Tầm vóc 30/4: Từ thắng lợi vĩ đại 50 năm trước đến tiềm lực vững chắc bước vào kỷ nguyên mới

Tầm vóc 30/4: Từ thắng lợi vĩ đại 50 năm trước đến tiềm lực vững chắc bước vào kỷ nguyên mới
9 giờ trướcBài gốc
LTS: Sau 55 ngày đêm tiến quân “thần tốc” với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc vẻ vang sự nghiệp đấu tranh thống nhất non sông.
Đó là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, dũng cảm, đầy mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam cho mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Thắng lợi vĩ đại này kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975), mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới - xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.
Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn thắng lợi của cuộc kháng chiến, là ý chí bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc và thống nhất non sông, là niềm tin bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Đó còn là bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tá, TS Lê Thanh Bài - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam.
Để giữ vẹn tròn non sông gấm vóc, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với 21 cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, đánh bại nhiều thế lực hung hãn hòng áp đặt ách đô hộ lên đất nước ta. Và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất trong cuộc đấu tranh giữ nước đầy gian lao, thử thách, hy sinh.
Nhận định về thắng lợi lớn lao đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IV khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” [1].
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. Ảnh: Quang Thành/TTXVN
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất [2], ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ở tầm quốc tế, đây cũng là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Quân và dân Việt Nam phải đương đầu với quân xâm lược Mỹ - một siêu cường về kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược nằm trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của Mỹ. Mỹ muốn chứng tỏ với thế giới rằng với lực lượng quân sự và kinh tế khổng lồ sẽ khuất phục được nhân dân Việt Nam, đè bẹp phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam trở thành nơi thử thách sức mạnh và uy tín của đế quốc Mỹ.
Là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, dân số Việt Nam chỉ bằng 1/6 nước Mỹ (30 triệu/200 triệu dân), giá trị tổng sản phẩm hằng năm (của miền Bắc) chỉ bằng 1/1.000 của nước Mỹ.
Tương quan về quân sự giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là trong những năm đầu chiến tranh hết sức chênh lệch: lực lượng vũ trang tập trung của ta ít hơn đối phương nhiều lần, lại yếu hơn về trang bị vật chất - kỹ thuật, đặc biệt về vũ khí. Trong khi đó, Mỹ là nước tư bản hùng mạnh nhất thế giới, cả về kinh tế và quân sự [3].
Trong thời gian gây chiến ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã đưa những nhà chính trị được coi là lỗi lạc, những tướng lĩnh được xếp vào hạng tài ba, những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm để điều hành cuộc chiến tranh đầy tham vọng này. Và trong cả cuộc chiến tranh, đế quốc Mỹ đã huy động tới 6.600.000 lượt binh sĩ thay phiên nhau tham chiến, ném xuống chiến trường Đông Dương 7,8 triệu tấn bom, gấp hơn 3 lần số bom Mỹ sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai (2,1 triệu tấn); tiêu tốn 676 tỷ USD (trong khi cuộc chiến tranh Triều Tiên thì Mỹ chỉ tiêu tốn 54 tỷ USD, chiến tranh thế giới thứ hai cũng chỉ là 341 tỷ USD).
Chính quyền Mỹ đã huy động tới 22.000 xí nghiệp với gần 6 triệu công nhân công nghiệp, hơn 1/3 số nhà khoa học và 260 trường đại học tham gia vào việc nghiên cứu chiến lược chiến tranh, chế tạo, sản xuất các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh để phục vụ cho tác chiến trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương [4]. Chiến trường Việt Nam đã trở thành nơi thử nghiệm các loại hình chiến tranh trong chiến lược toàn cầu, đồng thời cũng là nơi thử nghiệm các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, các thành tựu khoa học kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến tới Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN
Suốt 21 năm (1954-1975), 5 đời tổng thống Mỹ đã kế tiếp nhau vạch kế hoạch nhằm thực hiện mưu đồ "tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ” [5]. Đây là một thử thách cam go, quyết liệt chưa từng có đối với dân tộc Việt Nam. Để giữ được độc lập cho dân tộc, thống nhất cho non sông, đòi hỏi Đảng và toàn thể nhân dân ta phải có quyết tâm rất cao, có bản lĩnh vững vàng, có trí thông minh, tài sáng tạo, có khoa học và nghệ thuật quân sự phát triển vượt bậc mới có thể chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Đảng đã đề ra đường lối đúng đắn. Đó là giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đường lối đó là sự kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước, đáp ứng được đòi hỏi bức xúc của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, bảo vệ vững chắc miền Bắc. Đường lối này cũng vừa giữ vững hòa bình thế giới, vừa tranh thủ được sự đồng tình của dư luận thế giới, sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, trước hết là Liên Xô, Trung Quốc,...
Đảng cũng đề ra phương pháp cách mạng miền Nam là: sử dụng bạo lực cách mạng với 2 lực lượng (chính trị và quân sự); tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn và từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; đánh địch trên cả 3 vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị); đánh địch bằng 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận); kết hợp 3 thứ quân, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, đồng thời biết tạo thời cơ và nắm vững thời cơ mở những trận tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện tổng tiến công và nổi dậy đè bẹp quân địch để giành thắng lợi cuối cùng.
Tất cả những hình thức, phương pháp đấu tranh nói trên là một thể thống nhất, có quan hệ hữu cơ với nhau, tạo nên chiến lược tổng hợp và nghệ thuật quân sự của chiến tranh cách mạng Việt Nam. Đường lối chính trị, quân sự, phương pháp tiến hành cách mạng và chiến tranh cách mạng nói trên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cực kỳ to lớn để nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, nêu cao quyết tâm chiến đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia với niềm tin tất thắng.
Cả nước cùng ra trận, lấy sức mạnh của cả dân tộc kiên cường, sáng tạo trong chiến đấu để chống lại sức mạnh đạn bom, công nghệ của Hoa Kỳ. Buộc Mỹ - từ chủ động vạch kế hoạch chiến lược, chủ động áp đặt cách đánh, chủ động gây ra chiến tranh và “leo thang” chiến tranh tới mức cao nhất - dần rơi vào thế bị động toàn diện: bị động về chiến lược bị động chiến trường, bị động về chiến dịch và cách đánh, bị động giữa phân tán và tập trung, giữa tiến công tìm diệt và phòng ngự...
Ngược lại, thực hiện phương châm “lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu chống mạnh”, quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng giành lấy những thắng lợi quyết định. Mỹ và chính quyền Sài Gòn càng đánh càng bị động, suy yếu và cuối cùng phải chịu thua.
Suốt 21 năm kiên cường đánh Mỹ, lớp lớp “con Hồng cháu Lạc” nối tiếp nhau ra trận. Gần 2 triệu tấn vật chất các loại, hàng triệu lượt người của hậu phương miền Bắc được vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam chiến đấu, chiến thắng quân thù.
Trong gian lao đạn lửa, chúng ta đã sáng tạo nên những cách đánh độc đáo, giành thắng lợi trước những chiến thuật tân kỳ như “trực thăng vận, thiết xa vận” của địch. Phương châm “bám lấy thắt lưng Mỹ mà đánh” đã hạn chế được sức mạnh của quân đội Mỹ. Chúng ta táo bạo mở cuộc tổng tiến công vào các thành phố, đô thị, căn cứ quân sự trên toàn chiến trường miền Nam trong Mậu Thân 1968, khiến giới chóp bu của Mỹ choáng váng, nhụt ý chí chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Xác máy bay B52 rơi ở đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu
Đó là thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, là sự kiên cường, dũng cảm, thông minh và sáng tạo, bắn rơi pháo đài bay B52, lập nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội. Thắng lợi này đã đánh bại nỗ lực cuối cùng của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân về nước.
Đến mùa xuân 1975, quân và dân ta thực hiện đòn Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, “kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta” [6]. Đây là thất bại đầu tiên, “nghiêm trọng nhất trong toàn bộ lịch sử gần 200 năm của nước Mỹ” [7].
Để có ngày chiến thắng, 849.018 liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc [8], 300.000 người mất tích, 2.000.000 người, dân bị địch giết hại, 2.000.000 người khác bị tàn tật, 2.000.000 người bị nhiễm chất độc da cam [9]. “Một mức hy sinh vô cùng lớn lao nhưng cần thiết để giành trọn vẹn lại đất nước Việt Nam và hòa bình lâu bền cho dân tộc” [10], để “Tổ quốc vinh quang của chúng ta từ nay vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của nước ngoài, vĩnh viễn thoát khỏi họa chia cắt..., non sông gấm vóc Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau…, hoàn toàn độc lập, tự do và vĩnh viễn độc lập, tự do” [11], mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc - kỷ nguyên cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Do vậy, thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam; là kết quả của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được hun đúc, bồi đắp trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước; là kết quả của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là sự chiến đấu hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thành quả lớn lao đó là tiền đề vững chắc cho dân tộc Việt Nam vượt qua khó khăn thử thách, tiến hành thành công công cuộc Đổi mới, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực vững chắc bước vào kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu; bảo đảm mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”[12].
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, tập 37, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.471
[2] Khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống Minh (1418-1427); Ba lần chống quân Mông Nguyên diễn ra vào các năm 1258, 1285, 1287-88, Kháng chiến chống Tống 2 lần 981, (1075-1077), kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)...
[3] Ở thời điểm năm 1955, Mỹ đã lập được 1.400 căn cứ quân sự ở 31 quốc gia trên thế giới, trong đó có 275 căn cứ dùng cho máy bay chiến lược ném bom nguyên tử. Năm 1960, Mỹ có lực lượng quân đội lên tới 2,5 triệu quân với 104 liên đội ném bom hạng trung, gần 40 liên đội ném bom hạng nặng, 400 máy bay B52, 1.400 máy bay B57, 110 tàu ngầm trong đó có 32 chiếc được trang bị tên lửa chiến lược thế hệ mới…
[4] Xem Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.310-319
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, tập 37, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.478
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.204
[7] Báo Le Figaro (Pháp), ngày 3/5/1975
[8] Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh
[9] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội 2013, tr.68
[10] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Tập 2, 1954-1975, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.1067
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.205
[12] Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Rạng rỡ Việt Nam - Báo điện tử Chính phủ
Đại tá, TS Lê Thanh Bài
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/tam-voc-30-4-thang-loi-vi-dai-50-nam-truoc-den-tiem-luc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-2391729.html