Bởi tháng 11 có rất nhiều ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa như ngày 10/11 là ngày Khoa học thế giới vì Hòa bình và Phát triển, ngày 16/11 là ngày Khoan dung Quốc tế, ngày 19/11 là ngày Quốc tế Nam giới, ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 25/11 là ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ…
Trong bài viết này tôi có đôi điều tâm tư về ngày Khoan dung Quốc tế và ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là hai ngày kỷ niệm vừa mang cái chung vừa mang cái riêng nhưng có sự kết nối mật thiết với nhau góp phần thúc đẩy sự rèn luyện phẩm chất đạo đức của một nhà mô phạm.
Thầy Nguyễn Minh Thanh - giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Lựu, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Ngày Khoan dung Quốc tế (hay còn gọi là ngày Quốc tế khoan dung) được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tuyên bố vào ngày 16/11/1995 nhằm tạo ra nhận thức cộng đồng về những nguy cơ của việc không khoan dung.
Ngày 20/11 từ lâu được xem là ngày "tôn sư trọng đạo" nhằm tôn vinh "những người đưa đò thầm lặng" của bao thế hệ. Đây cũng là dịp để học trò bày tỏ lòng biết ơn đến thầy cô của mình bằng những bó hoa hay những lá thư mang lời hay ý đẹp.
Trước thềm 20 tháng 11 tôi "xin được tâm tư" về sự khoan dung và đạo đức của người thầy. Vì đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp "trồng người". Tuy nhiên, xã hội đang băn khoăn, lo lắng trước hiện tượng một bộ phận thầy, cô giáo tha hóa về đạo đức, nhân cách, gây dư luận không tốt trong nhân dân và ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của phụ huynh và học sinh là do thiếu khoan dung.
Năm học 2024-2025 hoạt động dạy - học chưa được 1/4 chặng đường nhưng qua báo chí và mạng xã hội cho thấy, bên cạnh những nhà giáo ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người", hun đúc nên sự vẻ vang của nền giáo dục nước nhà, thì xã hội cũng băn khoăn, lo lắng trước một bộ phận thầy, cô giáo tha hóa về đạo đức, nhân cách và mang trong mình căn bệnh cố hữu có tên 'bệnh thành tích'
Theo đó, một bộ phận thầy, cô giáo chạy theo đồng tiền, tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, làm hình ảnh của mình xấu dần trong mắt học trò. Đau lòng hơn, còn có những thầy, cô lợi dụng uy tín của nhà giáo để xâm hại học sinh, thương mại hóa các hoạt động giáo dục, thậm chí có những hành động bạo lực, nhục hình xúc phạm nhân cách, danh dự học sinh,…
Gần đây nhất, có những cán bộ quản lý và nhà giáo vì lòng tham cá nhân đã bị khởi tố bắt giam rất đau lòng. Càng chua xót hơn nữa khi qua báo chí được biết lãnh đạo trường cắt xén bữa ăn của học trò, đến giáo viên xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua laptop hay việc lạm thu trong nhà trường vào đầu mỗi năm học...
Càng ngẫm nghĩ càng thêm đau xót cho ngành giáo dục vốn từ lâu đời được xem là "thanh cao". Tuy vậy, theo chiều hướng tích cực thì phải nhìn nhận rằng, đó chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh". Vì vậy, tất yếu ngành giáo dục đã loại hẳn và xử lý thích đáng những "con sâu" ấy ra khỏi nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý".
Còn một điều trăn trở nữa là hiện nay vẫn còn nhiều thầy cô giáo nhận thức chưa đúng về mạng xã hội nên mỗi khi "chưa hài lòng" về đồng nghiệp của mình thì lên trang cá nhân viết những dòng suy nghĩ cạnh khóe nhau, thậm chí dùng những từ ngữ trái với nhà mô phạm, thậm chí vẫn có hiện tượng nhà giáo vi phạm Luật an ninh mạng…
Nhiều thầy cô có lẽ suy nghĩ đơn giản là bộc bạch quan điểm, cảm xúc trên trang cá nhân của mình mà quên rằng, ở đó có những đồng nghiệp khác, có cả phụ huynh và nhiều học sinh có thể đang dõi theo. Họ sẽ đánh giá gì khi chúng ta đang là một nhà mô phạm mà lại đăng những dòng trạng thái tiêu cực ấy? Liệu những dòng cảm xúc tiêu cực ấy khi bị chụp hình, chia sẻ, những dòng bình luận tiêu cực ấy được lan truyền sẽ ảnh hưởng ra sao...?
Tôi thiết nghĩ "tấm gương mờ" này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của thầy, cô giáo, mà còn tác động xấu tới nhận thức của học sinh, niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung. Hơn nữa, những "tấm gương mờ" này sẽ để lại những tai tiếng không tốt, gây bức xúc trong người học, nhà trường và dư luận xã hội.
Một tiết học tại thư viện của học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Lựu.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam rất mong mỗi thầy cô giáo luôn xứng đáng là tấm gương sáng về nhân cách và đạo đức để học sinh noi theo và mãi mãi giữ vững cái tâm "trong sáng" đầy bao dung.
Nhìn lại nền tiến trình của nền giáo dục từ xưa đến nay, những người thầy vẫn có quyền tự hào về một nghề cao quý. Giáo dục cổ xưa người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy những lễ nghi, phép tắc, đạo đức, dạy cách làm người theo chuẩn mực khắt khe của xã hội. Giáo dục ngày nay, người thầy dạy trò bằng trách nhiệm, bằng cả tình thương, sự gần gũi và quan tâm như mẹ cha thương con, thực sự mong muốn cho học trò đỗ đạt cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng "Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Hoạt động dạy học được tiến hành bằng nhiều phương thức, trong đó có một phương thức rất đặc biệt là lấy nhân cách tác động đến nhân cách, dùng nhân cách người thầy để cảm hóa học trò. Do vậy, nhà giáo phải là tấm gương mẫu mực, luôn nêu gương về đạo đức để những giá trị tốt đẹp của người thầy được nhân lên trở thành phổ biến ở người học.
Mỗi thầy, cô giáo luôn nhớ rằng ta đang mang "sứ mệnh" lớn lao mà xã hội tin tưởng giao phó cho "sự nghiệp vĩ đại - sự nghiệp trồng người" sẽ không có những vụ việc đáng tiếc, đáng xấu hổ của một bộ phận người đang khoác trên mình "bộ áo" một nhà mô phạm.
Vì vậy, nếu mỗi thầy cô giáo đề cao sự khoan dung, đề cao tính phối hợp cùng đồng nghiệp để giải quyết các tình huống sư phạm sao cho êm đẹp nhất. Mỗi thầy cô giáo hãy đặt sự khoan dung "hiện diện" trong lòng để giáo dục học sinh khi các em có vi phạm hoặc những bất đồng quan điểm cùng đồng nghiệp.
Hãy lấy sự khoan dung và"bỏ quên" cái tôi cá nhân ở nhà. Bởi ai cũng đều biết "nhân vô thập toàn". Thầy cô giáo hãy bình tâm và luôn nhớ xung quanh những ai đang làm nghề "trồng người" không chỉ có quy định trong văn bản giấy tờ mà còn là tình cảm, sự ứng xử giữa con người trong xã hội với nhau.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!
Nguyễn Minh Thanh