Tâm nguyện hướng về đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị lần thứ IV

Tâm nguyện hướng về đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị lần thứ IV
7 giờ trướcBài gốc
Bà Hồ Thị Hoa, người uy tín của Xóm Mới, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh: CẦN CÓ SỰ QUAN TÂM NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC DTTS
Xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh hiện có 7 người có uy tín trong cộng đồng. Lâu nay, người uy tín trên địa bàn đa số là những người lớn tuổi đã nghỉ hưu hoặc đang công tác tại các thôn, tổ dân cư, già làng, trưởng dòng họ, người có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế có nhận thức và được rèn luyện qua quá trình công tác.
Họ cũng là những người tích cực tham gia các phong trào của địa phương, có uy tín và khả năng tập hợp Nhân dân. Người có uy tín với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vận động cộng đồng nỗ lực tăng gia, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Hồ Thị Hoa (bên trái)
Vì thế, bản thân tôi trong thời gian tới mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư nguồn lực cho vùng đồng bào DTTS, cần phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống.
Đồng thời, chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng DTTS. Song song với đó, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ người DTTS tại chỗ, quan tâm nâng tỉ lệ cán bộ người DTTS trong bộ máy chính quyền các cấp phù hợp với tỉ lệ dân số giữa các dân tộc trong địa bàn...
Thượng úy Hồ Văn Thủ - Đội trưởng Vận động Quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay: Đồng bào các DTTS hỗ trợ đắc lực để bộ đội biên phòng hoàn thành nhiệm vụ
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đồng bào các DTTS đối với việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng CKQT La Lay luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy hiệu quả vai trò của đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Nhiều phong trào, chương trình, mô hình được đơn vị xây dựng, thực hiện và lan tỏa rộng khắp giúp Nhân dân ổn định phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Qua những việc làm cụ thể, thiết thực đã góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín của bộ đội biên phòng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, cùng với cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Đến nay, có thể khẳng định đồng bào các DTTS chính là những “cột mốc sống” hỗ trợ đắc lực và bảo đảm cho bộ đội biên phòng hoàn thành nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Thượng úy Hồ Văn Thủ
Trong thời gian tới, tôi tin tưởng và kỳ vọng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh sẽ bầu ra những người đại diện uy tín, luôn quan tâm đến đời sống của người đồng bào DTTS. Từ đó có những đề xuất về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát huy vai trò của đồng bào các DTTS.
Đồng thời tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Chị Hồ Thị Diệp, xã A Ngo, huyện Đakrông: Phụ nữ DTTS cần được quan tâm nhiều hơn nhằm rút ngắn khoảng cách về giới
Sinh ra và lớn lên ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ đồng bào DTTS phải chịu nhiều thiệt thòi bởi trình độ học vấn thấp. Dù tham gia đóng góp ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội song do nhiều thôn, làng vẫn còn tư tưởng, quan điểm lạc hậu dẫn đến vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội không được đánh giá cao.
Những năm qua, trên địa bàn xã nói riêng và toàn huyện nói chung đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ giỏi, chủ động vươn lên làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Nhiều người học hành đỗ đạt, trở thành cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương. Phụ nữ DTTS vì thế ngày càng được công nhận, tôn trọng, có tiếng nói và vị trí cao hơn.
Chị Hồ Thị Diệp
Là một người phụ nữ dân tộc Bru Vân Kiều, tôi mong rằng Đảng, Nhà nước sẽ có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển KT-XH để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ DTTS.
Qua đó giúp chúng tôi có thêm niềm tin, điểm tựa, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong bình đẳng giới, đẩy lùi và xóa bỏ những định kiến, tập tục có hại cho phụ nữ và trẻ em. Nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cùng các cấp chính quyền địa phương tham gia chương trình giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Anh Hồ Văn An, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Lìa, huyện Hướng Hóa: Mong muốn thanh niên vùng khó được tạo mọi điều kiện để khởi nghiệp, làm giàu
Con đường khởi nghiệp của thanh niên, nhất là với thanh niên vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là vấn đề tài chính. Hầu hết thanh niên nơi đây có xuất phát điểm thấp, nguồn vốn tích lũy đầu tư kinh doanh không nhiều, nguồn hỗ trợ từ người thân, gia đình hạn chế. Ngoài ra, việc thiếu kiến thức, kỹ năng; khó tiếp cận với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư...là những nguyên nhân khiến quá trình khởi nghiệp của thanh niên vùng khó gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Hồ Văn An
Tôi nhận thấy, bên cạnh những khó khăn, trên địa bàn xã Lìa vẫn còn nhiều thuận lợi, có thể khai thác để phát triển kinh tế. Vấn đề là thanh niên nơi đây cần được sự chỉ dẫn, định hướng từ những người có kinh nghiệm đi trước trong tận dụng lợi thế địa phương.
Do đó, tôi rất mong, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh sẽ bầu ra những đại biểu hết lòng vì người đồng bào DTTS; quan tâm, tạo mọi điều kiện để thanh niên vùng khó được khởi nghiệp, làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương. Qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo giữa thanh niên là DTTS vùng sâu, vùng xa với thanh niên ở vùng thuận lợi.
Chị Hồ Thị Lựu, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS A Vao: Mong rằng việc giáo dục, học tập của trẻ em vùng đồng bào DTTS sẽ được quan tâm nhiều hơn
Vấn đề phát triển giáo dục, đào tạo là điều kiện cần thiết và quan trọng để đồng bào DTTS có điều kiện vươn lên hòa nhập cùng đồng bào cả nước và thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những năm qua, Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục cho đồng bào DTTS và các vùng núi khó khăn. Tuy vậy, vẫn còn những bất cập cản trở đến con em người đồng bào DTTS đến trường và đạt được kết quả học tập kỳ vọng.
Chị Hồ Thị Lựu
Là một giáo viên đang dạy học ở vùng cao, bản thân cũng là một người đồng bào DTTS, tôi rất mong Đảng và Nhà nước có sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho DTTS, nhất là con, em hộ nghèo và hộ cận nghèo trong khu vực được tiếp tục học tập.
Tăng cường hỗ trợ học bổng, sách vở, đồng phục và các nhu yếu phẩm; phương tiện đi lại...để học sinh thuận lợi hơn khi đến trường, qua đó góp phần nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS.
Trúc Phương (thực hiện)
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/tam-nguyen-huong-ve-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-quang-tri-lan-thu-iv-189789.htm