi chùa vì yêu thích cảnh chùa và thích không gian yên tĩnh của chùa nhưng con vẫn chưa có suy nghĩ sẽ tìm hiểu về giáo lý đạo Phật. Vào một ngày cuối tháng 5-2024, con có tham gia khóa tu ngắn ngày tại chùa Thiên Khánh - Q.6, khi được thầy trụ trì tổ chức các trò chơi nhỏ trong khóa tu nhưng lồng ghép vào đó những mẩu chuyện ngắn về đức tánh từ bi của Đức Phật, con bắt đầu bị cuốn hút và muốn được tìm hiểu sâu hơn về giáo lý đạo Phật. Những khóa tu sau đó con đều tham gia đầy đủ và không bỏ sót khóa nào.
Khi có thông tin diễn ra cuộc thi giáo lý Phật tử vào cuối tháng 9-2024, thầy trụ trì đã tổ chức những buổi ôn tập kiến thức cho các Phật tử vào tối thứ Sáu và Chủ nhật hàng tuần, con hào hứng đăng ký học. Khi học sâu hơn về giáo lý, con đã hiểu được những bổn phận của người Phật tử nên làm và không nên làm, giúp cải thiện đời sống của mình tốt đẹp hơn.
Thông qua cuộc thi này, con mong Giáo hội sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc thi như vậy, để củng cố kiến thức cho các Phật tử và thu hút thêm nhiều bạn trẻ tham gia tiếp cận đạo Phật hơn nữa. Con mong các chùa cũng sẽ tổ chức các buổi học giáo lý hàng tuần tại chùa, có phân lớp cơ bản và nâng cao để các Phật tử ai ai cũng có kiến thức vững chắc, niềm tin sâu sắc về đạo của mình; quan trọng hơn hết, qua những buổi học giáo lý, cũng là cơ hội để Phật tử trẻ tự “chữa lành” cho mình, gạn đục khơi trong, bỏ đi dần những chấp niệm - nguyên nhân đem đến khổ đau.
* Nguyễn Thị Thu Hương: “Quá trình ôn kiến thức, tham gia hội thi giúp chúng con hiểu đúng hơn về giáo lý của Đức Phật”
Con là Phật tử trẻ (sinh năm 1992, tỉnh Long An), con đi chùa cũng đã lâu năm, có tìm hiểu về lịch sử và cuộc đời Đức Phật Thích Ca, thường xuyên nghe pháp, tìm hiểu giáo lý, tuy nhiên chỉ dừng ở tìm hiểu, chưa hiểu sâu và thực hành trọn vẹn.
Nguyễn Thị Thu Hương (áo tràng lam)
Vào một hôm con lướt Facebook thì thấy trang Phật giáo đưa tin về cuộc thi giáo lý dành cho Phật tử, con đã tìm hiểu và chia sẻ về cuộc thi với vài vị huynh đệ cùng tu và cùng mọi người đăng ký tham gia. Từ đó chúng con mới bắt đầu được học giáo lý một cách bài bản, và có những cái nhìn, hiểu đúng hơn về giáo lý Phật giáo qua những buổi học như thế này.
Là một người Phật tử trẻ, con vô cùng hạnh phúc khi được tham gia vào các lớp ôn tập và tham gia cuộc thi giáo lý dành cho Phật tử. Hạnh phúc hơn là được sự chỉ dạy và hướng dẫn vô cùng tận tâm của quý thầy, để chúng con có cơ hội “thực hành”, áp dụng hữu hiệu vào đời sống.
Ngày chưa đi chùa chưa học giáo lý con chưa biết hết lợi ích của việc giữ giới, nhờ học giáo lý mà bây giờ con cẩn trọng hơn trong lời nói, hành vi của mình. Con thấy rằng, đối với một người Phật tử việc học giáo lý là vô cùng quan trọng. Khi học rồi thì con mới hiểu được ý nghĩa lời dạy của Đức Phật “học mà không tu như đãy đựng sách, tu mà không học thì là tu mù”. Sau khóa học, ôn thi này, khi có ai hỏi con đi chùa để làm gì, vì sao con quy y Tam bảo… con cũng có đủ kiến thức để giải rõ cho người hiểu và có thể hướng dẫn họ cùng đi chùa cùng tu tập và phụng sự với mình.
Từ khóa ôn thi giáo lý này, con chỉ có một mơ ước, đó là rất mong mỏi chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo, quý sư trụ trì các tự viện ở địa phương sẽ mở rộng lớp giáo lý hơn nữa để Phật tử có cơ hội học tập.
* Lý Tú Châu: “Mong quý Thầy có nhiều clip hoằng pháp trên mạng xã hội”
Con là một Phật tử trẻ, người Hoa (sinh năm 1995, thường trú P.8, Q.11, TP.HCM). Con được biết hội thi giáo lý lần này được tổ chức trở lại sau thời gian gián đoạn, do Ban Hướng dẫn Phật tử phối hợp cùng Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM thực hiện. Con đến với cuộc thi giáo lý trong tâm thế là học lại, ôn lại giới pháp để giữ giới đã thọ và học thêm giáo lý, để áp dụng vào đời sống của mình.
Phật tử Lý Tú Châu và mẹ
Sự khác biệt lớn nhất của trước và sau khi đến với khóa thi, đó là: khi chưa tìm hiểu sâu về giáo lý, con chỉ nghĩ Phật là đức tin, người Phật tử chỉ cần thờ Phật, làm việc thiện thì sẽ được phước báu. Nhưng sau khi tiếp xúc với giáo lý thì con đã biết được thêm rất nhiều kiến thức, bản thân phải học tập, ứng dụng giáo lý của Đức Phật vào cuộc sống, phát tâm thực hiện các hạnh nguyện, trau dồi thật nhiều thì mới giúp ích không chỉ là mình, mà còn là giúp gia đình, bạn bè, và mọi người tiếp xúc hiểu thêm giáo lý Phật.
Hiện nay, giới trẻ chúng con tiếp xúc hàng ngày với mạng xã hội, con rất mong chư tôn đức sẽ có những lời dạy, truyền tải giáo lý qua những clip ngắn, bằng tiếng Việt và cả tiếng Hoa, để chúng con dễ tiếp thu và tiện học, ghi nhớ trong những khoảng thời gian ngắn ngủi nghỉ trưa giữa giờ làm việc, hoặc những phút giây ngắn nghỉ giải lao trong lúc học ở giảng đường.
Mong muốn lớn nhất vẫn là Giáo hội trong tương lai gần sẽ thường xuyên mở các lớp giáo lý, tổ chức Hội thi giáo lý bằng nhiều hình thức, để tuổi trẻ chúng con được có thêm nhân duyên học giáo lý, được gặp nhau để cùng chia sẻ, kết nối nhau sống đẹp.
* Mai Hồ Trung Dũng, Mai Hồ Trung Quý: “Hai anh em con muốn được thi giáo lý hàng năm”
Con là Mai Hồ Trung Dũng, pháp danh Minh Dũng (10 tuổi), và em trai con là Mai Hồ Trung Quý, pháp danh Minh Tấn (8 tuổi). Hai anh em con là Phật tử nhỏ tuổi nhất tham gia Hội thi giáo lý tại chùa Vạn Phật (Q.5) với ước mơ là sẽ học được thêm lời dạy của Đức Phật, hai anh em con rất thích được học giáo lý.
Hai anh em Mai Hồ Trung Dũng, Mai Hồ Trung Quý (tham dự hội thi tại chùa Vạn Phật, Q.5) lưu niệm bên Thượng tọa Thích Truyền Cường, Trưởng ban Trị sự GHPGVN Q.5, Trưởng ban Tổ chức Hội thi giáo lý tại Ban Trị sự GHPGVN Q.5
Dì của hai đứa con khi hay tin có hội thi đã đăng ký cho hai đứa con thi. Hàng tuần con đều đến chùa sinh hoạt, những tối không bận học bài thì hai đứa con cũng đi chùa tụng kinh. Nhà con ở quận 8, nhưng con thường đến chùa Giác Ngộ (Q.10), chùa Thiên Tôn (Q.5) để tham gia khóa tu dành cho Phật tử nhí. Thường thì ba sẽ chở tụi con đi, ba bận thì con nhờ dì, nhờ cậu, nói chung sẽ nhờ hết mọi người, và nếu không nhờ được ai thì mới nghỉ.
Hai đứa con rất nôn đến ngày đi thi giáo lý, trước đó một tuần, ngày nào tụi con cũng ôn, có hôm chúng con học giáo lý, có đêm ôn bài từ 8 giờ tối đến 12 giờ hơn mới đi ngủ. Với hai anh em con, được học giáo lý rất vui, mình học xong mình làm theo, bản thân mình vui và mọi người đều vui. Cho nên, hai anh em con học giáo lý như học lời hay lẽ phải, như học kiến thức ở trường, học thấy thích nên không có buồn chán.
Chúng con học theo lời Phật dạy hiếu thảo với cha mẹ, tụi con nhớ câu chuyện ngài Mục Kiền Liên tìm mẹ, cứu mẹ, càng đọc tụi con càng thương ba mẹ hơn. Tụi con đọc kinh Vu lan là thấy thương ba mẹ vô cùng. Nên khi mà ba mẹ bận đi làm là hai anh em lo cho nhau, cái gì làm được là hai anh em con tự làm để ba mẹ đỡ cực. Con dạy em học, em chơi cùng con - hai anh em chơi với nhau rất thân. Hai anh em cũng có nhiều khi cãi nhau nhưng chút là hết, chơi lại với nhau, vì là anh em mà, phải thương nhau.
Càng học Phật, con càng thấy gia đình mình hạnh phúc, ai cũng thương nhau. Ba thương mẹ nên lúc nào đi làm về sớm là lo cơm nước cho gia đình. Khi em bệnh là con phụ ba lau nhà, rửa chén, để ba có thời gian mua thuốc, đút cháo cho em. Rồi khi con bệnh thì em cũng lo cho con y hệt vậy. Hai anh em con có ăn là ăn chung, có ít thì ăn ít nhưng đứa một nửa; ra đường thấy gì con cũng mua về để ăn chung, không ăn một mình. Tụi con có để dành tiền ống heo, cất rất kỹ nhưng khi ba mẹ cần, chúng con đều cho. Càng đi chùa học giáo lý, chúng con càng thương ba mẹ. Chỉ cần một trong hai đứa nói “đừng có làm vậy, ba mẹ buồn đó” là đứa kia không làm nữa. Ba mẹ là số một.
Con rất mong ngoài thi giáo lý, các chùa sẽ tổ chức nhiều hội thi hơn nữa cho tụi con tham gia, như thi thuyết trình về bài học của lòng hiếu thảo, thi viết văn về ba mẹ, tụi con rất muốn có cuộc thi nào đó dành cho cả gia đình tham gia. Nếu có thêm nhiều cuộc thi ở chùa, tụi con sẽ rất vui, vừa có bạn chơi cùng, vừa có ba mẹ cùng tham gia thì còn gì thích hơn nữa.
Khánh Vi ghi/Báo Giác Ngộ