Khi không còn sợ hãi, là khi chúng ta đã đạt được sự vững vàng trong nội tâm. Tâm không cuống cuồng chạy theo cảm xúc lo lắng, hốt hoảng in như những cuộn sóng dập dồn. Nhiều khi, tâm ta rất "ồn ào" bởi những đối thoại nội tâm không thể kiểm soát. Chúng ta phải tập lắng nghe hết - như Bồ-tát Quán Thế Âm lắng nghe tiếng kêu thống khổ của chúng sanh.
Khi lắng nghe được nội tâm mình, ta dễ dàng lắng nghe được người khác, nghe được hạnh phúc, nghe ra nỗi đau của họ. Lúc đó chính ta ngỡ ngàng vì nhận ra ai cũng có những nỗi đau - đâu phải chỉ ta mới đau, mới khổ như trước đây ta nghĩ! Nghe được nỗi đau của người khác rồi, chúng ta có nhiều cơ hội để giúp đỡ, cảm thông - tức ta có cơ hội để học làm Bồ-tát Quán Âm!
Khi lắng nghe được nội tâm mình, ta dễ dàng lắng nghe được người khác, nghe được hạnh phúc, nghe ra nỗi đau của họ.
Bồ-tát nhiều khi không cần thuyết giảng, chỉ cần im lặng. Im lặng ngồi bên người, im lặng lắng nghe người thổ lộ, hay lắng nghe người khóc.
Nói đúng lúc là cao quý, nhưng im lặng đúng lúc còn cao quý hơn!
Nhiều người chỉ thích nói chứ không thích nghe. Họ không thích làm Bồ-tát Quán Âm. Có khi họ tìm đến người khác để nhờ tư vấn, nhưng người ta chưa kịp nói thì họ đã giành nói hết, làm mất đi cơ hội được học hỏi, lắng nghe.
Sự im lặng cao quý (noble silence), do đó, chính là hạnh - hạnh của Phật, của Bồ-tát, phải tu mới được chứ không phải tự dưng mà có!
Quảng Kiến/Báo Giác Ngộ