Với lợi thế tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, huyện Tam Nông là đầu mối giao thông vận tải quan trọng, tạo sự liên kết giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc với các tuyến đường huyết mạch chạy qua huyện như: QL32, 32C, đường Hồ Chí Minh.
Huyện Tam Nông có nhiều lợi thế về giao thông khi có các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua.
- Các phương tiện lưu thông trên tuyến QL.32C đoạn qua địa phận huyện Tam Nông.
Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, vì vậy, trong những năm vừa qua, huyện Tam Nông đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng tầng giao thông đường bộ. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường trục xã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, làm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng. Giao thông nông thôn có sự phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới và đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải và giao lưu hàng hóa cho Nhân dân.
Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội hiện nay khi số lượng các phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh thì hạ tầng giao thông của huyện vẫn còn những hạn chế, bất cập chưa đáp ứng được với nhu cầu hiện tại.
Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được đầu tư từ lâu, mặt đường nhỏ hẹp, không được duy tu sửa chữa thường xuyên gây khó khăn cho việc đi lại, vận tải hàng hóa. Mặt khác, các tuyến mới chưa được đầu tư xây dựng, đặc biệt là các tuyến đường trục chính nhằm tạo không gian phát triển đô thị.
Hệ thống đường giao thông kiên cố vẫn chưa được phủ kín, nhất là ở những khu vực nông thôn thưa dân cư. Tiêu chuẩn kỹ thuật của một số tuyến đường còn thấp, công tác đảm bảo an toàn giao thông chưa được giải quyết triệt để, một số điểm đen chưa được xử lý kịp thời, tình trạng mất an toàn giao thông vẫn thường xuyên xảy ra.
Mạng lưới giao thông đường bộ là mạch máu nối liền các xã, thị trấn, các khu dân cư, nối liền đô thị với nông thôn tạo thành các trung tâm kinh tế, văn hóa và đáp ứng nhu cầu vận tải của từng địa phương, đồng thời tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn huyện.
Đồng chí Trần Công Chính – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tam Nông cho biết: Trong Đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Tam Nông, giai đoạn 2021-2025” huyện đề ra mục tiêu hoàn thành các dự án trọng điểm về giao thông; đề xuất với UBND tỉnh và các sở ngành liên quan xóa bỏ các điểm đen trên địa bàn, đảm bảo 100% các ngã tư giao nhau giữa các tuyến quốc lộ với tỉnh lộ, tỉnh lộ với huyện lộ có phương án đảm bảo an toàn giao thông. Huy động nguồn lực xây dựng các tuyến đường vào các khu vực thưa dân cư và quan tâm đầu tư cầu dân sinh qua hệ thống kênh đến các khu sản xuất, khu dân cư.
Đường nối KCN Tam Nông với KCN Trung Hà được khởi công xây dựng từ năm 2022 với tổng mức đầu tư 490 tỉ đồng do UBND huyện làm chủ đầu tư.
Kết quả, đến nay nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm của huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Tuyến đê hữu sông Thao đoạn từ Km52 - Km69, huyện Tam Nông... Các dự án khác như: Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL.70B, QL.32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái tính đến tháng 11/2023 đã hoàn thành đoạn tuyến trên địa bàn huyện Tam Nông; Đường giao thông nối từ QL.32 đi ĐT.316 kết nối khu công nghiệp Tam Nông với khu công nghiệp Trung Hà đã hoàn thành gần 80% so với mục tiêu đề ra của Đề án... Các tuyến đường trục thôn, đường ngõ xóm tỷ lệ cứng hóa đạt khoảng 90%.
Có thể thấy, công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của huyện Tam Nông thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu thông, giao lưu tiêu thụ hàng hóa, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động. Điều đó thể hiện sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền cũng như sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo quần chúng Nhân dân.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực hoàn thành các mục tiêu chung của Đền án: Hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, phục vụ có hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông được phát triển một cách đồng bộ, hợp lý, tạo sự liên kết giữa các vùng, đảm bảo thông suốt và thuận lợi trong phạm vi toàn huyện và kết nối với các vùng lân cận. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông có khả năng kết nối vùng hoặc liên vùng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo tiềm năng quỹ đất 2 bên đường để phục vụ mở rộng các khu dân cư, tăng tỷ lệ đô thị hóa.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và lợi ích to lớn của việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trách nhiệm của cộng đồng và từng hộ gia đình trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm tạo ra phong trào làm đường giao thông nông thôn rộng lớn, đều khắp trong toàn huyện.
Vĩnh Hà