Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm với Tổng thống Brazil Lula da Silva, tại dinh thự Tổng thống Palácio da Alvorada ở Brasilia. Nguồn: Tân Hoa Xã
Trung Quốc và Brazil trong nhiều năm qua đã theo đuổi mối quan hệ dựa trên tầm nhìn chung về sự phát triển, coi sự tiến bộ của nhau là cơ hội cho sự phát triển của quốc gia mình. Năm nay, thương mại song phương đã duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, tăng vọt 9,9% trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ này cao hơn 4,7 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng chung của ngoại thương Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại và điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Brazil trong 15 năm liên tiếp vừa qua, trong khi Brazil từ lâu đã là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc tại Mỹ Latinh.
Thống kê cho thấy, khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và Brazil đạt 181,53 tỷ đô la vào năm 2023, với Brazil trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên vượt qua 100 tỷ USD xuất khẩu sang Trung Quốc. Với nền kinh tế bổ sung cao và lợi ích của hai nước đan xen sâu sắc, việc tiếp tục hợp tác chiến lược phát triển và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới cho hợp tác song phương mang lại triển vọng tươi sáng.
Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược
Trong chuyến thăm, lãnh đạo Trung Quốc và Brazil đã nhất trí với tầm nhìn "xây dựng cộng đồng Trung Quốc - Brazil chia sẻ tương lai vì một thế giới công bằng hơn và một hành tinh bền vững hơn"; đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và các chiến lược phát triển của Brazil.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Brazil để không ngừng làm phong phú hơn nữa quan hệ Trung Quốc - Brazil trong kỷ nguyên mới; đồng thời khẳng định quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Chuyến thăm tới Brazil của Chủ tịch Trung Quốc được thiết lập để làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy chiến lược và nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước. Đứng trước thời điểm lịch sử quan trọng, Trung Quốc và Brazil cùng nhau mở đường cho một “50 năm vàng son” mới của tình hữu nghị và hợp tác có đi có lại, và chung tay xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm, Brazil và Trung Quốc đã ký 37 thỏa thuận trong các lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác công nghệ, thương mại và đầu tư, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, năng lượng và khai khoáng.
Tăng cường đầu tư vào hạ tầng năng lượng của Brazil
Trọng tâm của các cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo tại Brasilia, Brazil, là cam kết liên kết BRI với các chiến lược phát triển chính của Brazil. Các chiến lược này nhằm hiện đại hóa kết cấu hạ tầng của Brazil và tăng cường kết nối khu vực, các mục tiêu phản ánh sứ mệnh của BRI là tăng cường thương mại và phát triển toàn cầu thông qua kết cấu hạ tầng chung.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, hai bên nên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế và thương mại, tài chính, khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và khai thác xanh. Về phần mình, Tổng thống Brazil Lula đã nêu bật các kế hoạch tập trung vào việc mở rộng và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, kết cấu hạ tầng, tài chính, chuyển đổi năng lượng và hàng không vũ trụ.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định vai trò đối tác chiến lược quan trọng tại Brazil thông qua các khoản đầu tư đáng kể vào lĩnh vực năng lượng. Những dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, đồng thời nâng cao năng lực năng lượng quốc gia. Một trong những dự án nổi bật gần đây là công viên năng lượng mặt trời Panati, nằm tại bang Ceará. Được phát triển bởi chi nhánh Brazil của Tập đoàn China State Power Investment Corporation (SPIC), nhà máy này trải rộng trên diện tích 840ha và bao gồm 446.000 tấm pin năng lượng mặt trời. Nhà máy được đưa vào vận hành vào tháng 6.2024, cung cấp đủ điện hàng năm cho hơn 350.000 hộ gia đình, góp phần ổn định nguồn cung điện trong khu vực.
Theo đó, các dự án cụ thể đã được triển khai, chẳng hạn như dự án truyền tải UHV Belo Monte, tạo ra một “đường cao tốc điện”nối liền phía bắc và phía nam Brazil, không chỉ cung cấp đủ điện cho các trung tâm công nghiệp tại đó mà còn giải quyết vấn đề thiếu điện cho hơn 22 triệu người Brazil. Trong khi đó, các nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào của Brazil, bao gồm thủy điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, phù hợp hoàn hảo với chuyên môn của Trung Quốc về công nghệ năng lượng sạch và sản xuất.
Trong những năm qua, các công ty Trung Quốc đã tích cực tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Brazil, đặc biệt là các dự án năng lượng mặt trời và gió quy mô lớn, góp phần tạo việc làm và nâng cấp công nghệ tại quốc gia này.
Củng cố vị thế Nam bán cầu
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Brazil không chỉ thúc đẩy sự phát triển của mỗi nước mà còn đóng góp đáng kể vào hòa bình và ổn định thế giới; có những đóng góp quan trọng trong việc giải quyết các thách thức và xung đột toàn cầu thông qua việc duy trì tinh thần đa phương và ủng hộ một thế giới đa cực bình đẳng và có trật tự. Đặc biệt, "đồng thuận 6 điểm" của hai nước để giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine đã nhận được sự công nhận của nhiều quốc gia.
Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, Trung Quốc và Brazil đang tăng cường hợp tác chiến lược trong các khuôn khổ đa phương như Liên Hợp Quốc, G20, BRICS và Tổ chức Thương mại Thế giới để bảo vệ lợi ích của các thị trường mới nổi và thúc đẩy quản trị toàn cầu. Nền tảng cho tình hữu nghị hiệu quả của hai nước là sự tôn trọng lẫn nhau và tin tưởng chính trị. Brazil là là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh tham gia quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định, hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Brazil không chỉ phục vụ lợi ích lâu dài và cơ bản của hai dân tộc, mà còn là tấm gương sáng cho sự đoàn kết và phối hợp của các quốc gia ở Nam Bán cầu. Trên thực tế, quan hệ Trung Quốc - Brazil, với đặc điểm là tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và hợp tác cùng có lợi, đã trở thành một trong những quan hệ đối tác quan trọng nhất trong Nam Bán cầu. Với chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chính trị quyền lực đang nổi lên và gây ra những trở ngại cho toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế, Trung Quốc và Brazil đã nêu gương tốt cho các nước đang phát triển trong việc phát triển hợp tác cùng có lợi và theo đuổi tương lai chung.
Bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế, văn hóa và công nghệ, hai nước có tiềm năng hình thành một khối gắn kết hơn, thúc đẩy hợp tác về các thách thức toàn cầu như bất bình đẳng, tính bền vững và đổi mới sáng tạo. Sự hội nhập này giữa các quốc gia mới nổi mở ra những con đường mới cho sự phát triển, khuếch đại tiếng nói của Nam bán cầu và có khả năng định nghĩa lại sự cân bằng kinh tế và chính trị toàn cầu.
Thêm vào đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Lula, ông Tập Cận Bình cho biết, hai bên nên thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự, lên tiếng và hành động vì công lý, đồng thời làm cho nền quản trị toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn. Là những nước đang phát triển lớn, Trung Quốc và Brazil nên đi đầu trong việc ủng hộ thảo luận và tham vấn, thúc đẩy đoàn kết toàn cầu và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại, ông Tập Cận Bình nói thêm.
Brazil và Trung Quốc đều cam kết mở rộng sự tham gia của các nước đang phát triển vào các quy trình ra quyết định của các tổ chức quốc tế. Hơn nữa, sự hợp tác của hai nước trong các cơ chế như BRICS cho thấy cách họ có thể đoàn kết xung quanh các mục tiêu chung và biến sự đoàn kết đó thành các hành động cụ thể có tác động đáng kể.
Như Ý