Kỹ năng kết bạn rất quan trọng với sự phát triển nhân cách của trẻ nhỏ. Ảnh: M&C.
Bạn càng tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ tiếp xúc với nhiều kiểu dạng gia đình khác nhau thì trẻ sẽ càng có nhiều cơ hội phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh. Thông qua tình bạn và những hoạt động chung, con bạn có thể nhận ra rằng gia đình thì có thể có nhiều kiểu, không nhất thiết phải như kiểu gia đình của con.
Tình bạn không chỉ là có ai đó chơi cùng. Tình bạn còn có ý nghĩa hơn thế rất nhiều. Tình bạn ấu thơ lại càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ trên phương diện xã hội và cảm xúc.
Việc liên tục tương tác với bạn bè cho trẻ cơ hội tập giải quyết các vấn đề, tập đối diện với sự khác biệt ý kiến, giải quyết bất đồng, thỏa hiệp, lắng nghe và học về giá trị của lòng trung thành và trắc ẩn. Bạn bè trở thành một hệ thống hỗ trợ tự động, là phao cứu sinh khi trẻ cần trốn tránh một vụ cãi cọ và trốn tránh người lớn trong gia đình mình.
Tình bạn ấu thơ diễn ra xuyên suốt các giai đoạn phát triển của trẻ. Trẻ mẫu giáo có xu hướng chơi vui nhất với một hoặc hai bạn một lúc và vẫn thích chơi độc lập bên cạnh nhau hơn là tương tác với nhau. Bạn có thể tạo điều kiện cho tình bạn này bằng cách tổ chức và/hoặc tham gia những buổi hẹn chơi cùng nhau và lên lịch gặp riêng cha mẹ và trẻ khác ở công viên hoặc địa điểm nào đó.
Trẻ tiểu học thường cảm thấy thoải mái hơn khi chơi với nhiều bạn một lúc. Chúng học được cách xử lý các tương tác phức tạp hơn, thích giả vờ làm người lớn, thực hành các kỹ năng thực tế cũng như học cách thỏa thuận, chia sẻ và chờ tới lượt.
Chúng sẽ kết bạn ở trường học, trong cộng đồng tôn giáo, trong khu dân cư và trong những hoạt động thể thao hoặc vui chơi khác. Nhiệm vụ chính của bạn là thể hiện sự hào hứng và ủng hộ những tình bạn mới này.
Trẻ lớn hơn thường kết bạn rất dễ dàng. Vai trò của bạn là khuyến khích con tham gia các sự kiện xã hội, những buổi đến nhà bạn ngủ cùng, những buổi tiệc, chơi thể thao hoặc những hoạt động tương tự thế trong khi vẫn để ý trông chừng ranh giới an toàn và là một huấn luyện viên có hiểu biết về kỹ năng sống an toàn về cảm xúc.
Trong những cuộc chuyện trò và bằng những hành động làm gương trong tình bạn, bạn giúp trẻ biết cần phải làm gì để kết bạn và duy trì tình bạn. Đây không phải là kỹ năng tự nhiên mà có, bởi thế cha mẹ phải trở thành người thầy đầu tiên của con.
Tiến sĩ John Gottman đã nhận ra rằng trẻ nào chứng kiến cha mẹ có hành vi thiếu tôn trọng, coi thường, trẻ đó cũng có hành vi tương tự trong lúc cố kết bạn và thường nỗ lực này sẽ không thành công. Khi có những bình luận chỉ trích, gièm pha, mỉa mai và/hoặc sỉ nhục của người cha/người mẹ ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới nhắm vào con thì bạn phải can thiệp.
Điều này rất quan trọng với sức khỏe tinh thần của trẻ. Hãy khuyến khích trẻ mạnh dạn bắt chuyện với trẻ khác cũng như với người lớn khác. Hãy cung cấp cho con vốn ngôn ngữ để sử dụng khi xin lỗi. Hãy động viên trẻ chia sẻ và giúp đỡ người khác.
Margalis Fjelstad & Jean McBride/ Thái Hà Books & NXB Công thương