Tân Giáo hoàng Leo XIV có bài giảng đầu tiên tại Nhà nguyện Sistine

Tân Giáo hoàng Leo XIV có bài giảng đầu tiên tại Nhà nguyện Sistine
7 giờ trướcBài gốc
Tân Giáo hoàng Leo XIV (giữa) vẫy chào tín hữu tập trung đông đảo tại Quảng trường Thánh Peter ngày 8/5. (Ảnh: AFP)
Theo AFP, ngày 9/5, tân Giáo hoàng Leo XIV cho biết ông được bầu làm người đứng đầu 1,4 tỷ tín đồ Công giáo trên thế giới để Giáo hội có thể trở thành ngọn hải đăng ngày càng tỏa sáng trong một thế giới đầy biến động.
Theo hình ảnh được Vatican phát sóng, trong bài giảng đầu tiên của mình tại Nhà nguyện Sistine, ông nói: "Chúa đã gọi tôi thông qua sự lựa chọn của các vị" để trở thành một "người quản lý trung thành" của Giáo hội, để Giáo hội có thể trở thành "con tàu cứu rỗi đi qua dòng chảy lịch sử và là ngọn hải đăng soi sáng những đêm tối của thế giới này."
Ngày 8/5 (theo giờ địa phương), Hồng y người Mỹ Robert Prevost, 69 tuổi, đã được bầu làm tân Giáo hoàng và người đứng đầu Giáo hội Công giáo Roma đã chọn lấy tên là Giáo hoàng Leo XIV.
Giáo hoàng Leo XIV là Giáo hoàng thứ 267, có kinh nghiệm toàn cầu, nhiều năm làm việc tại Peru và Vatican.
Giáo hoàng Leo XIV dự kiến sẽ tiếp tục các cải cách của Giáo hoàng Francis. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ Mỹ.
Tân Giáo hoàng Leo XIV đã ra mắt tại ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo hội Công giáo có Giáo hoàng người Mỹ - một khả năng từng được xem là khó xảy ra trước khi làn khói trắng bay lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine.
Trong nhiều thập kỷ, Vatican luôn tỏ ra dè dặt với ý tưởng một giáo hoàng đến từ Mỹ, quốc gia vốn được xem là siêu cường chính trị và có ảnh hưởng mạnh mẽ về văn hóa cũng như thế tục. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi sau một mật nghị bất ngờ chọn một Hồng y chỉ mới đảm nhiệm chức vụ trong hơn 2 năm làm Giáo hoàng tiếp theo.
Tông hiệu Leo mà vị tân Giáo hoàng lựa chọn từ lâu đã gắn liền với biểu tượng sức mạnh trong thời kỳ khủng hoảng. Triều đại của Giáo hoàng Leo XIV được xem như sự tiếp nối di sản của Giáo hoàng Francis, với trọng tâm đặt vào lòng thương xót, sự hòa nhập và quan tâm đến các vấn đề xã hội.
Dù vậy, Giáo hoàng Leo XIV cũng mang đến một phong cách lãnh đạo mới cùng những quan điểm cải cách riêng biệt.
Dựa vào những phát biểu từ trước đến nay của Giáo hoàng Leo XIV, có thể nhận thấy một số ưu tiên trong triều đại của ông.
Thứ nhất là thúc đẩy hòa bình và hòa giải, khi tân Giáo hoàng nhiều lần kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột toàn cầu, đồng thời thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo và các quốc gia.
Ưu tiên thứ hai của Giáo hoàng Leo XIV là bảo vệ người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Ông nhấn mạnh vai trò của Giáo hội trong việc đồng hành và phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất, đồng thời kêu gọi hành động cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng kinh tế và biến đổi khí hậu.
Thứ ba là cải cách Giáo hội. Giáo hoàng Leo XIV cam kết tiếp tục những nỗ lực cải cách Giáo hội Công giáo, trong đó có việc cải cách Giáo triều Roma và thúc đẩy sự tham gia của giáo dân.
Thứ tư là đối thoại liên tôn. Giáo hoàng Leo XIV coi trọng việc thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các tôn giáo khác nhau.
Giáo hoàng Leo XIV được kính trọng vì sự tận tâm đối với người nghèo và những nhóm yếu thế trong xã hội, cũng như vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy hòa bình và hòa giải./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/tan-giao-hoang-leo-xiv-co-bai-giang-dau-tien-tai-nha-nguyen-sistine-post1037620.vnp