Tân giáo sư duy nhất ngành Tự động hóa 2024: 'Tôi thích nghề dạy học'

Tân giáo sư duy nhất ngành Tự động hóa 2024: 'Tôi thích nghề dạy học'
8 giờ trướcBài gốc
Trò chuyện với tân Giáo sư Hoài Linh, ấn tượng nhất là nụ cười thân thiện, dễ mến. Nói đùa: “GS không bao giờ cáu đâu nhỉ!” Anh Linh cười vui: “Đôi lúc tôi cũng cáu ghê đấy!”.
GS. Trần Hoài Linh cùng bố mẹ và vợ trong ngày nhận Quyết định Công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2024. Ảnh: Dĩnh Khiêm
GS. Trần Hoài Linh sinh năm 1974, vốn là học sinh chuyên Toán A0 Tổng hợp. Năm học lớp 12, anh đạt giải Nhì Olympic Tin học quốc tế. Anh là CSV Khoa Tin học ứng dụng Bách khoa Hà Nội K35.
Năm 1991, anh Linh du học tại Ba Lan ngành Tin học ứng dụng theo diện học bổng. Năm 2003, ba năm sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, anh Linh trở về Bách khoa. Năm 2005, anh bảo vệ thành công luận án TSKH ngành Kỹ thuật Điện tại Ba Lan. Năm 2007, anh là PGS trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 33. GS. Linh đã công bố gần 150 bài báo khoa học, là tác giả chính của gần 20 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín.
Bố của GS. Linh là VS.GS.TSKH.NGND. Trần Đình Long, CSV khóa 1 Bách khoa, gắn cả cuộc đời khoa học của mình với khoa Điện của Nhà trường và là "kiến trúc sư trưởng" công trình đường dây 500 kV đầu tiên tại Việt Nam. Mẹ của anh là CSV Bách khoa khóa 4, công tác tại khoa Điện.
GS. Trần Hoài Linh
Trốn mãi cũng không thoát được… Điện!
- Lý do gì khiến anh quyết định về Bách khoa, làm giảng viên khoa Điện?
- Tôi học tập tại Ba Lan, thực tập ở nhiều nước khác, đi một vòng, thử chỗ này chỗ khác rồi thấy “tạng” mình hợp với Việt Nam, hợp với Bách khoa Hà Nội. Bố mẹ tôi đều là giảng viên nên từ bé tôi đã thích làm một thầy giáo rồi. Và làm thầy giáo Khoa Điện chứ không phải công nghệ thông tin (CNTT) với tôi là cái duyên.
Tôi học CNTT, lúc làm đồ án tốt nghiệp thì GS hướng dẫn bận quá, tôi khó được gặp để học hỏi nên tôi xin sang GS hướng dẫn khác, cũng là một chuyên gia đầu ngành về trí tuệ nhân tạo nhưng lại ở khoa Điện.
Ở Ba Lan, nghiên cứu sinh cũng phải đi dạy nên tôi đã tham gia giảng dạy nhiều môn học không chỉ của CNTT mà còn của Điện và đã yêu thích các môn Điện từ đấy. Khi về công tác tại Bách khoa, tôi có hai lựa chọn: CNTT hoặc Điện. Tôi chọn Khoa Điện vì Khoa cũng đang thiếu giảng viên môn cơ sở, hơn nữa, tôi cũng thích làm việc với thiết bị từ lập trình phần mềm cho tới chế tạo phần cứng. Tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định này. Bố tôi thấy tôi học CNTT, rồi giờ làm giảng viên Điện nên đùa tôi “trốn mãi cũng không được.
- Là một giảng viên, anh hài lòng điều gì nhất ở Bách khoa Hà Nội?
- Nếu tính giảng dạy chính thức, tôi gắn bó với Bách khoa Hà Nội hơn 16 năm và tôi thích môi trường làm việc ở đây, cảm thấy lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt huyết.
Tôi thích nghề dạy học, việc mỗi học kỳ được tiếp xúc các sinh viên mới đem lại cho tôi nhiều cảm hứng. Tôi có thói quen vài năm lại đi công tác ngắn hạn để cập nhật kiến thức và được Nhà trường rất tạo điều kiện.
Tôi hài lòng về “đầu vào” rất tốt của Bách khoa, nhờ vậy, lúc nào tôi cũng được làm việc cùng các sinh viên khá/giỏi. Sinh viên có nhiều cái giỏi lắm nên quan điểm của tôi là mình được làm việc cùng các bạn.
Không chỉ được dạy các sinh viên mới hàng năm, mà do tôi dạy từ các môn cơ sở nên có thể làm việc với các bạn sinh viên từ 3 đến 4 năm; nếu bạn nào học thạc sĩ, tiến sĩ thì có thể làm việc chung đến gần 10 năm.
Một số cuốn sách được GS. Trần Hoài Linh biên soạn phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên
“Hướng dẫn thành công NCS là công trình nghiên cứu thực tế nhất”
- Nhìn lại những gì đã nghiên cứu, anh tâm đắc nhất với công trình nghiên cứu nào?
- Tôi hay quan tâm tới tương lai hơn nên các kết quả đã đạt được nói chung tôi đều tâm đắc. Nhưng có lẽ tôi thích nhất là hướng dẫn thành công các NCS - những tiến sĩ, nhà nghiên cứu sẽ giúp ích được nhiều cho đơn vị, cho địa phương họ công tác.
Tôi cho rằng đó là những công trình thực tế nhất. Tôi học được nhiều điều mới từ các luận án của NCS và thấy vui khi có thể đồng hành với các bạn.
- Vậy điều mới nhất anh đang quan tâm nghiên cứu là gì?
- Ở phòng thí nghiệm CTI Lab4EV, hướng nghiên cứu mới nhất của tôi là Lưới điện thông minh và các thiết bị thông minh. Ví dụ như các vấn đề về điều khiển tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện kinh điển. Đây cũng là bài toán thế giới đang nghiên cứu để tích hợp một cái “nhanh” vào hệ thống đang vận hành “chậm”.
Một mảng chính nữa của PTN là nghiên cứu về các vấn đề điều khiển và quản lý năng lượng cho xe điện. Đây cũng là một mảng rất thú vị. Ngoài ra, nếu tìm hiểu thêm cái gì mới mà thấy đủ sức thì tôi sẽ làm.
- Trong một năm học, ngày nào anh thấy vui nhất?
- Có lẽ vui nhất là ngày các sinh viên, học viên và NCS bảo vệ. Sinh viên thì tôi được dự nhiều, nhưng tôi lại hay bị vắng mặt các buổi bảo vệ của NCS do đi công tác. Tôi nghĩ, ngày đặc biệt hơn là các NCS bảo vệ vì đạt học vị tiến sĩ ở ĐHBK Hà Nội là một điều vinh dự, tự hào lắm.
- Anh chia sẻ mình không hay nhìn lại quá khứ. Vậy có lẽ anh hiếm khi phải nói: Giá như, biết thế…?
- Chắc chắn tôi đâu đó cũng có nhiều khiếm khuyết, có thể làm được tốt hơn. Nhưng nhìn tổng thể về các kết quả đã đạt được thì tôi thấy rất ổn. Vậy nên tôi cũng chưa có điều gì để tiếc nuối cả.
GS. Trần Hoài Linh (thứ hai, từ trái sang) cùng các đồng nghiệp và đối tác
“Trong công việc, tôi luôn quyết tâm làm tốt nhất có thể”
- Nhìn lại hành trình đạt học hàm giáo sư, cá nhân anh có thấy áp lực, vất vả gì không?
- Vất vả nhất là làm hồ sơ, giấy tờ! Khoản này tôi kém lắm. Mà tôi cũng không quá áp lực đâu. Với tôi, đăng ký xét học hàm cũng là một cách để nhờ các hội đồng đánh giá giúp xem mình có đang đi đúng hướng và các công việc có chất lượng hay không. Thế nên nếu năm nay không được thì khi nào hoàn thiện thêm hồ sơ tôi lại đăng ký tiếp. Mà giờ đang thấy ngại đây, Gọi GS. Linh là tôi thấy mình cứ già già thế nào ấy! (cười)
- Anh nghĩ gì về 4 giá trị cốt lõi của người Bách khoa: Trách nhiệm - Sáng tạo - Chính trực - Xuất sắc?
- Ba giá trị đầu là mục tiêu tôi phấn đấu. Còn Xuất sắc - tôi nghĩ phải toàn diện, hoàn hảo lắm mới đạt được nên không dám đặt làm mục tiêu, thay vào đó trong công việc tôi luôn cố gắng làm tốt nhất có thể, trong khuôn khổ cho phép.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Gia Hân
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tan-giao-su-duy-nhat-nganh-tu-dong-hoa-2024-toi-thich-nghe-day-hoc-post403399.html