Tắm nước lạnh hay nước nóng tốt hơn?

Tắm nước lạnh hay nước nóng tốt hơn?
4 giờ trướcBài gốc
Tắm nước lạnh và nước nóng đều tốt cho sức khỏe nhưng có những lợi ích khác nhau. Ảnh minh họa: Pexels.
Bạn có phải là người thích tắm nước nóng vào buổi sáng? Tắm nước nóng có một số tác dụng chữa bệnh, nhưng bạn có biết dùng nước lạnh cũng mang lại nhiều lợi ích đáng kinh ngạc? Vậy, tắm nước nóng hay nước lạnh tốt hơn?
Tắm nước lạnh và nước nóng
Theo Healthline, có mối liên hệ giữa nhiệt độ nước tắm và sự lưu thông máu cùng với các chức năng khác của cơ thể. Dưới đây là những lợi ích của việc tắm nước nóng hoặc lạnh:
Lợi ích của tắm nước lạnh:
Làm dịu da ngứa: Nếu bạn bị ngứa da hoặc các tình trạng gây ngứa, tắm nước lạnh có thể ngăn ngừa bạn gãi.
Sảng khoái vào buổi sáng: Nước lạnh kích thích các dây thần kinh, loại bỏ cảm giác lười biếng và buồn ngủ, cho bạn một khởi đầu đầy năng lượng vào buổi sáng.
Tăng tuần hoàn: Nước lạnh làm co các mạch máu trên bề mặt cơ thể, khiến máu ở các mô sâu lưu thông nhanh hơn và giúp bạn duy trì thân nhiệt lý tưởng.
Giảm đau nhức cơ bắp sau khi tập luyện cường độ cao: Tiếp xúc với nước lạnh có thể giúp giảm đau nhức và mệt mỏi cơ sau khi tập luyện vất vả.
Hỗ trợ giảm cân: Tắm nước lạnh có tác dụng giảm cân vì cơ thể sẽ đốt cháy nhiều chất béo hơn để cân bằng nhiệt.
Giúp da sáng khỏe: Nước lạnh có tác dụng thắt chặt và hạn chế lưu lượng máu, giúp làn da của bạn sáng khỏe hơn.
Lợi ích của tắm nước nóng:
Ngủ ngon hơn: Nếu bạn khó thư giãn hoặc khó ngủ vào ban đêm, bạn có thể muốn tắm nước nóng để giảm bớt căng thẳng trong ngày.
Giảm các triệu chứng cảm lạnh hoặc hô hấp: Hơi nóng xông lên giúp xoang mũi thông thoáng, dễ chịu hơn, giảm các triệu chứng ngạt, tắc mũi.
Trị mụn: Tắm nước nóng có thể giúp mở lỗ chân lông trên da, giúp giải phóng bụi bẩn và dầu bị mắc kẹt.
Thư giãn cơ thể: Ngâm mình trong nước nóng giúp giảm căng thẳng cơ thể hiệu quả, làm dịu sự mệt mỏi của cơ bắp, sức khỏe tinh thần và cảm xúc tốt hơn.
Không phải ai cũng tắm được nước lạnh nhưng thực sự nước lạnh có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Vậy tắm nước lạnh hay nước nóng tốt hơn?
Theo Style Craze, y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda gợi ý rằng bạn phải sử dụng nước nóng cho cơ thể và nước lạnh cho đầu vì rửa mắt và gội đầu bằng nước nóng không tốt cho sức khỏe.
Theo Ayurveda, nhiệt độ của nước phải dựa trên các yếu tố sau:
- Độ tuổi: Người trẻ nên tắm nước lạnh để cải thiện sức khỏe làn da. Người già nên tắm bằng nước nóng. Nhưng nếu bạn là sinh viên và dành nhiều thời gian cho việc học, tắm bằng nước lạnh sẽ có lợi.
- Loại cơ thể: Theo triết lý Ayurveda, năng lượng cuộc sống vũ trụ được thể hiện dưới dạng 3 năng lượng - 3 loại cơ thể khác nhau gọi là dosha, bao gồm:
Vata (Gió): Dáng người gầy, mỏng, xương nhỏ
Pitta (Lửa): Thân hình vừa phải, cơ bắp và trọng lượng khá linh hoạt
Kapha (Nước và đất): Thân hình to khỏe và bản chất yêu thích vận động thường xuyên, dễ tăng cân.
Nếu loại cơ thể của bạn là Pitta, tốt hơn là bạn nên dùng nước lạnh để tắm, còn nếu loại cơ thể của bạn là Kapha hoặc Vata, hãy sử dụng nước nóng.
- Thói quen: Nếu bạn tập thể dục thường xuyên, nên tắm nước nóng.
- Thời gian tắm: Nếu tắm vào buổi sáng, nên tắm bằng nước lạnh. Nhưng nếu bạn tắm vào ban đêm, hãy tắm nước nóng để thư giãn và ngủ ngon hơn.
Tắm gội đúng cách sẽ giúp bạn thoải mái và bảo vệ sức khỏe hiệu quả. Ảnh minh họa: Health.
Cách tắm đúng
Theo Ayurveda, tắm vội cũng giống ăn vội, và cơ thể bạn không thu được hết lợi ích và được làm sạch đúng cách nếu bạn tắm vội. Để có được sự sảng khoái, trải nghiệm tắm đúng là điều bắt buộc.
Bạn nên làm theo quy trình từ từ để mọi bộ phận trên cơ thể đều được tiếp xúc đúng cách với nước. Đây là cách bạn nên tắm:
- Bắt đầu bằng việc rửa tay và chân.
- Khi lựa chọn xà phòng, hãy tránh những loại chứa nhiều hóa chất có sẵn trên thị trường vì da hấp thụ tất cả hóa chất từ xà phòng.
- Massage bằng dầu trước khi tắm được cho là có lợi cho cơ thể bạn. Nó phục hồi cơ bắp và cải thiện kết cấu của da.
- Mặc dù không nên tắm vội, việc tắm quá lâu cũng không được khuyến khích. Ngoài ra, để vệ sinh tốt hơn, tắm 2 lần/ngày là đủ.
Mai Phương
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/tam-nuoc-lanh-hay-nuoc-nong-tot-hon-post1494893.html