Tầm nhìn văn hóa mới, kiến tạo giá trị mới

Tầm nhìn văn hóa mới, kiến tạo giá trị mới
6 giờ trướcBài gốc
Một thời điểm mang tính bước ngoặt
Giữa những chuyển động nhanh chóng của đất nước, trong giai đoạn đổi mới tư duy phát triển, Thủ đô Hà Nội – với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và sáng tạo – đang một lần nữa chứng minh vai trò tiên phong của mình trong kiến tạo chính sách. Việc HĐND Thành phố Hà Nội xem xét, thông qua hai nghị quyết đặc biệt quan trọng tại Kỳ họp thứ 25 – gồm Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa và Nghị quyết về Khu phát triển thương mại và văn hóa – không đơn thuần là hành động thực hiện Điều 21 của Luật Thủ đô 2024, mà còn là bước ngoặt trong tư duy phát triển văn hóa của Hà Nội và cả nước.
Bằng việc thể chế hóa những mô hình mới, chưa từng có trong hệ thống pháp luật hiện hành, hai nghị quyết này đánh dấu sự chuyển mình của Hà Nội từ tư duy hành chính sang tư duy kiến tạo, từ mô hình quản lý truyền thống sang mô hình thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo, từ cách tiếp cận tập trung nguồn lực Nhà nước sang huy động sức dân, trí dân, vốn dân. Đây chính là biểu hiện cụ thể của tầm nhìn: phát triển văn hóa là nền tảng, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển bền vững quốc gia.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội khóa XVI. Ảnh: Thanh Hải
Hai nghị quyết nói trên cũng phản ánh rõ tinh thần cải cách thể chế mạnh mẽ, đặt con người sáng tạo làm trung tâm và thúc đẩy văn hóa không chỉ là giá trị tinh thần mà còn là nguồn lực phát triển kinh tế. Điều này cũng thể hiện sự hội tụ của nhiều xu thế phát triển toàn cầu: phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế tri thức, công nghiệp sáng tạo. Trong đó, Hà Nội thể hiện bản lĩnh đi đầu bằng việc chuyển hóa các giá trị truyền thống thành động lực đổi mới, khẳng định vai trò của một Thủ đô không chỉ gắn với di sản quá khứ mà còn chủ động định hình tương lai.
Từ Luật Thủ đô 2024 đến hành động cụ thể của Hà Nội
Luật Thủ đô 2024 không chỉ là một đạo luật thông thường, mà là bước đi chiến lược mang tầm quốc gia trong việc thiết lập cơ chế đặc thù, trao quyền mạnh mẽ hơn cho Thủ đô – trung tâm đầu não về chính trị, hành chính, đồng thời là biểu tượng văn hiến ngàn năm của đất nước. Với những đổi mới sâu sắc về thể chế, Luật Thủ đô đã mở ra cơ hội cho Hà Nội chủ động định hình mô hình phát triển riêng, có khả năng dung hòa giữa bảo tồn và đổi mới, giữa bản sắc và hội nhập.
Điều đáng chú ý là tại khoản 7 và khoản 8 Điều 21, Luật đã giao cho HĐND Thành phố quyền quy định về Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại – văn hóa – một cách làm chưa từng có trong hệ thống pháp luật Việt Nam trước đó. Thay vì “xin – cho” như trước kia, Hà Nội giờ đây có thể trực tiếp ban hành các cơ chế phù hợp với thực tiễn của Thành phố, từ đó kiến tạo không gian thể chế sáng tạo, linh hoạt, và mang đậm dấu ấn bản địa.
Nếu coi Luật Thủ đô như một bản thiết kế tổng thể cho kiến trúc phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên mới, thì hai nghị quyết sắp được HĐND Thành phố thông qua tại Kỳ họp thứ 25 chính là bước “đặt móng” đầu tiên, mang tính bản lề và đột phá. Những nội dung được đề xuất không chỉ là kỹ thuật quản lý hay thủ tục hành chính, mà thể hiện tư duy thể chế mới: văn hóa không bị coi là lĩnh vực bổ trợ, mà được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển.
Quan trọng hơn, việc Hà Nội tiên phong xây dựng mô hình này còn có ý nghĩa mở đường cho các tỉnh, thành khác. Trong tương lai, nếu được minh chứng bằng hiệu quả thực tiễn, hai mô hình thể chế này sẽ trở thành tiền lệ quý báu để nhân rộng ra cả nước, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một trụ cột kinh tế mới. Có thể nói, từ Luật Thủ đô – một đạo luật mang tính khung – Hà Nội đang hiện thực hóa bằng hành động cụ thể, từng bước thiết lập một hệ sinh thái văn hóa – sáng tạo hoàn chỉnh, vừa mang tầm nhìn toàn cầu, vừa thấm đẫm tinh thần Việt Nam.
Luật Thủ đô đã mở ra cơ hội cho Hà Nội chủ động định hình mô hình phát triển riêng, có khả năng dung hòa giữa bảo tồn và đổi mới, giữa bản sắc và hội nhập
Tour du kịch văn hóa với đêm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn
Chính tinh thần "tự mình viết lấy tương lai" này đã khiến Hà Nội trở thành nơi tiên phong trong vận dụng Luật để kiến tạo phát triển, thay vì chỉ dừng lại ở việc thực thi. Thành phố không chỉ thụ hưởng cơ chế, mà còn chủ động đề xuất sáng kiến, xây dựng mô hình, và quan trọng nhất – hiện thực hóa chúng bằng chính nguồn lực, trí tuệ và đồng thuận từ cộng đồng. Đó là biểu hiện sinh động của một Thủ đô đang chuyển hóa sức mạnh văn hóa thành nội lực phát triển, khẳng định vị thế dẫn đầu không chỉ trong hành chính – chính trị, mà cả trong tư duy chiến lược và hành động thể chế.
Trung tâm công nghiệp văn hóa: Kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo Thủ đô
Trong bức tranh phát triển mới của Hà Nội, Trung tâm công nghiệp văn hóa không chỉ là một thiết chế vật lý, mà là một không gian thể chế – nơi hội tụ, kết nối và lan tỏa giá trị sáng tạo, văn hóa và tri thức. Dự thảo nghị quyết của HĐND Thành phố về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa đã xác lập một khuôn khổ pháp lý tiên phong, đưa Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có hành lang pháp lý riêng cho ngành công nghiệp văn hóa – một ngành đang được nhiều quốc gia định vị là “nguồn tài nguyên vô hình của thế kỷ 21”.
Điều nổi bật trong dự thảo nghị quyết là sự định lượng rất rõ ràng: tối thiểu 70% diện tích và hoạt động trong trung tâm phải thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa – từ sản xuất sản phẩm văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, phim ảnh, thiết kế, thủ công mỹ nghệ đến công nghệ sáng tạo và phần mềm giải trí. Tối thiểu 10% diện tích dành cho khởi nghiệp, ươm tạo, hỗ trợ sáng tạo, và không quá 30% cho thương mại, dịch vụ phụ trợ. Cách tiếp cận định lượng này nhằm duy trì và bảo vệ "tinh thần sáng tạo", tránh nguy cơ thương mại hóa hoặc biến tướng thành trung tâm dịch vụ đơn thuần.
Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên một thiết chế văn hóa cấp đô thị được cho phép thử nghiệm có kiểm soát các mô hình mới trong lĩnh vực sáng tạo – điều mà trước đây chỉ có trong các khu công nghệ cao hoặc khu kinh tế đặc biệt. Từ việc thiết kế ý tưởng, sản xuất nội dung, mô hình kinh doanh số cho đến các nền tảng phân phối và trải nghiệm văn hóa số hóa, tất cả đều có thể được triển khai trong một cơ chế “sandbox” – nơi sáng tạo được khuyến khích và bảo hộ.
Nghị quyết còn mở ra cơ hội khai thác hiệu quả các tài sản công đang bị bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả, như các nhà máy cũ, cơ sở giáo dục dừng hoạt động, trụ sở hành chính đã di dời. Việc chuyển đổi công năng các công trình này thành trung tâm công nghiệp văn hóa không chỉ làm sống lại không gian đô thị, mà còn tạo nên những biểu tượng mới của phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.
Một điểm nhấn quan trọng khác là chính sách hỗ trợ nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành văn hóa. Với quan niệm “con người sáng tạo là trung tâm của phát triển công nghiệp văn hóa”, Nghị quyết quy định các trung tâm phải dành không gian, nguồn lực và chính sách ưu đãi cụ thể cho lực lượng này – từ việc hỗ trợ biểu diễn, trưng bày, đến sản xuất, quảng bá và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là cách để Hà Nội tạo dựng một môi trường thân thiện cho sáng tạo, nơi người tài được phát hiện, hỗ trợ và nuôi dưỡng, thay vì để họ đơn độc vật lộn giữa thị trường cạnh tranh không công bằng.
Từ góc nhìn rộng hơn, Trung tâm công nghiệp văn hóa không chỉ là nơi làm việc, mà là hệ sinh thái đa tầng – nơi kết nối giữa doanh nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, người làm nghệ thuật, nhà giáo dục, khách du lịch, và cả chính quyền. Đây sẽ là những “trạm sáng tạo” trên bản đồ đô thị, vừa đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng mới, vừa là không gian để Hà Nội khẳng định bản sắc trong tiến trình toàn cầu hóa.
Không gian sáng tạo tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Lại Tấn
Việc thiết lập các Trung tâm công nghiệp văn hóa chính là hiện thân cho cam kết: Hà Nội không chỉ giữ gìn di sản của quá khứ, mà còn dám bước vào tương lai với tư cách một “Thành phố sáng tạo toàn cầu”. Ở đó, văn hóa không chỉ là di sản cần bảo tồn, mà còn là nguồn lực cần khai phá, là chất liệu để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có khả năng xuất khẩu, và có sức lan tỏa mạnh mẽ về hình ảnh, bản sắc và sức mạnh mềm quốc gia.
Khu phát triển thương mại và văn hóa: Tổ chức lại không gian cộng đồng theo tư duy mới
Bên cạnh Trung tâm công nghiệp văn hóa mang tính chất tập trung và chuyên sâu, Hà Nội còn đưa ra một mô hình phát triển có tính chất lan tỏa và cộng đồng hơn – đó là Khu phát triển thương mại và văn hóa. Mô hình này được xem như cánh tay nối dài của chính sách phát triển văn hóa đô thị, không bó hẹp trong các trung tâm lớn mà mở rộng ra từng khu phố, tuyến phố, làng nghề và điểm dân cư nông thôn hiện hữu. Đây không chỉ là sự phân cấp trong thực hiện chính sách mà còn là sự “phân quyền cho cộng đồng” – cho phép người dân tham gia trực tiếp vào việc tổ chức, quản lý và phát triển không gian sống của chính mình – điều này cho phép mỗi khu có thể hình thành bản sắc riêng, tạo nên những không gian sống có chất lượng cao, mang màu sắc văn hóa đặc trưng. Đây chính là cách Hà Nội từng bước hiện thực hóa “thành phố đáng sống” bằng hành động cụ thể, chứ không chỉ là khẩu hiệu.
Một điểm mới khác là nghị quyết cho phép các khu này được triển khai thử nghiệm có kiểm soát những ý tưởng văn hóa – sáng tạo mới. Điều đó nghĩa là, một dự án nghệ thuật đường phố, một mô hình biểu diễn âm nhạc công cộng, hay một ý tưởng gắn kết di sản với thương mại điện tử… đều có thể được thí điểm tại các khu này trước khi mở rộng ra quy mô lớn. Đây là cơ chế cực kỳ linh hoạt, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo từ cơ sở, tận dụng sức dân, trí dân để phát triển văn hóa trong đời sống hàng ngày.
Ngoài ra, mô hình khu phát triển thương mại và văn hóa cũng là giải pháp để hồi sinh các không gian di sản và làng nghề truyền thống vốn đang đối mặt với nguy cơ mai một. Bằng việc kết hợp giữa bảo tồn và kinh doanh có trách nhiệm, giữa trải nghiệm du lịch và thực hành văn hóa sống động, các khu này sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách mà còn với chính người dân địa phương. Việc Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng, dịch vụ công, truyền thông, bảo vệ môi trường cho các khu này càng củng cố thêm niềm tin rằng văn hóa thực sự đang được đặt vào trung tâm của phát triển cộng đồng.
Về bản chất, khu phát triển thương mại và văn hóa chính là một phương thức tổ chức lại không gian đô thị và nông thôn theo hướng linh hoạt, sáng tạo và bền vững, cho phép mỗi địa bàn – dù là một ngõ nhỏ trong phố cổ hay một làng nghề ngoại thành – đều có thể trở thành một trung tâm văn hóa thu nhỏ, nơi hội tụ giữa ký ức và hiện đại, giữa cộng đồng và thị trường, giữa giá trị truyền thống và cơ hội phát triển mới. Đặc biệt, mô hình này cũng góp phần khắc phục tình trạng “cộng cơ học” sau sáp nhập địa giới hành chính. Khi thương hiệu địa phương không còn là tên hành chính, thì chính các khu văn hóa – thương mại này sẽ giữ lại “hồn cốt” của từng vùng đất, là nơi duy trì phong tục, nghề nghiệp, tập quán, lối sống, và thậm chí là giọng nói, kiến trúc, không gian ký ức. Đó không chỉ là bảo tồn văn hóa, mà là bảo vệ căn tính cộng đồng trong dòng chảy phát triển đô thị hóa và toàn cầu hóa.
Không gian sáng tạo bên Hồ Gươm
Có thể nói, nếu Trung tâm công nghiệp văn hóa là những “trụ cột lớn” của nền kinh tế sáng tạo, thì các Khu phát triển thương mại và văn hóa chính là “mạch máu” nuôi dưỡng văn hóa từ cơ sở. Hai mô hình không tách rời, mà bổ sung cho nhau trong việc hình thành một hệ sinh thái văn hóa sáng tạo toàn diện – vừa có chiều sâu, vừa có độ phủ, vừa có sự đồng bộ giữa thể chế và thực tiễn.
Tác động lan tỏa đến tầm quốc gia
Việc Hà Nội chủ động xây dựng và thông qua hai nghị quyết về Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại – văn hóa không chỉ mang ý nghĩa đối với riêng Thành phố, mà còn là bước đi mở đường, tạo khuôn mẫu cho cả nước trong hành trình phát triển văn hóa thành một trụ cột kinh tế - xã hội mới. Trong một quốc gia đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên đổi mới sáng tạo và giá trị tri thức, những chính sách thể chế hóa như vậy từ Hà Nội có thể xem là “thử nghiệm tiên phong”, giàu tính tham chiếu và học hỏi cho các địa phương khác.
Trước hết, các nghị quyết này đã cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết lớn của Trung ương về văn hóa, trong đó có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW (2014) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; và gần đây nhất là tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tại các văn kiện này, văn hóa luôn được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng quá trình thể chế hóa còn chậm, thiếu cụ thể và chưa tạo được động lực đủ mạnh.
Hà Nội, bằng hai nghị quyết này, đã biến chủ trương thành hiện thực, biến tinh thần chung thành hành động cụ thể. Không chỉ vậy, Thành phố còn đi trước một bước khi tạo ra hành lang pháp lý cho những mô hình tổ chức mới chưa từng có – như việc thử nghiệm có kiểm soát các hoạt động sáng tạo, khuyến khích tái sử dụng tài sản công cho mục đích phát triển văn hóa, và trao quyền tự chủ cho cộng đồng dân cư trong kiến tạo không gian văn hóa địa phương. Đây là những hướng đi rất mới, nhưng lại rất phù hợp với thực tiễn, và có thể trở thành tiền đề để các địa phương khác vận dụng, tùy theo điều kiện cụ thể của mình.
Tác động ở tầm quốc gia còn thể hiện rõ ở việc các mô hình này có thể giúp hiện thực hóa Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 mà Chính phủ đã ban hành. Chiến lược này xác định 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa chủ yếu, đặt mục tiêu đóng góp 7% GDP vào năm 2030, song còn thiếu các công cụ pháp lý cụ thể để triển khai ở cấp địa phương. Việc Hà Nội tạo ra thiết chế “Trung tâm công nghiệp văn hóa” với cơ chế quản lý rõ ràng, yêu cầu tỷ lệ ngành nghề cụ thể, quy định chi tiết về sử dụng đất, đầu tư hạ tầng và chính sách hỗ trợ là bước đi điển hình cho việc “địa phương hóa” một chiến lược cấp quốc gia – vừa phù hợp với quy định pháp luật, vừa gắn chặt với điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó, việc hình thành các khu phát triển thương mại – văn hóa cũng có thể giúp giải quyết một bài toán lâu nay của các địa phương: làm sao để gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, và nhất là để cộng đồng địa phương không bị gạt ra ngoài lề khi di sản trở thành hàng hóa. Cơ chế “tự quản, tự vận hành, tự hưởng lợi” tại các khu này không những tạo điều kiện cho cộng đồng trở thành chủ thể bảo tồn, mà còn giúp xây dựng các mô hình kinh doanh văn hóa có trách nhiệm, gắn với bản sắc địa phương. Khi được nhân rộng, mô hình này có thể khắc phục tình trạng thương mại hóa thiếu kiểm soát trong các điểm đến du lịch di sản – một vấn đề không chỉ của riêng Hà Nội.
Ứng dụng công nghệ 3D mappping trong chương trình nghệ thuật tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Ngoài ra, hai mô hình này cũng tạo ra một mẫu hình phối hợp công – tư – cộng đồng trong phát triển văn hóa, rất đáng để nghiên cứu trong bối cảnh đổi mới mô hình quản lý Nhà nước hiện nay. Thay vì “Nhà nước làm hết”, các trung tâm và khu văn hóa mới này có thể được vận hành bởi doanh nghiệp, tổ chức cộng đồng, hợp tác xã hoặc kết hợp nhiều thành phần; còn chính quyền đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ, giám sát. Đây chính là phương thức “cầm tay nhau cùng đi” trong quản lý văn hóa – mô hình đã chứng minh hiệu quả ở nhiều quốc gia có nền công nghiệp sáng tạo phát triển.
Không kém phần quan trọng, khi Hà Nội thành công trong triển khai hai nghị quyết này, đó sẽ là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới cộng đồng quốc tế: rằng Việt Nam không chỉ tôn vinh văn hóa trên diễn đàn quốc tế, mà còn biết cách thể chế hóa văn hóa thành nguồn lực quốc gia. Trong bối cảnh đất nước đang tích cực hội nhập sâu với thế giới, việc có những “thành phố kiểu mẫu về thể chế văn hóa” như Hà Nội sẽ là lợi thế lớn để chúng ta nâng cao uy tín trên các diễn đàn quốc tế về sáng tạo, văn hóa và phát triển bền vững.
Từ tất cả những yếu tố trên, có thể khẳng định: hai nghị quyết này không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng của Thủ đô, mà còn là một đóng góp thể chế mang tính mở đường cho quốc gia, gợi ý chiến lược cho cả nước trong việc phát triển văn hóa như một trụ cột chính sách, một động lực kinh tế và một sức mạnh mềm quốc gia trong thế kỷ XXI.
Hà Nội trong vai trò dẫn dắt và điều tiết sự phát triển văn hóa
Hà Nội – với vị thế là Thủ đô nghìn năm văn hiến, trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, đồng thời là nơi hội tụ của trí tuệ, tinh hoa, bản sắc dân tộc – luôn được kỳ vọng là địa phương đi đầu trong việc triển khai các chính sách đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Trên hành trình đó, vai trò “dẫn dắt và lan tỏa” không chỉ là sứ mệnh lịch sử, mà còn là trách nhiệm hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia về phát triển bền vững bằng sức mạnh mềm văn hóa.
Việc Hà Nội chủ động xây dựng và chuẩn bị ban hành hai nghị quyết đặc thù về Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại – văn hóa không chỉ thể hiện quyết tâm của Thành phố trong việc cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024, mà còn phản ánh năng lực sáng tạo thể chế – một yếu tố quan trọng để xây dựng năng lực quản trị hiện đại, đổi mới toàn diện từ tư duy đến hành động. Đây là lần đầu tiên một địa phương thiết kế được hai mô hình văn hóa mang tính hệ thống và có tính liên kết chiến lược, từ cấp độ nhà nước đến cộng đồng, từ trung tâm sáng tạo đến không gian cư dân.
Khi Hà Nội thành công trong việc tích hợp văn hóa vào không gian sống, vào mô hình phát triển kinh tế và quản trị đô thị mới, đó sẽ là một chỉ dẫn rõ ràng cho các địa phương mới hình thành sau sáp nhập
Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO đã vinh danh Hà Nội là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, đằng sau danh hiệu này không chỉ là những công trình nghệ thuật hay di sản kiến trúc, mà chính là tư duy thiết kế tương lai cho thành phố bằng văn hóa. Tư duy đó được Hà Nội hiện thực hóa qua từng chính sách cụ thể, từng không gian sáng tạo được hồi sinh, từng mô hình quản lý được mở rộng và từng người dân được trao quyền làm chủ giá trị bản sắc. Hai nghị quyết mới chính là bước tiến mạnh mẽ tiếp theo, làm sâu sắc hơn danh hiệu mà cộng đồng quốc tế đã trao, đồng thời khẳng định bản lĩnh “dẫn đầu” không chỉ trong quốc nội mà cả trên trường quốc tế.
Ở đây, vai trò dẫn dắt không phải chỉ là “đi trước”, mà còn là dám đổi mới, dám thực hiện những điều chưa từng có trong hệ thống pháp luật hiện hành. Việc xây dựng thiết chế mới như Trung tâm công nghiệp văn hóa với tỷ lệ đất tối thiểu 70% cho hoạt động sáng tạo, hay cho phép thử nghiệm mô hình sáng tạo mới tại các khu thương mại – văn hóa là những ví dụ điển hình cho năng lực kiến tạo chính sách văn hóa cấp địa phương.
Hà Nội cũng thể hiện vai trò lan tỏa không chỉ trong tư duy mà còn bằng cơ chế chia sẻ tri thức và kinh nghiệm thể chế hóa. Những nghị quyết được chuẩn bị bài bản, công khai tham vấn rộng rãi, được xây dựng trên cơ sở đối thoại giữa các cơ quan quản lý, giới chuyên gia, doanh nghiệp văn hóa, cộng đồng sáng tạo và người dân. Quá trình đó không chỉ giúp Hà Nội có được những chính sách sát thực tiễn, mà còn trở thành nguồn tài nguyên chính sách quý giá để các địa phương khác tham khảo, học tập trong quá trình triển khai Luật Thủ đô và Chiến lược công nghiệp văn hóa.
Vai trò dẫn dắt của Hà Nội còn thể hiện rõ trong tầm nhìn toàn cầu. Hai mô hình văn hóa mới không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn hướng đến kết nối quốc tế, thu hút đầu tư sáng tạo, nghệ sĩ toàn cầu, du khách quốc tế và các nền tảng văn hóa xuyên biên giới. Từ những trung tâm sáng tạo đa năng đến các khu văn hóa cộng đồng có tính bản sắc, Hà Nội đang thiết lập một “mạng lưới văn hóa mềm” phủ khắp không gian đô thị – nông thôn, sẵn sàng mở cửa với thế giới, nhưng đồng thời vẫn giữ được hồn cốt Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang tổ chức lại đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, và tái cơ cấu các ngành kinh tế, vai trò lan tỏa của Hà Nội lại càng trở nên quan trọng. Một khi Hà Nội thành công trong việc tích hợp văn hóa vào không gian sống, vào mô hình phát triển kinh tế và quản trị đô thị mới, thì đó sẽ là một chỉ dẫn rõ ràng cho các địa phương mới hình thành sau sáp nhập. Khi thương hiệu hành chính bị thay đổi, thì văn hóa sẽ là yếu tố định danh – và Hà Nội chính là nơi chứng minh rằng điều đó là hoàn toàn khả thi.
Cuối cùng, điều đáng quý nhất trong vai trò dẫn dắt và lan tỏa của Hà Nội, đó là tinh thần lấy con người sáng tạo làm trung tâm. Mọi chính sách, mọi thiết kế thể chế đều hướng tới việc trao quyền cho nghệ sĩ, người dân, doanh nghiệp được tự do thể hiện, phát triển năng lực sáng tạo và đóng góp vào sự phát triển của Thành phố. Đây chính là linh hồn của văn hóa trong thời đại mới: không phải thứ để ngắm nhìn, trưng bày, mà là nguồn lực sống, được tạo ra và làm phong phú thêm mỗi ngày bởi chính cộng đồng cư dân.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tam-nhin-van-hoa-moi-kien-tao-gia-tri-moi.763139.html