Tầm nhìn 20-25 năm tới

Tầm nhìn 20-25 năm tới
12 giờ trướcBài gốc
Khát vọng phát triển
Nếu tính từ năm 1980 đến năm 2025, quy mô kinh tế tăng khoảng 30 lần; quy mô đô thị tăng 4 lần theo hướng văn minh hiện đại. Chỉnh trang đô thị cũ, phát triển đô thị mới đã làm thay đổi diện mạo TPHCM, nâng cao đáng kể chất lượng sống của người dân và đang hướng tới một đô thị toàn cầu. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, vị trí, vai trò của TPHCM có dấu hiệu suy giảm, cả về tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế lẫn mô hình phát triển, nhiều dự án, công trình tồn đọng gây lãng phí nguồn lực.
Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 30-12-2022 về phương hướng và nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và Quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày 31-12-2024 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã đưa ra mục tiêu phát triển trong giai đoạn 20-25 năm tới: “TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và Vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế”. Đây cũng chính khát vọng phát triển của nhân dân TPHCM.
Hoạt động kinh tế trên địa bàn TPHCM phải là nơi mang “tính thị trường” nhất so với cả nước. Mô hình kinh tế thị trường phải được hình thành rõ nét nhất ở đây, xét trên 3 khía cạnh: tăng trưởng kinh tế bền vững; tiến bộ, công bằng xã hội, phúc lợi của người dân và môi trường sống. Đồng thời, nâng cao vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế; trong đó việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Trung tâm Tài chính quốc tế là nhân tố đột phá.
TPHCM phải đi đầu trong chuyển đổi số và kinh tế xanh, giảm khí thải nhà kính hướng tới net-zero. Thực hiện “chuyển đổi kép” cả nền kinh tế và đời sống xã hội. Không gian số và không gian văn hóa sáng tạo đi vào đời sống kinh tế-xã hội. TPHCM đã từng là nơi “lập nghiệp” của doanh nhân cả nước, trong thời đại mới phải là nơi “khởi nghiệp” của khu vực, là điểm đến của châu Á với tầm nhìn toàn cầu.
Những công trình, dự án đòn bẩy
TPHCM sẽ tập trung xử lý nhanh và có hiệu quả các công trình dự án tồn đọng trong nhiều năm do vướng về pháp lý, quy hoạch treo không có nhà đầu tư, dự án kéo dài lãng phí nguồn lực… nhằm hấp thụ vốn đầu tư, tạo sức lan tỏa chung ngay trong các năm 2025-2026.
Quan trọng hơn, TPHCM hoàn thành hệ thống giao thông kết nối vùng, các đường cao tốc và đường Vành đai 3, 4 (đang triển khai từ năm 2024); nối kết xong đường Vành đai 2 trong năm 2025-2026; triển khai trục giao thông Bắc - Nam và đường ven sông Sài Gòn theo quy hoạch. Trong đó ưu tiên thực hiện sớm trong các năm 2025-2027 các điểm nghẽn cửa ngõ như quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 1, quốc lộ 50... Phải xây dựng xong hệ thống giao thông khung đường bộ cả đối nội và đối ngoại trước năm 2030. Triển khai theo tiến độ hệ thống đường sắt đô thị, theo Nghị quyết 188 của Quốc hội ngày 19-2-2025, với mục tiêu hoàn thành khoảng 355km đường sắt đô thị vào năm 2035; triển khai đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ; nghiên cứu phương án kết nối với Cần Giờ và Bà Rịa - Vũng Tàu; đường sắt đô thị nối ga Thủ Thiêm với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
TPHCM cũng phải tập trung vào các dự án lớn tác động đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng, với sự chủ đạo của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số (thuộc 4 chương trình đột phá, trọng điểm của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM). Định hình trung tâm khởi nghiệp sáng tạo ở TP Thủ Đức và các trung tâm dữ liệu lớn (DC) phục vụ cho kinh tế số. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong hàng chục dự án bất động sản đang gây lãng phí nguồn lực, những dự án có sức lan tỏa lớn nhưng bị “treo” hàng chục năm qua.
Tiến hành thực hiện việc chuyển đổi chức năng 5 khu chế xuất - khu công nghiệp (trong số 17 khu) theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Đây là xu hướng tất yếu phải nhanh chóng thực hiện để thu hút dòng đầu tư mới. Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM theo nội dung đã được trung ương phê duyệt, để từng bước khẳng định vị trí vai trò đối với khu vực và thế giới.
Cuộc cách mạng về tổ chức sắp xếp lại bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương đang tiến hành theo chỉ đạo mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mở ra cơ hội cho TPHCM xây dựng nền công vụ hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện mô hình quản trị của chính quyền đô thị TPHCM phù hợp với sự vận hành của cơ chế kinh tế thị trường và xu hướng phát triển của thời đại. Đây chính là sứ mệnh của nhân dân TPHCM trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn phải được duy trì với mức tăng cao hơn khoảng 1,2 - 1,5 lần mức bình quân của cả nước, như đã đạt được trước đây. Trong đó, giai đoạn 2026-2030 đạt tốc độ tăng GRDP cao hơn 1,2 lần, và giai đoạn 2031-2035 cao hơn 1,5 lần so với cả nước; tức bình quân trong giai đoạn 2026-2035, kinh tế TPHCM phải tăng trưởng bình quân hàng năm hai con số (11-12%/năm), và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong 10 năm tiếp theo khoảng 9-10%/năm.
TS TRẦN DU LỊCH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/tam-nhin-20-25-nam-toi-post793088.html