Tận dụng khủng hoảng để cải cách nội tại và thay đổi tư duy xuất khẩu

Tận dụng khủng hoảng để cải cách nội tại và thay đổi tư duy xuất khẩu
2 ngày trướcBài gốc
Tại cuộc tọa đàm online “Mỹ áp thuế 46% - Góc nhìn chuyên gia” do Viện Doanh trí tổ chức tối 6/4, các chuyên gia đều nhận định với mức thuế quan 46% mà Mỹ tuyên bố áp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chi phí sản xuất và giá các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ tăng đáng kể. Điều này có thể khiến sản phẩm Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn so với các sản phẩm từ các quốc gia không bị áp thuế cao. Nhiều doanh nghiệp có thể mất thị phần tại thị trường Mỹ - một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Điều này tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đẩy họ vào tình thế khó khăn khi phải tìm kiếm thị trường thay thế.
Doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đổi mới công nghệ sản xuất
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, cộng thêm giá hàng xuất khẩu tăng lên do thuế quan, sẽ làm gia tăng áp lực tài chính cho các doanh nghiệp, đồng thời làm giảm hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Trước tình thế đó, ông Nguyễn Tất Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương chỉ ra, thị trường nội địa với 100 triệu dân là cứu cánh lúc khó khăn này. Các doanh nghiệp có thể chuyển hướng phát triển và chú trọng vào việc cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước. Nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao và các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Xa hơn, các chuyên gia khuyến nghị để duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thuế quan tăng cao, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đổi mới công nghệ sản xuất. Việc cải tiến chất lượng sẽ giúp sản phẩm không chỉ tồn tại trên thị trường mà còn gia tăng giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng cả trong nước và quốc tế. Đổi mới sáng tạo không chỉ là sự cần thiết mà còn là yếu tố quyết định trong việc tạo dựng thương hiệu mạnh.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ mới và tự động hóa sản xuất là một cách thức giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc đầu tư vào công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn mở ra cơ hội phát triển lâu dài cho các doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - VINACAS, ông Bạch Khánh Nhựt nhận định rằng mặc dù mức thuế mới sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hạt điều sang Mỹ, nhưng đây cũng là cơ hội để ngành điều chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông.
Trong giải pháp tình thế, ngoài Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng các cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khác. Những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với Liên minh Châu Âu (EVFTA), các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (CPTPP) và các quốc gia trong khu vực ASEAN sẽ là những cơ hội quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, giảm thiểu tác động của thuế quan từ Mỹ.
Sâu xa hơn, ông Nguyễn Tất Thịnh khuyến nghị nhìn nhận vấn đề thuế quan từ góc độ chiến lược và phát triển dài hạn. Từ thực tế hàng Việt Nam tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu cao, ông cho rằng đây là thời điểm Việt Nam cần soi lại chính mình, tận dụng khủng hoảng để cải cách nội tại, tăng giá trị nội địa, mở rộng thị trường nội địa và thay đổi tư duy xuất khẩu.
“Đây là "nỗi đau cần thiết để lớn lên", để không chỉ đối phó với Mỹ mà thực sự vươn lên bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông nói.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vốn của Viện Khoa học quản trị thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam cần có các diễn đàn để chuyên gia hướng dẫn doanh nghiệp phải làm gì. Không thể theo giải pháp hạ giá thành để giảm thuế vì sẽ liên quan đến vấn đề chống phá giá.
Các doanh nghiệp và chuyên gia cũng đề xuất phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Hiệp hội sẽ không chỉ là đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, giúp phản ánh những khó khăn và yêu cầu hỗ trợ từ Chính phủ mà cần cùng với Chính phủ thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, từ giảm thuế, miễn thuế cho các ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng cho đến các chương trình hỗ trợ tài chính hoặc tìm kiếm các giải pháp chính sách giúp doanh nghiệp chuyển hướng phát triển sang các thị trường xuất khẩu mới.
Đồng thời, các hiệp hội có thể tạo ra các mạng lưới kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác quốc tế, từ đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, và chia sẻ kinh nghiệm giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời xu hướng thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng một nền văn hóa hợp tác và chia sẻ lợi ích chung.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp giữ vững tinh thần "không bao giờ bỏ cuộc", tìm kiếm giải pháp dài hạn, vững vàng vượt khó khăn.
Như Mây
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/tan-dung-khung-hoang-de-cai-cach-noi-tai-va-thay-doi-tu-duy-xuat-khau-162378.html