Tầm quan trọng của tám pháp Ba-la-di đối với Tỳ kheo ni

Tầm quan trọng của tám pháp Ba-la-di đối với Tỳ kheo ni
3 ngày trướcBài gốc
Giới thiệu
Giới luật chính là đại diện cho đức Phật ở tại thế gian. Đức Phật dạy trong kinh Di Giáo: “Này các Tỳ-kheo, sau khi Ta nhập diệt, các Thầy phải tôn kính Giới luật, như người mù mà được mắt sáng, như người nghèo mà được châu báu; phải biết Giới luật chính là vị đạo sư của các Thầy. Nếu Ta còn sống ở đời thì cũng không khác gì Giới luật này”.
Giới luật là một trong ba Tạng chính xuyên suốt toàn bộ giáo lý của đức Phật, là pháp môn tu tập hành trì, để thúc liễm thân tâm, huân tu Giới Định Tuệ, trang nghiêm Giới thân huệ mạng cho người tu sĩ, là pháp môn tối thượng không thể thiếu trong đời sống phạm hạnh Tăng đoàn.
Giới là nền tảng vững chắc cho đạo quả tối thượng, không một Đấng Như Lai nào không đủ giới thể, không một vị Bồ-tát nào không tu Giới Ba-la-mật, không một kinh điển nào không đề cao Giới pháp; không một bậc Thánh hiền nào không giữ Giới hạnh trang nghiêm.
Tất cả thiện pháp đều từ đó mà sinh trưởng, Giới như thành quách, hành giả dựa vào đó mà xa lìa ma chướng, đưa chúng sinh tiến thẳng đến Niết-bàn, thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
(Ảnh: Internet)
Thấy được tầm quan trọng của Giới luật là không thể thiếu trong đời sống tu tập của người xuất gia. Bài viết giúp tìm hiểu khái quát về tầm quan trọng của Giới luật và cụ thể là tìm hiểu về tầm quan trọng của 8 Pháp Ba-la-di đối với Tỳ-kheo-ni. Ở tụ Ba-la-di này, tác giả sẽ khái lược về các pháp và trình bày cụ thể pháp đầu tiên “Cấm dâm dục” trong đề tài “Tầm quan trọng của 8 pháp Ba-la-di đối với Tỳ-kheo-ni” để cùng có cái nhìn tổng thể về tầm quan trọng cũng như những hậu quả đáng sợ mà những vị xuất gia không giữ phạm hạnh phải gánh chịu, từ đó rút ra bài học cho bản thân, phải nỗ lực và tinh tấn hơn trong sự tu tập, phát nguyện nghiêm trì Giới luật, hầu đưa đến kết quả giải thoát tối thượng cho chính mình và đem lợi lạc đến khắp quần sinh.
1. Định nghĩa Giới luật
(Ảnh: Internet)
1.1 Giới là gì?
Theo cách định nghĩa truyền thống, Giới luật được hiểu như sau: Giới tiếng Pali dịch là “sila”, được phiên âm là “thi-la”, dịch nghĩa là những điều răn cấm do đức Phật chế định ra cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia theo đó mà hành trì, khép mình trong khuôn khổ của Giới luật, từ đó ngăn ngừa tội lỗi do ba nghiệp tác tạo thành. Thế nên, Giới được hiểu như sau:
+ “Phòng phi chỉ ác: ngăn ngừa những điều sai trái, chận đứng việc xấu ác.
+ Biệt biệt giải thoát: giữ được Giới nào thì giải thoát được Giới đó.
+ Xứ xứ giải thoát: nơi nào Giới luật được tuân thủ thì nơi ấy có cuộc sống giải thoát.
+ Tùy thuận giải thoát: hướng về con đường giải thoát.
+ Thanh lương: làm cho cuộc sống mát mẻ, thoải mái.
+ Chế ngự: có khả năng kiềm chế những việc xấu”.[1]
1.2. Luật là gì?
“Luật chữ Phạn là “vinaya”, được phiên âm là Tỳ nại da, gọi tắt là “tỳ-ni”, dịch nghĩa là Điều phục, Diệt. Điều phục được hiểu nghĩa là chế ngự, nhiếp phục; Diệt được hiểu nghĩa là diệt trừ các điều ác…”[2]
Như vậy, Luật là những nguyên tắc do Phật quy định dành cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni áp dụng trong đời sống của Tăng đoàn. Luật có công dụng như những hướng dẫn cần thiết để nghiêm trì Giới cấm, đồng thời là những phương thức xử lí hữu hiệu các hình thức vi phạm Giới pháp.
Nói cách khác, Luật bao hàm cả Giới, còn Giới chỉ là một bộ phận của Luật. Giới và Luật tuy gọi khác nhau nhưng vẫn cùng chung một tính chất, do đó gọi chung là Giới luật.
1.3 Nguyên nhân và mục đích thành lập Giới bổn:
Trong 12 năm đầu, tính kể từ khi đức Thế Tôn thành đạo, giáo đoàn trong thời gian này hoàn toàn thanh tịnh, chư Tăng sống trong tập thể hoàn toàn vắng lặng; trên dưới đều nhất nhất thực hành theo lời dạy của đức Thế Tôn, hành trì nghiêm mật những lời mà Ngài đã dạy. Sau 12 năm, vào năm thứ 13, trong Tăng chúng có rất nhiều vị tách riêng ra khỏi đại chúng để giáo hóa độ sinh, từ đó bắt đầu nảy sinh những cấu nhiễm, sự ham muốn ngũ dục bắt đầu trỗi dậy. Một số Tăng chúng bắt đầu biểu hiện tâm ham lợi dưỡng, ham tiếng tăm, từ đó cũng là sự bắt nguồn cho những sai phạm phát sinh. Do vậy, đức Thế Tôn mới chế định Giới luật.
Các Giới điều được chế định chỉ khi nào trong chúng có ai sai phạm gây rối loạn cho Tăng đoàn, làm mất sự hòa hợp, gây ảnh hưởng không tốt đến giáo đoàn, đức Phật sẽ tùy theo sự sai phạm ấy mà chế định Giới luật. Vậy nên, những Giới luật mà Phật chế định không mang tính chất áp đặt, chỉ cần có người vi phạm, đức Phật sẽ theo đó mà chế định, trên tinh thần tùy phạm tùy chế. Và cũng chưa chế Giới nếu trong chúng vẫn giữ được sự thanh tịnh như 12 năm đầu.
Giới luật rất quan trọng cho sự trường tồn của Phật pháp. Có một lần nhập định, Ngài Xá-lợi-phất thấy tất cả chư Phật trong quá khứ nhờ chế Giới mà Chính pháp cửu trụ. Nhưng từ lúc đức Thế tôn thành đạo, mãi đến 12 năm sau đó vẫn chưa thuyết Giới. Vì vậy, ngài Xá-Lợi-Phất có sự thắc mắc trong lòng nên đã tìm đến thỉnh nguyện đức Thế Tôn: “…Bạch đức Thế Tôn, sao con không thấy Thế Tôn chế Giới mà chỉ nói Pháp ?”. Đức Phật là bậc toàn giác, Ngài với Trí tuệ siêu việt, quán thấy lúc này chưa cần thiết để chế Giới, vào thời điểm đó Ngài chỉ dạy Tăng chúng bài kệ phòng hộ chế ngự tâm, hành trì đúng lời dạy trong bài kệ này cũng chính là sự hành trì Tịnh Giới rồi:
“Khéo phòng hộ lời nói,
Tâm trí tự lắng trong,
Thân không làm các ác,
Thực hành được như thế,
Ba tịnh nghiệp đạo này,
Là đạo đấng đại tiên”.[3]
Chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng, thời đức Phật mới thành đạo, trong chúng hoàn toàn thanh tịnh nên việc chế Giới ngay lúc này hoàn toàn không thích hợp. Trong chúng không ai vi phạm, không ai làm ảnh hưởng xấu đến Tăng đoàn, nếu như ngay lúc này đức Phật chế Giới chắc chắn trong chúng sẽ cho đây là một sự áp chế, buộc ràng…và không sinh tâm hoan hỷ, điều này ảnh hưởng không tốt cho sự tu tập. Hơn nữa, Giới còn được hiểu là phương thuốc, là dược tính… cho thuốc phải tùy bệnh mà cho, người không bệnh thì không cần cho, không phải ai cũng cho một phương thuốc. Người có bệnh khi cho thuốc sẽ đem lòng biết ơn và cảm kích, hoan hỷ dùng ngay, ngược lại đối với người không bệnh mà cho thuốc người ta sẽ phản kháng, đây cũng chính là tâm lý chung của tất cả con người trên thế gian. Chính vì những lí do này, đức Phật đã trả lời rằng: “Này tôn giả, Ta biết thời phải làm gì, nay chưa phải thời, Như Lai sẽ không chế Giới. Khi nào trong chúng Tăng có việc vì danh lợi, vì hữu lậu xảy ra thì Như Lai mới chế Giới”.[4]
Qua đó chúng ta thấy những Giới mà đức Phật chế định, là tùy lúc tùy nơi, tùy nhân duyên, tùy hoàn cảnh, tùy lỗi vi phạm khinh trọng mà có những điều Giới tương xứng, để răn đe đối với những ai phóng túng, buông lung dần trở nên thanh tịnh và ngày càng có năng lực vượt qua mọi rào cản trở ngại hơn. Từ đó Giới thân, Giới thể, Giới tướng, Giới hạnh hoàn toàn thành tựu, tác thành Giới phẩm Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni. Người nghiêm trì Giới luật hiện tại pháp thân được trang nghiêm “Hình dung đĩnh đạc, ý chí cao nhàn…” tướng mạo đoan trang, dung nghi đĩnh đạc, ý chí cao cao tại thượng, chúng sinh thấy sinh tâm kính tín, phát nguyện tu tập, đây mới thật xứng đáng là bậc mô phạm của Trời, người, cũng chính là nền tảng giúp hành giả xuất gia tiến bước cao rộng trên lộ trình giải thoát, để rồi từ đó đem chính sự giác ngộ của mình hoằng pháp độ sinh, giáo hóa muôn người, nối truyền bước đường du hóa truyền đạo mà đức Thế Tôn đã chỉ dạy.
2. Định nghĩa giới Ba-la-di
Hình ảnh tạo bởi AI.
Ba-la-di chính là những tội cực nặng, ảnh hưởng đến uy tín của Tăng đoàn, niềm tin của phật tử, khiến quỷ thần cười chê, không còn hộ trì nữa. Hơn thế, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni phạm vào những trọng Giới này, đồng nghĩa với việc đánh mất giới thân huệ mạng, không còn được dự vào hàng Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nữa. Tám pháp Ba-la-di này vô cùng quan trọng, được đức Thế Tôn trực tiếp chỉ dạy “Tám pháp Ba-la-di này, cứ mỗi nữa tháng tụng một lần, từ trong Giới kinh chép ra. Tám Pháp Ba-la-di này từ trong kinh Biệt Giải Thoát chép ra, không phải các kinh khác nói. Chính từ kim khẩu đức Thế Tôn tuyên thuyết, chẳng phải từ người khác nói.”[5]
2.1. Định nghĩa Ba-la-di
Ba-la-di là tụ thứ nhất trong bảy tụ. Thiên thứ nhất trong bảy thiên. Là một tội cực trọng trong Giới Luật. “ Ba-la-di, tiếng Phạn là Parajika, còn được dịch âm là Ba-la-thị-ca, nghĩa là tội khí (bỏ ra ngoài Phật pháp), tội đoạn đầu (như người bị chặt đầu, không thể dùng thuốc cứu chữa được nữa)”.[6]
Trong phần giải thích thuật ngữ “Ba-la-di”, tiếng Hoa là “Ba-la-di-pháp”. Tứ phần luật giải thích “nếu một vị Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni phạm tội Ba-la-di thì vị Tăng (Ni) ấy xem như “là đã bị cắt đầu” người phạm Giới hiện đời hoàn toàn đánh mất đời sống tu sĩ, không còn được sống chung với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thanh tịnh nữa, tương lai sẽ bị đọa lạc, phải xa rời tăng chúng.
2.2. Tám Pháp Ba-la-di
Sự phân loại các Giới trong Tứ Phần Luật và trong Luật Pali được sắp xếp theo thứ tự từ nặng đến nhẹ. Về Giới Ba-la-di, đối với Tỳ-kheo chỉ 4 giới, nhưng riêng Tỳ-kheo-ni được đức Phật bổ sung thêm 4 Giới, nghĩa là Tỳ-kheo-ni phải cẩn thận giữ gìn 8 Pháp Ba-la-di này.
Đối với đức Phật, việc tham đắm dục lạc của chúng sinh là trăn trở hàng đầu, chính vì tham ái nên đau khổ, chính vì tham ái nên đọa lạc. Tôn giả Ưu-ba-ly từng trình bày rằng: “Đức Phật chế Giới Dâm trước nhất, do tôn giả Tu-dề-na (Sudina) vi phạm đầu tiên…”[7]. Giới dâm chính là Giới mà đức Phật ngăn cấm đầu tiên trong tụ giới Ba-la-di, là tội cực trọng trong các tội. Thế nên, khi đức Phật biết chuyện của Trưởng lão Tu-đề-na (Sudinna) phạm Giới dâm với vợ cũ của ông, đức Phật đã chính thức họp chúng, trách mắng và khiển trách nặng. Sau cùng là thống nhất chế Giới để răn đe đại chúng, tránh việc theo lối mòn sai trái của Ngài Tu-đề-na. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính yếu đầu tiên khiến đức Thế Tôn chế định nghiêm khắc Giới luật. Đặc biệt là các Pháp Ba-la-di, với những tội này đức Thế Tôn chế ra như một mệnh lệnh, và không cho phép bất cứ Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào phạm, phạm rồi thì không đủ tư cách làm Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nữa.
Đức Phật cũng dạy về sự quan trọng của Giới rằng: “Giới luật còn là Phật pháp còn, Giới luật không còn Phật pháp cũng suy vong”. Giới luật chính là mạng mạch của Phật pháp, là sinh khí của Tăng-già, thế nên người xuất gia phải tín thọ phụng hành, nghiêm trì Giới luật một cách tinh chuyên không nên xao lãng. Phải nhớ rằng, Giới chính là Thầy chỉ đường cho mình, là hành trang, là thuyền từ đưa chúng sinh đến bờ giải thoát an vui, lìa xa cuộc sống thế tục để hưởng trọn vẹn niềm vui Niết-bàn, vậy nên chúng ta nên tìm hiểu kĩ hơn về tám pháp Ba-la-di mà Phật chế định để có được lợi ích an vui trọn vẹn trong con đường tu tập, 8 Pháp Ba-la-di cụ thể là:
1. “Cấm dâm dục.
2. Cấm trộm cắp.
3. Cấm sát sinh.
4. Cấm nói láo khoe mình chứng đạt Thánh quả.
5. Cấm đụng chạm đến người nam có tâm nhiễm ô.
6. Cấm làm tám việc chung cùng người nam có tâm nhiễm ô.
7. Cấm bỏ qua hoặc che dấu trọng tội của một Tỳ-kheo-ni khác.
8. Cấm tùng theo một Tỳ-kheo phạm tội bị giáng cấp sau khi khuyên răn ba lần”.
Cấm dâm dục: Giới này đề cập đến việc “Phạm bất tịnh hạnh”, khi tâm nghĩ đến vấn đề này, tất cả sự bất tịnh đều thể hiện ra ngoài, là thứ dục vọng khó mà kiềm nén, do đó khi sự ham muốn tột độ bộc phát, người đó có thể làm hạnh bất tịnh đến cả loài súc sinh cũng không chừa. Kể cả cầm thú cũng có thể thì người phạm tội sẽ không chừa bất cứ một người nào.
Cấm trộm cắp: trộm cắp là những việc mất đạo đức, tự mình trộm, hoặc tự mình trộm, hoặc phương tiện trộm lấy, tất cả các vật người ta không cho mà tự ý lấy. Tỳ-kheo-ni phạm phải Giới này, dù có phước đức, trí tuệ nhiều, mà vẫn không dứt trừ được tâm trộm ắt sẽ rơi vào đường tà.
Cấm sát sinh: sát sinh là làm tổn hại lòng từ bi, không có lòng yêu thương chúng sinh. Như chúng ta biết “Thế gian rất quý trọng không gì hơn sinh mạng; thiên hạ cực đau thảm không chi hơn sát sinh.” Chính vì thế mà đức Từ Phụ đã xuất hiện nơi cuộc đời, mang đến cho muôn loài bức thông điệp về lòng thương yêu, để từ đó xua tan bớt vô vàn thống khổ đọa đày không ngừng bức bách hàng trăm sinh linh trong lệ sầu bi thảm. Vậy nên, chúng ta phải tôn trọng mạng sống của tất cả chúng sinh, không được tự cho ta quyền sát hại chúng vì cho rằng “vật dưỡng nhân”. Chúng ta hãy tìm niềm cảm thông nơi tất cả mọi loài bằng hành động không sát sinh, hành động này cũng chính là chúng ta tự đóng cho chúng ta một con thuyền giải thoát và đang bắt đầu nhổ neo từ bến mê xuôi theo dòng nước Đại bi đến bờ giác ngộ.
Cấm nói láo khoe mình chứng đạt Thánh quả: một người có nhân phẩm khi lời nói người ta có giá trị, lời nói phải chính chắn, chân thật mới tạo được lòng tin cho mọi người. Nếu lời nói chân chính, tâm ta sẽ đoan chính, những gì ta làm đều sẽ đem đến lợi ích cho mọi người, ngược lại họa cũng từ miệng mà ra, làm hại mình và hại những người xung quanh tan nhà nát cửa… anh em xào xáo, quyến thuộc chia lìa… hoặc tự xưng Thần Thánh ma mị mọi người, khiến phát tâm cuồng tín, vọng cầu thần lực, đưa đến lầm đường lạc bước rơi vào chỗ tà đạo…
Thế nên Đức Phật dạy tôn giả A-nan trong Kinh Báo Ân: “Người ở thế gian tai họa sinh từ miệng, nên phải giữ miệng hơn đề phòng lửa dữ. Lửa dữ đốt cháy của thế gian, miệng dữ đốt cháy bảy báu của Bậc Thánh. Tất cả chúng sinh họa từ miệng sinh ra, nên biết miệng là dao búa giết thân vậy.” lời nói tạo vô vàn ác nghiệp, có khi bằng lời nói có thể tổn hại đến mạng người, thậm chí gây nên chiến tranh, tử thương vô số… điều này làm mất phẩm hạnh và đạo đức làm người, đã là người xuất gia phải khắc cốt ghi tâm, miệng có thể đưa ta đến Niết-bàn an vui, cũng có thể là chìa khóa mở cánh cửa địa ngục, thế nên mỗi hành động, lời nói phải cần suy nghĩ và cân nhắc, để tránh tổn mình và hại người.
Cấm đụng chạm người nam có tâm nhiễm ô: điều này có nghĩa là giữa người nam và người nữ không được xúc chạm đến nhau, với những hành động nắm, vuốt, kéo, đẩy… do vì tâm sinh lý của con người chất chứa đầy tham muốn dục vọng, khi tâm dục vọng dấy khởi chẳng khác nào quỷ nhập vào tâm khiến tâm bị ô nhiễm, không còn được thanh tịnh nữa. Người xuất gia không giữ được phạm hạnh thanh cao, khí tiết cao quý, thì có tu cũng chỉ làm hoen ố chốn thiền môn, làm bại hoại Phật pháp.
Cấm làm Tám việc chung với người nam có tâm nhiễm ô: khi biết người nam có tâm ô nhiễm mà cho nắm tay, nắm áo, cùng vào chỗ vắng, đứng chung, đi chung, xúc chạm, dựa kề, hò hẹn với người nam. Đức Phật ở tại thành Xá Vệ chế giới này, được biết Giới này được chế là do Thâu La Nan Đà phạm giới đầu tiên cùng với Sa Lâu Lộc Lạc.
Cấm bỏ qua hoặc che dấu trong tội cho một vị Tỳ-kheo-ni khác: khi sống chung một hội chúng, cùng chung nhau tu tập, cùng chia sẻ với nhau những lời hay ý đẹp, những kinh nghiệm chứng ngộ trong quá trình trải nghiệm tu tập, sống hòa hợp như nước hòa với sữa. Nhưng bên cạnh đó, đời sống của người xuất gia cũng gặp không ít khó khăn, đôi khi gặp phải những trái ý nghịch lòng, không biết cách phải ứng xử và giải quyết như thế nào, rồi âm thầm giấu giếm, từ đó nguồn tội lỗi theo đó mà âm ỉ từng ngày…
Chúng ta là người tu hành phải biết cách quán chiếu, xử lý mọi tình huống không phải chỉ bằng lòng Từ bi mà cần có Trí tuệ, chúng ta thấy lỗi sai của đồng tu, phải khuyên răn, nhắc nhở, giúp bạn chừa bỏ, lo tu tập sám hối lỗi lầm. Vì lòng Từ bi bao che tội lỗi cho nhau, nên trong Tăng đoàn đã xảy ra việc bất tịnh hạnh, Tăng và Ni phạm hạnh bất tịnh với nhau, người kia thấy Tỳ-kheo-ni đó phạm tội như vậy mà không khuyên răn ngay từ ban đầu, không cử tội trước đại chúng, bao che cho họ làm điều sai trái, đồng nghĩa làm cầu nối khiến cho mối quan hệ của họ phát sinh, dẫn đến vấn đề Nam nữ. Sự bao che tội này, cũng là một tội ác cực trọng, thấy người ta vào đường chết mà không khuyên bảo, dẫn dắt… cũng đồng nghĩa với việc không có lòng Từ bi, không xứng đáng là bậc mô phạm của chúng sinh.
Cấm tùng theo một Tỳ-kheo-ni phạm tội bị giáng cấp sau khi khuyên răn ba lần: khi một vị Tỳ-kheo bị chúng Tăng làm pháp cử tội đúng pháp, đúng luật, đúng như lời Phật dạy, mà vị ấy lại không tuân theo, Tăng chưa tác pháp Yết-ma mà lại cho ở cùng, lại còn giúp đỡ tới lui, khiến Tỳ-kheo-ni kia ỷ lại mà không chịu ăn năn sám hối, sửa đổi lỗi lầm của mình, vị Tỳ-kheo-ni trong trường hợp như vậy phạm Ba-la-di tội, trừ trường hợp khi được nhắc nhở mà vị Tỳ-kheo-ni ấy từ bỏ và sửa đổi thì không phạm, nếu được nhắc nhở mà vẫn cố chấp thì phạm Ba-la-di.
Theo đó, chúng ta nhận thấy 4 giới đầu trong tụ Ba-la-di, đức Phật chế định chung cho cả Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, 4 giới sau được đức Phật bổ sung vào cho Tỳ-kheo-ni, nhìn chung đều đề cập đến những hành vi dâm dục. Nếu vị Tỳ-kheo-ni nào phạm một trong những tội thuộc tụ Ba-la-di thì cách xử phạt giống 4 giới đầu của Tỳ-kheo. Tuy nhiên, kết quả việc vi phạm Giới dâm dục của Tỳ-kheo-ni có thể dẫn đến kết quả là vị ấy sẽ bị mang thai, vì người phụ nữ vốn có khả năng sinh sản, đều này sẽ làm mất đi uy tín và sự thanh tịnh của Tăng đoàn. Chính vì thế, đức Phật đã bổ sung thêm bốn Giới sau đối với Tỳ-kheo-ni, nhằm lấy những Giới điều khắc khe như vậy làm rào cản ngăn cho Tỳ-kheo-ni biết sợ tội lỗi mà không dám phạm vào trọng tội, sống khép mình trong khuôn khổ của Giới luật, luôn chính niệm tỉnh giác trước mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, luôn cảnh tỉnh chính mình để không sa chân vào sự tham đắm dục lạc… để rồi phải trầm luân muôn kiếp không khi nào thoát khỏi sự đau khổ.
Trong tụ Giới này, đức Phật cấm tuyệt đối người xuất gia không được dâm dục “đây chính là nhân của sinh tử luân hồi vì vậy người xuất gia phải đoạn tuyệt hẳn”. Vì ai phạm phải tội này xem như giới thân huệ mạng không còn, như kẻ chết rồi không thể cứu chữa, phạm rồi thì không được sám hối nữa, tẩn xuất khỏi Tăng đoàn. Tỳ-kheo-ni tuyệt đối không được phạm vào trọng Giới này nếu còn muốn kết thiện duyên với Phật pháp đời đời, nếu không muốn đánh mất đi phạm hạnh cũng như đường tu của mình, vì cơ hội đức Phật cho người nữ chỉ một lần duy nhất. Nếu người nữ phạm một trong các Giới Ba-la-di nhất là Giới dâm, đức Phật tuyệt đối không dung túng. Giới dâm dục thuộc về tính tội. Đại thừa đồng chế “Nếu Tỳ -kheo-ni làm việc dâm dục, phạm hạnh bất tịnh, cho đến hành dâm với súc sinh. Tỳ-kheo-ni này phạm tội Ba-la-di không được ở chung”.[8]
Đã xuất ly ra khỏi căn nhà thế tục, xuất ly tất cả mọi sự ràng buộc của thế gian, phát nguyện một lòng tấn tu đạo nghiệp, thì hãy nhớ những hạnh nguyện, những hoài bão tốt đẹp thuở ban sơ khi bước vào chùa, mà lập chí tu hành, chớ vì một chút tham đắm vì những cám dỗ bên ngoài, vì không chế ngự được lòng ham muốn trong tâm mình mà phải sa chân lỡ bước, hối hận không còn kịp nữa. Thế nên, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni tuyệt đối không được phạm vào pháp dâm dục, làm hạnh bất tịnh. Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào không giữ gìn Giới hạnh, phạm vào trọng tội như trên, phạm hạnh bất tịnh, người đó không còn được gọi là Tỳ kheo hay Tỳ-kheo-ni, không phải con của dòng họ Thích nữa. Đức Thế Tôn ví kẻ đó đã bị chặt đầu, không thể sống được nữa. Cũng như vậy, “nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào phạm vào một trong những pháp Ba-la-di này thì phẩm chất Tỳ-kheo không thể phục hồi được nữa, quả báo phải nhận là bị đọa lạc, trầm luân muôn kiếp, không biết đến khi nào mới thoát khỏi”.[9] Tuy vậy, nếu như vị ấy muốn dốc lòng sửa đổi thì nên tìm đến những nơi núi rừng thanh vắng, tịch tĩnh, ngày đêm chí thành tụng kinh, lễ bái, chí thành sám hối, một lòng tha thiết, luôn luôn cần mẫn, tinh cần không dámbuông lơi, giãi đãi, thề không tái phạm. Phải chí thành chí kính như vậy, “nếu cảm được chư Phật và Bồ-tát gia hộ, phóng hào quang, hiện tướng tốt cho thấy, thì đời này tuy không được trở lại làm Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni thanh tịnh nữa, nhưng vẫn có thể chuyển được khổ nặng nơi địa ngục, thành quả báo nhẹ trong hiên tại”.[10] Người phạm vào trọng tội dâm dục, phải nhận lấy những hậu quả không lường, tương lai phải đọa lạc trong tam đồ ác đạo, là người xuất gia chúng ta phải ghi khắc trong lòng, để nhắc mình tu tập, vượt qua mọi chướng duyên, diệt trừ những tham đắm dục lạc thường tình của thế gian, để không phải rơi vào hố sâu tội lỗi.
Ngoài những hành vi tự mình hành việc dâm dục, đức Phật cũng nghiêm trị những việc liên quan đến dâm dục, tiêu biểu là tội bao che cho hành vi dâm dục của kẻ khác, vì đó cũng chính là những nguyên nhân kéo theo những hệ lụy đau khổ không kém gì tội dâm dục, sự bao che đó chính là tiếp tay cho một mối quan hệ đầy tội lỗi, là nguyên nhân đưa đến hành vi dâm dục.
Trong bản Luật của Pali, có trình bày sự việc đức Phật không dung túng cho những người phạm trong tội này, kể cả người bao che dấu tội trọng của người khác cũng bị tẩn xuất khỏi Tăng đoàn “Tỳ-kheo-ni Sundarinanda có quan hệ ái dục với nam cư sĩ Salha, cháu nội của Migara, kết quả cô này bị mang thai. Sau khi biết cô không thể che giấu được nữa, cô buộc phải rời khỏi Tăng đoàn. Trong khi đó chị của cô là Thullananda che giấu tội cho Sundarinanda, mặc dù biết cô ấy phạm tội Ba-la-di”… “Các Tỳ-kheo-ni nói với Thullananda: “Này ni sư, Sundarinanda hoàn tục không bao lâu đã sinh con. Không lẽ cô ta đã mang thai khi còn là Tỳ-kheo-ni?”-Thullananda đáp: “Này các ni sư, đúng vậy.”… “Này ni sư, vì sao cô biết vị Tỳ-kheo đã vi phạm tội Parajika lại không chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm?”-“Điều không đức hạnh nào của cô ấy, điều không đức hạnh ấy là của tôi. Điều ô danh nào của cô ấy là của tôi…này các ni sư tại sao tôi lại thông báo cho những người khác biết…về điều không đức hạnh, điều ô danh, và điều thất lợi của bản thân.”[11]
Người biết người khác thân mang trọng tội mà không tố giác, lại che giấu cho hành vi phạm tội, đều bị đức Phật nghiêm trị như nhau. Thoáng nhìn qua, mọi người ai cũng cho rằng tội này sao đức Phật lại quy kết thành tội Ba-la-di nhưng sâu xa bên trong tiềm ẩn một mối nguy hại rất lớn, tiếp tay cho việc phát sinh tình cảm nam nữ, dẫn đến phát sinh vấn đề tình dục. Vậy nên, đức Phật cũng nghiêm trị người che giấu tội trọng cho người cũng như nhau. Chúng ta cũng có thể ngầm hiểu vì sao đức Thế Tôn phạt người che dấu hành vi dâm dục cho người khác nặng như vậy, người ấy cũng không có lòng từ bi, không có lòng khuyên bảo, cũng như thấy người ta bước vào con đường chết mà không tìm cách cứu, người xuất gia cần phải có lòng từ bi tuyệt đối, yêu thương chúng sinh hơn bản thân mình, nếu người tu mà không có lòng thương thưởng đến người khác thì không xứng đáng làm người xuất gia, không đáng học hỏi giáo pháp của dức Thế Tôn, cần phải khai trừ khỏi giáo đoàn để tránh hệ lụy về sau, và cũng làm tấm gương răn đe đại chúng.
Đến đây, chúng ta thấy sự liên kết của 8 pháp Ba-la-di như một mắc xích, liên kết chặt chẽ với nhau, có thể nói là có sự tương tác hỗ trợ qua lại, nhưng phần trăm nhiều nhất đức Phật vẫn thiên về các Giới liên quan đến hành vi dâm dục. Vì các Giới khác dù sao cũng không phải gánh chịu hậu quả bằng Giới dâm dục, thế nên tất cả đều ra những quy định rất nghiêm khắc nhằm bảo vệ cho Ni Giới. Chính sự trăn trở về sự an toàn cho Ni giới, vì không muốn vì sự chế định các điều Giới trong luật của Tỳ-kheo-ni, đức Phật dạy chư Ni mỗi nửa tháng phải đến cầu Giới đại Tăng, phải học giáo pháp với các vị Tỳ-kheo được Tăng đoàn chỉ định. Chính những điều Giới này làm cho các Tỳ-kheo-ni gặp khó khăn và nguy hiểm, vì các vị Tỳ-kheo thiếu phạm hạnh đã bị giáo đoàn trục xuất sẽ lợi dụng Giới này để sai khiến các Tỳ-kheo-ni, nên Đức Phật đã chế định thêm điều Giới thứ 8 để bảo vệ chư Ni không bị những Tỳ-kheo thiếu phạm hạnh sai khiến làm điều sai trái. Tuy nhiên để cấu thành tội này phải khuyên răn ba lần, nếu không thay đổi sẽ thành trọng tội.
Qua những điều trên, chúng ta rút ra kết luận cho bản thân, tất cả những Giới trên, đa phần đều đề cập đến vấn đề dâm dục. Dâm dục khiến chúng ta mê mờ và chìm sâu vào tội lỗi, lại là nhân của sinh tử luân hồi. Thế nên, vì lòng từ bi đức Phật đã chế ra 8 pháp ba la di như một rào cản chắc chắn để bảo vệ và che chở cho Tỳ-kheo-ni, 8 pháp này cũng chính là phương tiện bảo vệ Giới thân huệ mạng cho Tỳ-kheo-ni. Những Giới này mang tính cách chặt chẽ, nghiêm khắc, đã thể hiện rõ ràng, vì vậy các Tỳ-kheo-ni phải khéo phòng hộ tâm ý, khéo chính niệm giữ gìn chớ để phạm vào, vì đây chính là mệnh lệnh, bắt buộc mỗi Tỳ-kheo-ni phải thọ trì nếu phạm thì sẽ bị định tội, chứ không phải là lời huấn dụ khuyên bảo như trước đây. Do vậy, nếu ai khéo phòng hộ giữ gìn Giới luật, Giới hạnh sẽ viên mãn, sự tu tập sẽ được trọn vẹn và sự chứng đạt sẽ không còn xa.
3. Tầm quan trọng của Giới Ba-la-di
(Ảnh: Internet)
Giới luật giúp mang đời sống tự tại, giải thoát, không bị các thứ dục lạc thế gian ràng buộc, không tham đắm và dính mắc vào ngũ dục lục trần, càng không bị ngoại cảnh chi phối vì khi giữ giới tinh thần của chúng ta luôn khoan khoái nhẹ nhàng, thong dong tự tại.
Khi chúng ta biết chấp nhận và cảm nhận, chúng ta sẽ không còn thắc mắc, không còn chất vấn, tại sao đối với chư Tăng phạm trọng tội Phật chỉ chế Giới như vậy…? và tại sao Ni phạm trọng tội thì Phật lại chế Giới như vậy?... Tất cả chỉ cần chúng ta lắng lòng cảm nhận, chắc chắn sẽ cảm nhận được tình thương cao cả mà đấng Từ Phụ dành cho Ni giới, vì muốn bảo vệ phạm hạnh cho Ni giới một cách vẹn toàn, vì muốn Ni giới có thể vượt qua mọi chướng ngại để tiến bước trên lộ trình giải thoát mà đức Từ Phụ đã đi, để có thể dự vào hàng Thánh quả, thoát khỏi vòng trói buộc của thế gian, thoát khỏi sợi dây tham ái cột chặt con người trong trầm luân từ vô thỉ kiếp.
Đã là Tỳ-kheo-ni chúng ta phải hiểu rằng trước mắt chúng ta có bao nhiêu cám dỗ, cạm bẫy luôn bủa vây khắp, nếu chúng ta không thận trọng, cảnh giác, bất cứ lúc nào cũng sập bẫy đã giăng sẵn, kéo theo những hệ lụy đau khổ và đánh mất sự tu tập khó gặp của mình. Đức Phật dạy: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn” thân người khó được, Phật pháp khó nghe, chúng ta đời này có phước duyên lớn được làm người, lại thù thắng hơn là hội đủ duyên lành xuất gia theo Phật, được ngày ngày huân sâu kinh kệ, ngày ngày được tắm mình trong dòng Pháp, được trưởng dưỡng hạt giống trí tuệ, được hòa nhập vào dòng Thánh. Hiểu được phước báu nhân duyên của mình thù thắng như vậy, vậy nên chúng ta phải nghe theo lời đức Phật dạy, phát nguyện tinh tấn tu tập, nghiêm trì Giới luật như giữ tròng con mắt của mình, như ấp yêu con đỏ, phải biết Phật dạy Giới này chính là Bậc Đạo Sư cao cả có thể thay thế vị trí của Ngài sau khi Ngài nhập diệt “sau khi Ta nhập diệt, các Thầy phải tôn trọng trân kính Ba-la-đề-mộc-xoa như người nghèo gặp của báu, như người mù gặp ánh sáng, phải biết Giới này là Thầy của các Thầy, dù Ta còn ở đời cũng không khác Tịnh Giới này vậy”.[12] Bên cạnh đó Đức Phật cũng đưa ra những điều lợi ích đạt được khi Tỳ-kheo-ni hành trì Giới một cách thanh tịnh:
“1. Nhiếp thủ ư Tăng: vì kiện toàn Tăng-già thành chúng thanh tịnh.
2. Linh Tăng hoan hỉ: Vì tu hành phạm hạnh nên thiện tâm Tăng trưởng khiến được hoan hỉ đối với nhau.
3. Linh Tăng an lạc: vì hoan hỉ được an lạc nơi thiền định, trong tự tâm.
4. Linh vị tín giả tín: khiến người chưa có lòng tin Tam Bảo, thấy chư Tăng tu hành phạm hạnh mà sinh lòng tin.
5. Dĩ tín giả linh Tăng trưởng: đối với người đã tin rồi khiến lòng tin của họ Tăng trưởng.
6. Nan điều giả linh điều thuận: người khó điều phục khiến họ được điều thuận.
7. Tàm quý giả đắc an lạc: khiến người biết hổ thẹn được an vui.
8. Đoạn hiện tại hữu lậu: vì đoạn diệt phiền não ở hiện tại.
9. Đoạn vị lai hữu lậu: vì đoạn diệt hết phiền não ở vị lai.
10. Linh chánh pháp cửu trú: vì tu phạm hạnh mà chính pháp được tồn tại lâu dài”.[13]
Đức Thế Tôn nêu ra những lợi ích như vậy để chúng sinh thấy được một sự thành tựu viên mãn mà phát tâm hoan hỷ tu tập. Đức Thế Tôn chính là Đấng cha lành luôn yêu thương che chở cho con mình, nhưng cũng là người cha rất mực nghiêm khắc không dung túng cho con mình, thiện-ác, tốt-xấu phân minh rạch ròi, làm điều tốt được thưởng, được khen ngợi khuyến khích, làm điều sai trái có tội phải chịu phạt, đức Từ Phụ tuyệt đối không vì tình thương mà nương tay, dung túng. Chúng ta là những đứa con, phải nên thực hành theo những gì đấng Từ Phụ chỉ dạy để mãi được lợi ích an vui.
Đức Từ Phụ phát nguyện nhập thế độ đời, Ngài thương chúng sinh như con, thương chúng sinh hơn chính mình. Ngài đi tìm chân lý giải thoát không phải vì riêng Ngài, mà vì chúng sinh muôn loài. Thế nên, trên con đường hoằng hóa độ sinh đức Phật đã chứng minh cho nhân loại thấy rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính như nhau “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn…”, nên khi chứng thành Phật quả, đức Phật muốn đem ánh sáng chân lý soi sáng khắp thế gian, độ khắp tất cả chúng sinh vì đức Phật cũng từng tuyên bố “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Chính vì lẽ ấy, đức Phật đã chấp nhận người nữ gia nhập vào giáo đoàn, vì nữ giới cũng chính là những chúng sinh rất đau khổ đang cần ánh sáng từ quang của đức Thế Tôn soi đường dẫn bước. Nhưng để người nữ chính thức được vào giáo đoàn đức Phật đã đưa ra một điều kiện hết sức khó khăn. Đó chính là “Bát Kính Pháp” tám điều cung kính chư Tăng được chế định đầu tiên, nhằm lấy sự cung kính làm rào cản ngăn cách giữa chư Tăng và chư Ni, vì cung kính sẽ có sự dè chừng, vì cung kính nên sinh tâm sợ sệt không dám đến gần, như vậy bước đầu có thể làm rào cản bảo vệ Tăng đoàn, và sâu xa hơn là bảo vệ sự an toàn cho Ni giới, vì bản chất của nữ nhân là yếu đuối, dễ mềm lòng, dễ sa chân vào cám dỗ, làm mất thanh tịnh Tăng đoàn, mất đi phạm hạnh của chính mình, quan trọng hơn hết là đánh mất đi nhân duyên xuất gia hiếm gặp của mình.
Vậy nên Tỳ-kheo-ni phải nên ý thức với bản thân mình, vì nghiệp chiêu cảm của người nữ, có thể hại đến phạm hạnh mình và làm hại đến phạm hạnh của người khác, nên cần chánh niệm tỉnh giác, thúc liễm thân tâm, trước tiên giữ được nét thanh cao của người xuất gia, xứng đáng là con gái của đấng Như Lai, sau xứng đáng làm mô phạm cho chúng sinh. Chúng ta phải cố gắng hành trì nghiêm mật Giới luật chớ để phạm giới, dù là lỗi nhỏ cũng phải hổ thẹn, ăn năn tự hối, phải khắc sâu vào lòng 8 pháp Ba-la-di, phải học, phải hiểu, phải sợ hãi, phải xa lánh chớ để thân sa ngã vào vũng lầy tội lỗi. Tỳ-kheo-ni phải tâm niệm một điều, hoài bão xuất gia là tối cao vô thượng, cuộc đời người nữ đáng lẽ không được xuất gia, càng không được gia nhập vào hàng ngũ của chúng Tăng. Thế nhưng cơ duyên hiếm hoi, người nữ đã được đấng Từ Phụ đoái thương cho gia nhập vào hàng ngũ Tăng đoàn để có cơ hội tiếp cận giáo lý tối thượng, ngõ hầu nhờ duyên lành này mà tu tập giải thoát. Chúng ta phải trân quý giữ gìn nhân duyên thù thắng này, phải nổ lực tu tập, hành trì nghiêm mật Giới luật, phát nguyện tinh tấn tu tập để không cô phụ hoài bão chính mình, và cũng là đền đáp bốn ơn nặng.
Kết luận
Giới hạnh của người xuất gia là một phẩm hạnh vô cùng quan trọng, mang một đức tính cao vời, dù thời gian có vô cùng, không gian có vô tận. Giới luật vẫn chính là khuôn vàng thước ngọc cho hậu thế muôn đời noi theo. Trong Kinh Pháp Cú đức Phật dạy:
“Hương thơm các loài hoa,
Không bay ngược chiều gió.
Nhưng hương người đức hạnh,
Ngược gió khắp tung bay”.
Ở thế gian, đạo đức con người cũng được đề cao, và là môn học giáo dục công dân hàng đầu được nhà nước ban hành. Xã hội không đào tạo, giáo dục đạo đức con người, xã hội đó luôn gặp tệ nạn, không bao giờ thái bình, nhà nhà sẽ không được an vui, vì đạo đức không có con người sẽ trở nên bạo ác, không việc ác nào mà không làm, nhưng một con người có đạo đức phẩm hạnh sẽ đem đến lợi ích cho gia đình và xã hội, là một nhân tố góp phần cho một xã hội ngày càng phồn thịnh.
Người có đức hạnh là những người được tôn xưng bởi họ là những người có đạo đức tốt, có lòng nhân ái làm lợi ích cho cộng đồng, thế gian còn gọi họ là người hiền nhân, quân tử. Đối với Đạo Phật, đức hạnh được chiếu soi từ những người có Giới hạnh, luôn tinh chuyên tu tập, phát nguyện hành trì Giới luật không gián đoạn. Nhờ vậy mà Giới hạnh ngày càng cao, đức hạnh theo đó mà được rạng người chiếu tỏ. Được như vậy mới xứng đáng là người đại diện cho Chính pháp.
Thế nên chúng ta là người đã xuất gia tu hành, lại có nhân duyên lớn lãnh thọ Giới pháp của Tỳ-kheo-ni, chúng ta phải khắc ghi trong lòng những Giới mà mình đã thọ để hành trì nghiêm mật, không để mình phạm vào trọng tội Ba-la-di, vì phạm vào trọng tội này, thì tất cả sự công phu tu tập của chúng ta từ trước sẽ không còn, Giới thân huệ mạng bị hủy hoại, chánh Pháp vì những nguyên nhân ấy mà suy vong. Bởi thế mà đây chính là cái nhân tội lỗi vô cùng to lớn, không thể nào sám hối cho hết được, phạm rồi nhất định sẽ đi đến thẳng cửa địa ngục. Cho nên chúng ta không được phạm Giới dù chỉ là lỗi nhỏ, sự giữ gìn Giới luật một cách trọn vẹn không chỉ trang nghiêm pháp thân của chúng ta trong hiện đời, mà còn góp phần làm cho Phật pháp được cửu trụ tại thế gian.
Là đệ tử Phật chúng ta phải tinh tấn tu tập, trưởng dưỡng tâm từ bi và lòng nhân ái, vị tha, dứt trừ tâm tham lam, sân hận, si mê, và cũng lấy đó làm nền tảng để trưởng dưỡng đức hạnh tốt của chính mình, làm hành trang trên lộ trình giải thoát, để mãi xứng đáng là sứ giả của đấng Như Lai thong dong khắp ba cõi mười phương, trước tu tập tự độ chính mình an lạc giải thoát, sau dẫn dắt chúng sinh cùng vượt ra khỏi sinh tử chứng ngộ giải thoát.
Tác giả:Thọ Thuần
***
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Phước Sơn, Một Số Vấn Đề Về Giới Luật, (TP.HCM: Nxb Phương Đông, 2010).
2. Thích Trí Tịnh, Tứ Phần Hiệp Chú, Tập 2, lưu hành nội bộ, (TP.HCM: Nxb Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, 1991).
3. Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh (Tập thành), Pháp Thức Và Ý Nghĩa Hành Trì Giới Luật, (TP.HCM: Nxb Phương Đông, 2007).
4. Thích Trí Minh (Việt dịch), Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Chú Giải, Quyển thượng A, (TP.HCM: Nxb Tôn Giáo, 2013).
5. Thích Phước Sơn, Luật Học Tinh Yếu, (TP.HCM: Nxb Phương Đông, 2010).
6. Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật, (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2002).
7. Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật, (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2002).
Chú thích
[1] HT. Thích Phước Sơn, Một Số Vấn Đề Về Giới Luật, (Việt Nam: Nxb Phương Đông, TP.HCM, 2010), Tr. 11.
[2] Sdđ.
[3] HT. Thích Trí Tịnh, Tứ Phần Hiệp Chú, Tập 2, lưu hành nội bộ, (Việt Nam: Nxb Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, TP.HCM, 1991), tr.57.
[4] Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh (Tập thành), Pháp Thức Và Ý Nghĩa Hành Trì Giới Luật, (Việt Nam: Nxb Phương Đông, TP.HCM, 2007), tr.16.
[5] HT. Thích Trí Minh (Việt dịch), Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Chú Giải, Quyển thượng A, (Việt Nam: Nxb Tôn Giáo, TP.HCM, 2013), tr.141.
[6] HT. Thích Phước Sơn, Luật Học Tinh Yếu, (Việt Nam: Nxb Phương Đông, TP.HCM, 2010), tr.120.
[7] Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh (Tập thành), Pháp Thức và Ý Nghĩa Hành Trì Giới Luật, (Việt Nam: Nxb Phương Đông, TP.HCM, 2007), tr.22.
[8] HT. Thích Trí Minh (Việt dịch), Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Giảng Giải, Tám Pháp Ba La Di, (Việt Nam: Nxb Tôn Giáo, TP.HCM, 2013), tr.154.
[9] Sdđ.
[10] HT. Thích Phước Sơn, Luật Học Tinh Yếu, Chương 3. Thể Thức Sám Hối và Trừng Phạt, (Việt Nam: Nxb Phương Đông, TP.HCM, 2010), tr.123.
[11] Tỳ-khưu Indacanda, Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni, 1.2. Điều Pa2rajika Thứ Nhì, (Việt Nam: Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2014), tr.13.
[12] HT Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật, (Việt Nam: Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2002), tr.40.
[13]Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật, (Việt Nam: Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2002), tr.20-21.
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tam-quan-trong-cua-tam-phap-ba-la-di-doi-voi-ty-kheo-ni.html