Tám thành viên OPEC+ nhóm họp, dự kiến tiếp tục tăng sản lượng dầu. OPEC + đang tăng sản lượng dầu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Energy New Beat)
Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, tổng cộng 23 quốc gia, bắt đầu cắt giảm sản lượng từ năm 2022 nhằm hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ, tám nước trong liên minh, đứng đầu là Saudi Arabia, đã thông báo tăng mạnh sản lượng từ tháng 5, khiến giá dầu lao dốc.
Hiện giá dầu đang dao động ở mức thấp, khoảng 65-70 USD/thùng.
Đại diện của Saudi Arabia, Nga, Iraq, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman sẽ tham dự cuộc họp ngày 6/7, dự kiến tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Giới phân tích dự đoán, nhóm tám nước tự nguyện, còn gọi là "V8", sẽ thống nhất tăng thêm 411.000 thùng/ngày — mức tăng đã được áp dụng cho các tháng 5, 6 và 7.
Ông Ole Hansen, chuyên gia phân tích của Ngân hàng Saxo, nhận định: "Nhóm này hiện đang ưu tiên giành lại thị phần, thay vì ổn định giá dầu".
Theo ông Giovanni Staunovo, chuyên gia của UBS, OPEC+ có thể viện dẫn lý do tồn kho thấp và nhu cầu vững chắc để đẩy nhanh việc gỡ bỏ cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, việc một số nước OPEC như Kazakhstan và Iraq không tuân thủ hạn ngạch sản lượng cũng là yếu tố khiến liên minh quyết định tăng sản lượng.
Với việc phê duyệt tăng thêm sản lượng, Saudi Arabia có thể gây áp lực lên các nước không tuân thủ thỏa thuận bằng cách làm giảm lợi nhuận từ dầu do giá sụt giảm.
Ông Jorge Leon, chuyên gia tại Rystad Energy, ước tính, mức tăng sản lượng 411.000 thùng/ngày trên thực tế chỉ tương đương khoảng 250.000 đến 300.000 thùng.
Bloomberg ước tính, sản lượng dầu của liên minh này trong tháng 5 chỉ tăng khoảng 200.000 thùng/ngày, dù hạn ngạch khi đó đã được nâng gấp đôi.
Giới phân tích nhận định, giá dầu hiện nay sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi quyết định sắp tới, do thị trường đã dự báo trước khả năng OPEC+ tăng sản lượng.
Cuộc họp lần này diễn ra sau căng thẳng kéo dài 12 ngày giữa Iran và Israel, từng đẩy giá dầu vượt 80 USD/thùng trong bối cảnh lo ngại nguy cơ đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển gần 1/5 nguồn cung dầu toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Staunovo cho rằng, khi lo ngại về xung đột lan rộng tại Trung Đông đã giảm bớt và nguồn cung không bị gián đoạn, cuộc xung đột trên "khó có khả năng tác động tới quyết định của liên minh".
Ông Hansen cũng nhận định, nếu có, căng thẳng tại Trung Đông chỉ càng khiến OPEC+ muốn tăng nhanh sản lượng hơn, phòng trường hợp Iran gặp khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu dầu.
(theo AFP)
Hạ Nhi