Huyện Tân Sơn hiện có 164 người có uy tín là những già làng, trưởng bản, nhân sỹ trí thức, doanh nhân, thanh niên, những gương điển hình tiên tiến người DTTS. Họ đã thực sự phát huy vai trò của mình ở khu dân cư, thôn bản, dòng tộc và cộng đồng. Với sự am hiểu văn hóa, phong tục tập quán địa phương, người có uy tín luôn đi đầu tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu được tầm quan trọng của các giá trị văn hóa và tham gia giữ gìn, bảo tồn, tôn trọng, tôn tạo các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Người có uy tín đã tích cực tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các quy ước, hương ước cộng đồng, thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ các tục lệ lạc hậu, mê tín, dị đoan trong vùng đồng bào dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Đến nay, một số tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc giảm đáng kể, người dân đã chủ động đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, hầu như không còn tình trạng mời thầy cúng, thầy mo đến cúng để chữa bệnh, hay không đi đăng ký khai sinh, khai tử như trước đây.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư được tuyên truyền sâu rộng, phát triển mạnh mẽ. Điển hình là những tấm gương người có uy tín như ông: Đinh Xuân Đẳng, xã Thạch Kiệt; Hoàng Văn Lượng, xã Tân Phú; Hà Xuân Lai, xã Vinh Tiền; Phùng Minh Tiến, xã Thu Ngạc...
Ông Hà Xuân Sỳ (đứng thứ 2 từ trái sang) - người có uy tín xã Kim Thượng tích cực vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện các dự án, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, chính sách dân tộc khác, người có uy tín đã và đang có những đóng góp tích cực trong vận động Nhân dân chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Tiêu biểu như ông Hà Xuân Sỳ, khu Chiềng 2, xã Kim Thượng. Ông Sỳ đã tích cực vận động Nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng làm nhà văn hóa khu dân cư, làm đường giao thông nông thôn, đóng góp ngày công làm đường liên khu, vận động Nhân dân đóng góp mua sắm các thiết bị nhà văn hóa phục vụ cho sinh hoạt, hội họp, thể thao trong khu.
Ông Sỳ cho biết: “Trước đây, khi vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường, bà con chưa hiểu lợi ích vì thế chưa thực sự đồng lòng, mình là người có uy tín nên “đi trước” sẵn sàng hiến đất làm đường, đóng góp tiền mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa, sau đó vận động anh em trong dòng họ, rồi đến hàng xóm láng giềng, từ đó người dân đã đồng tình hưởng ứng, tin tưởng và làm theo”.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, người có uy tín luôn vận động người dân tích cực lao động sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế, dịch vụ, du lịch, thực hiện hiệu quả các nguồn vốn vay, cây, con giống, áp dụng kiến thức khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, ổn định đời sống phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên thoát nghèo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.
Anh Hà Văn Luận (ngoài cùng bên phải) dẫn du khách thăm quan tại đồi chè Long Cốc.
Tiêu biểu như thanh niên, người có uy tín Hà Văn Luận (27 tuổi) người dân tộc Mường. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nổi tiếng với hàng trăm đồi chè lớn nhỏ hình bát úp tại xã Long Cốc, anh Luận là một trong những thanh niên tiêu biểu trong việc mạnh dạn làm du lịch cộng đồng gắn liền với việc giữ gìn bản sắc dân tộc để phát triển kinh tế. Anh là một trong những hộ tiên phong đổi mới trong kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ, sử dụng mạng xã hội là công cụ hữu ích để quảng bá, giới thiệu, kinh doanh dịch vụ cho chính homestay của mình.
Từ điểm lưu trú có 1-2 hai phòng nghỉ đến nay đã xây dựng thêm 2 nhà sàn gồm 2 phòng nghỉ cộng đồng và 5 phòng nghỉ riêng biệt. Anh Luận còn là một “nhiếp ảnh”, một “hướng dẫn viên” không chuyên, chụp ảnh theo nhu cầu của khách tham quan, dẫn các đoàn khách đi “tour” đến những địa điểm du lịch tại địa phương. Anh Luận chia sẻ: “Tôi vẫn thường lang thang trên những đồi chè vào rất nhiều thời khắc trong ngày, tìm ra những khoảnh khắc, những góc chụp đẹp để hướng dẫn điểm “check in” cho du khách lần đầu đến Long Cốc hay để lưu giữ cho họ những bức hình, những kỉ niệm đẹp tại nơi đây. Tôi cũng từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ tại homestay, từ cách chế biến món ăn đặc trưng của đồng bào mình đến thay đổi phòng ở đảm bảo tiện nghi nhưng vẫn giữ được nét văn hóa dân tộc và liên kết với các hộ sản xuất chè để du khách có thêm các hoạt động trải nghiệm thú vị”.
Đến các bản làng vùng cao trên địa bàn huyện Tân Sơn mới thấy hết vai trò, trách nhiệm của người có uy tín. Họ là cầu nối giữa đồng bào DTTS với các ban, ngành, đoàn thể, là cơ sở để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, là kênh thông tin quan trọng góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động đồng bào nêu cao tinh thần cảnh giác, chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, cung cấp thông tin có giá trị giúp cho Đảng, chính quyền địa phương nắm được tình hình nơi dân tộc cư trú, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Vy An