Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tại Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính, chỉ định nhân sự tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 1/7. (Nguồn: VGP)
Đây không chỉ là yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn là bước đi cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân và xây dựng một nền hành chính hiện đại, tinh gọn.
Tối ưu hóa nguồn lực, tạo động lực phát triển mới
Thực tiễn những năm qua cho thấy, nhiều tỉnh, thành có quy mô nhỏ, dân số thấp, nguồn lực phát triển phân tán, gây khó khăn trong thu hút đầu tư, quản lý xã hội và phát triển hạ tầng liên vùng. Việc sáp nhập sẽ tạo ra các vùng kinh tế động lực mới, có quy mô đủ lớn, đủ sức cạnh tranh, đủ khả năng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố là sự kế thừa và phát triển phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển của thời đại. Thực tiễn cho thấy, nhiều đơn vị hành chính có quy mô nhỏ, dân số ít, nguồn lực phân tán, gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và quản lý xã hội. Sáp nhập sẽ tạo ra những không gian phát triển mới, vùng kinh tế động lực mới, có quy mô đủ lớn, đủ sức cạnh tranh, đủ khả năng kết nối liên vùng, liên quốc gia.
Đây là một chủ trương đúng đắn, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thận trọng, sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Quan trọng hơn, đó là bước đi thể hiện sự đổi mới tư duy quản lý, tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân.
Sự quan tâm của cộng đồng người Việt Nam và phía Nhật Bản
Đáng chú ý, chủ trương này không chỉ nhận được sự đồng tình trong nước mà còn được kiều bào Việt Nam ở nước ngoài quan tâm, ủng hộ. Tại khu vực Kyushu, Okinawa và Trung Nam Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp và cộng đồng người Việt nhận định rằng việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong việc hợp tác, kết nối giao thương.
Ông Yamakawa Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Nam tại Kyushum, một kiều bào và là một doanh nhân tại Fukuoka, chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng, với các tỉnh thành sau khi sáp nhập đã lớn mạnh hơn, hệ thống quản lý tập trung và linh hoạt hơn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi sẽ có thêm cơ hội hợp tác và đầu tư về lâu dài”.
GS. Trần Đăng Xuân, một chuyên gia về Nông nghiêp đang giảng dạy tại đại học Hiroshima cho biết: “Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới có thể nói là lần hai sau cuộc cải cách kinh tế năm 1986, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ đón được làn sóng đầu tư mới và mạnh mẽ, khi Việt Nam có một chính phủ và một hệ thống quản lý tinh gọn và hiệu quả”.
Nhiều người Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam cũng có chung nhận định tích cực. Ông Saito Hiroshi, giám đốc một công ty logistics tại Kyushu, nhận xét: “Việc các địa phương của Việt Nam được sắp xếp lại hợp lý sẽ giúp chuỗi cung ứng và hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa các vùng trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn. Điều đó không chỉ tốt cho Việt Nam mà còn cho các đối tác quốc tế như Nhật Bản”.
Bên cạnh ý nghĩa kinh tế, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính còn góp phần củng cố khối đoàn kết, gắn bó giữa các vùng đất, các cộng đồng dân cư, tạo sự đồng thuận xã hội và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự hội tụ và kết nối giữa truyền thống lịch sử với yêu cầu phát triển mới, là sự hội nhập giữa các địa phương để cùng hướng đến mục tiêu chung “Một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”.
Truyền thông Nhật Bản đồng loạt đánh giá việc sáp nhập này là một cải cách mang tính chiến lược, nhằm mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính hiện đại hóa, tinh gọn hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển và hợp tác quốc tế từ ngày 1/7/2025. Báo Viet-Jo (nhật ngữ) đưa tin ngày 1/7 về việc Việt Nam chính thức thực hiện cơ cấu hành chính mới: “Việc giảm từ 63 tỉnh/thành xuống 34 là một quyết định chiến lược… nhằm tạo ra một mô hình quản trị hiện đại, sáng tạo, tinh gọn và hiệu quả phục vụ người dân”.
JETRO Cơ quan Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản cùng ngày nhận định: “Việt Nam triển khai hệ thống 34 tỉnh/thành (6 thành phố trực thuộc trung ương và 28 tỉnh) từ ngày 1/7/2025, nhằm mục tiêu tăng cường hiệu suất chính trị - hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế.” B&Company/BizNews (bản tiếng Nhật) nhấn mạnh: “Đây là một bước ngoặt lớn trong xây dựng hệ thống quản trị tỉnh 2 tầng, đánh dấu một sự chuyển biến trọng đại trong nhiều thập kỷ qua ở Việt Nam”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương dự Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính, chỉ định nhân sự tại tỉnh Điện Biên, ngày 1/7. (Nguồn: VGP)
Ý nghĩa và tầm ảnh hưởng đến Nhật Bản
Điều này được cho là sẽ đẩy nhanh việc hợp tác với các đối tác Nhật Bản, bởi môi trường đầu tư trở nên minh bạch hơn, thủ tục đơn giản, và tạo ra vùng phát triển quy mô lớn, liên vùng, thuận tiện cho giao thương và logistics.
Giáo sư Trần Văn Thọ của Đại học Waseda (Waseda University), là chuyên gia kinh tế gốc Việt - Nhật, từng là cố vấn kinh tế cho chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh: “Đây là một bước ngoặt loại bỏ thủ tục hành chính rườm rà, tuyển dụng công chức dựa trên năng lực, thiết lập sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế”.
Ông Seiki Soramoto, Chuyên gia năng lượng và nguyên tử hạt nhân, Hạ nghị sỹ Nhật Bản, ủy viên Ban chấp hành hội chuyên gia Việt Nam - Nhật Bản: “Chúng tôi nên xem Việt Nam làm và học tập áp dụng về hướng cải cách hành chính, việc sáp nhập các tỉnh sẽ tạo ra một hệ thống hành chính tinh gọn và hiệu quả hơn, giảm chi phí quản lý, giúp địa phương khai thác tối đa lợi thế về đất đai và vùng miền. Sáp nhập tỉnh thành góp phần tái cấu trúc bộ máy, giúp triển khai cơ chế đánh giá năng lực minh bạch và thúc đẩy đầu tư hiệu quả”.
GS. Yoshihisa Fujita (Masahisa Fujita) - chuyên gia địa lý kinh tế (RIETI, Đại học Kyoto) lý thuyết của ông về "Địa lý kinh tế mới" nhấn mạnh: Quy mô hành chính lớn hơn giúp tăng hiệu quả tập trung cơ sở hạ tầng và phát triển vùng, giảm chi phí do trùng lặp, và duy trì động lực phát triển theo cụm - hoàn toàn tương thích với mục tiêu sáp nhập. Việt Nam đã chứng minh Lý thuyết của tôi hoàn toàn đúng đắn.
Shinichi Kitaoka- chuyên gia chính trị, nguyên Chủ tịch JICA, Ông Shinichi Kitaoka, nguyên Chủ tịch JICA, cho rằng: "Tối ưu hóa cơ cấu chính quyền địa phương là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả phối hợp đầu tư quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Việc sáp nhập cũng sẽ giúp ODA của Nhật Bản hoạt động hiệu quả hơn”.
Trong khi đó, ông Kenichi Itō - nhà chiến lược quốc tế, nguyên Chủ tịch JFIR nhận định, “Đây là bước tiến hợp lý, tạo nền tảng cho sự thống nhất cao hơn về hành chính, giúp Việt Nam nâng cao vai trò trong hợp tác song phương và khu vực”.
Chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố là bước đi thể hiện sự đổi mới tư duy quản lý nhà nước, tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của quốc gia. Mặc dù nhận được sự đồng thuận cao, để chủ trương này phát huy hiệu quả lâu dài, bền vững Việt Nam nên cần: Có chiến lược phát triển vùng đồng bộ, tận dụng lợi thế của các địa phương sáp nhập; Cải thiện kết nối hạ tầng giao thông, logistics, năng lượng giữa các khu vực; Thực hiện cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính và dịch vụ công, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp; Tăng cường đối thoại với người dân để tạo sự đồng thuận, giảm thiểu các lo ngại về bản sắc địa phương hay lợi ích vùng miền.
Là một công dân Việt Nam tôi tin tưởng rằng, với sự đồng thuận của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân trong nước và đồng bào ở nước ngoài, cùng sự đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế, quá trình sáp nhập các tỉnh, thành phố sẽ, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới, mạnh mẽ và bền vững cho Việt Nam.
Mai Vũ