Tâm thế và nội lực cho bộ máy mới

Tâm thế và nội lực cho bộ máy mới
8 giờ trướcBài gốc
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 23 và 24/1), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến và thông qua nội dung tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Việc sắp xếp, củng cố lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bài viết “Rạng rỡ Việt Nam”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã khẳng định quyết tâm củng cố tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo; công tác trọng tâm trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới là xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chỉ đạo quyết liệt và triển khai “thực hiện đúng tiến độ, không thể chậm trễ, không chờ Trung ương”, theo tinh thần “các cơ quan Đảng gương mẫu làm trước”. Theo kế hoạch, sau khi sắp xếp, tinh gọn, các bộ, ngành sẽ chính thức hoạt động theo tổ chức bộ máy mới từ ngày 1/3/2025.
Để bộ máy mới của các cơ quan, đơn vị có thể vận hành ngay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025. Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phải bảo đảm tiến độ các công việc liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy theo kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; không để hoạt động các bộ, cơ quan và UBND các địa phương bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, nhất là các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan khác.
Bên cạnh đó, theo dõi sát sao để kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình hợp nhất, sáp nhập các cơ quan; gắn việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và đổi mới cách thức tổ chức công việc.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng vừa ký ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/2/2025. Theo đó, việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thực hiện trên nguyên tắc: Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Đây là những định hướng, chỉ đạo rất kịp thời để bộ máy mới của các bộ, ngành có thể hoạt động theo kế hoạch đã đề ra. Nhưng việc sắp xếp, tổ chức bộ máy mới chỉ là bước đầu, bởi đích đi tới của “cuộc cách mạng” sắp xếp, tổ chức là hướng tới có một bộ máy mới hoàn chỉnh hơn, với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là với những cán bộ là “công bộc của dân” phải đạt được kỳ vọng như đã đặt ra là “tinh - gọn - mạnh” và hoạt động “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Quan trọng hơn nữa, việc sắp xếp đó chính là làm sao để bộ máy vận hành có thể phục vụ tốt nhất cho nhân dân, cho đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là việc không hề dễ dàng, bởi việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy “động chạm” trực tiếp đến nhiều cá nhân, đơn vị, tập thể; mà nếu như mỗi cá nhân, đơn vị, tổ chức không đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trước nhất thì khó có thể thực hiện được.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương cùng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, phân công, bổ nhiệm Trưởng ban và các phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Để có được điều này, rõ ràng không chỉ “hô hào” hay “quyết tâm trên giấy” mà cần có hành động cụ thể của những người thực thi công vụ. Bởi trong một guồng máy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một “mắt xích” thì bản thân mỗi người cần có tâm thế và nội lực mới để bộ máy có thể gắn kết chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ, từ đó đảm đảm bảo cho cỗ máy có thể vận hành tốt.
Trong đó, phát huy nội lực là sở trường, thế mạnh công tác; không ngại thay đổi, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sự phân công của tổ chức, đơn vị, làm những công việc mà đơn vị, tổ chức cần. Mỗi cá nhân, nhất là với cán bộ, đảng viên chuẩn bị sẵn tâm thế thực hiện nhiệm vụ mới trên tinh thần tự nguyện, gương mẫu đi đầu, thậm chí sẵn sàng chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân vì việc chung.
Thực tế, trong “cuộc cách mạng” tổ chức, sắp xếp lại bộ máy đã có hàng trăm cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động tự nguyện xin nghỉ hưu sớm hoặc chấp nhận vị trí thấp hơn hay chuyển công tác, để việc sắp xếp được thuận lợi. Gần đây nhất, khi hợp nhất Bộ Nội vụ với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có trên 180 người xin nghỉ hưu sớm và nghỉ thôi việc (riêng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ là trên 110 người), trong đó có cả những người đang giữ vị trí vụ trưởng, vụ phó, phó cục trưởng còn thời gian công tác từ 4 đến 5 năm… Tại các địa phương, qua tổng hợp sơ bộ: Công an Hà Nội có 59 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy xin nghỉ hưu trước tuổi; tỉnh Thanh Hóa có trên 40 người (tính đến giữa tháng 1/2025-PV); Vĩnh Phúc gần 300 người. Tại Quảng Ngãi, tính đến ngày 5/2, có 256 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của 36 cơ quan, đơn vị đăng ký xin nghỉ hưu trước tuổi, trong đó có 21 cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tại Quảng Bình, cán bộ chủ chốt thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình quản lý có 12 cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi, riêng tại huyện Minh Hóa có 15 cán bộ, công chức đăng ký nghỉ công tác. Ngày 17/2, Công an tỉnh Nam Định tổ chức Lễ Công bố quyết định nghỉ công tác đối với 13 cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi… Đây là những tấm gương cần được nhân rộng!
Trao quyết định và Kỷ niệm chương cho các cán bộ công an Nam Định xung phong nghỉ hưu trước tuổi. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN
Thực tế đặt ra, yêu cầu đối với các bộ, ngành được thành lập và sắp xếp chuẩn bị đi vào hoạt động cũng rất cụ thể, theo đó phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, không để gián đoạn công việc, không để trống địa bàn, lĩnh vực. Sau sắp xếp, tinh gọn, bộ máy mới và nhân sự phải được “nâng tầm”, “chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn”. Việc sắp xếp lại bộ máy phải tối ưu hóa chức năng, tránh chồng chéo nhiệm vụ, từ đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Đặc biệt, việc rà soát, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm; bảo đảm lựa chọn đúng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực và trách nhiệm cao trong tổ chức, sắp xếp sẽ có vai trò quyết định sự vận hành của bộ máy. Nhưng việc rà soát, bố trí cán bộ cũng không chỉ đơn thuần “lựa chọn ra” từ guồng máy cũ, mà cũng cần sớm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ theo tình hình mới và mô hình tổ chức bộ máy mới. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong khi vận hành “guồng máy mới” cần ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình khi thực hiện nhiệm vụ. Hơn bao giờ hết, mỗi cá nhân cần đổi mới tư duy, quyết tâm và nỗ lực hơn vì mục tiêu chung.
Xuân Phong/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/goc-nhin/tam-the-va-noi-luc-cho-bo-may-moi-20250223094036831.htm