Vượt đường xa lên với đồng bào
Vượt quãng đường gần 40 km từ thị trấn Chũ, chúng tôi có mặt tại Trạm y tế xã Phong Minh (Lục Ngạn) khi đã gần trưa. Tại phòng khám, bác sĩ Tạ Thị Lan (SN 1981), Trạm trưởng đang kiểm tra sức khỏe, tư vấn cho một phụ nữ mang thai ở tuần thứ 21. Thông báo kết quả xét nghiệm máu, siêu âm, bác sĩ Lan ân cần dặn dò thai phụ đi khám lần tiếp theo đúng lịch và những lưu ý trong quá trình theo dõi, chăm sóc thai kỳ.
Bác sĩ Tạ Thị Lan, Trạm trưởng Trạm y tế xã Phong Minh tư vấn sức khỏe cho người dân.
Nhà ở xã Tân Lập (cùng huyện Lục Ngạn), tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Bắc Giang (nay là Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự), năm 2009, chị Lan về công tác tại Trạm y tế xã Phong Minh. Từ nhà đến nơi làm việc gần 30 km song ngày nào chị cũng đến Trạm sớm nhất để vừa có thời gian nghỉ ngơi, vừa chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Để nâng cao trình độ, giai đoạn 2012-2016, chị theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng.
Đến năm 2020, chị được bổ nhiệm làm Trạm trưởng. Để làm tốt công tác chuyên môn, bác sĩ Lan thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiêm chủng, nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đến nay, 100% phụ nữ có thai trên địa bàn được theo dõi, quản lý thai kỳ và sinh con tại cơ sở y tế; 100% trẻ được uống Vitamin A và tẩy giun định kỳ; 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại…
Cũng như chị Lan, hơn hai năm nay, bác sĩ Nguyễn Xuân Mơ (SN 1965), Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Sơn vượt hơn 40 km di chuyển từ nhà ở xã Quý Sơn đến nơi làm việc. Tốt nghiệp THPT, năm 1984 anh Mơ dời quê Gia Bình (Bắc Ninh) đến xã Quý Sơn lập nghiệp rồi xây dựng gia đình. Thời điểm ấy, công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) người dân trên địa bàn xã khó khăn, nhiều phụ nữ không tìm được người đỡ đẻ khi sinh, trong đó có vợ anh. Từ thực tế đó, anh nhận thấy công tác CSSK cho người dân nơi đây cần thiết đến nhường nào.
Mong muốn được làm công việc này thôi thúc nên năm 1987, anh Mơ đăng ký và thi đỗ vào Trường Trung cấp Y tế Bắc Giang rồi gắn bó với nghề y từ đó. Sau nhiều năm công tác, giữ vai trò Trạm trưởng Trạm y tế xã Quý Sơn, tháng 5/2022, anh được luân chuyển lên vùng cao Tân Sơn. Nhận công tác đúng thời điểm Trạm y tế xã có kế hoạch đạt chuẩn quốc gia về y tế, bác sĩ Nguyễn Xuân Mơ kịp thời tham mưu với Ban chỉ đạo bảo vệ và CSSK nhân dân xã xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, lộ trình thực hiện từng tiêu chí. Trong công tác chuyên môn, anh xây dựng kế hoạch điều hành khoa học, nền nếp, nghiêm túc, bảo đảm cán bộ, nhân viên y tế trực tại trạm 24/24 giờ.
Đến nay, Trạm y tế xã đã hoàn thành 10/10 tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế (đang chờ thẩm định); kết quả khám, chữa bệnh hai năm gần đây đều vượt kế hoạch, trên địa bàn không phát sinh bệnh truyền nhiễm. “Là xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) với hơn 9 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% nên hiểu biết của người dân về CSSK có mặt còn hạn chế. Để nâng cao nhận thức, cùng với tuyên truyền, bác sĩ của trạm thường xuyên về tận thôn để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe”, bác sĩ Nguyễn Xuân Mơ chia sẻ.
Thêm nguồn lực cho y tế vùng khó khăn
Huyện Lục Ngạn có 29 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã ĐBKK gồm: Sa Lý, Phong Minh, Cấm Sơn, Tân Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Phong Vân, Phú Nhuận và Đèo Gia. Xác định trạm y tế có vai trò quan trọng trong CSSK ban đầu cho nhân dân, thời gian qua, ngành Y tế, UBND huyện Lục Ngạn đặc biệt quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho các trạm, nhất là tại các xã ĐBKK. Giai đoạn 2021-2024, từ nguồn ngân sách T.Ư, UBND huyện đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây mới Trạm y tế xã Cấm Sơn, cải tạo Trạm y tế xã Sơn Hải và Tân Sơn. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách địa phương, UBND huyện dành hơn 2,3 tỷ đồng cải tạo các trạm còn lại và hơn 500 triệu đồng mua sắm trang thiết bị y tế cho Trạm y tế xã Cấm Sơn và Tân Sơn.
Năm 2024, các trạm y tế trên địa bàn huyện khám hơn 73,3 nghìn lượt bệnh nhân, chiếm 37,8% số lượt đến khám tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn huyện.
Về nguồn nhân lực, huyện bố trí đủ bác sĩ, cử 12 viên chức y tế xã tham gia đào tạo đại học, 20 viên chức đi học cao đẳng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Nhờ đó chất lượng CSSK nhân dân tại tuyến cơ sở nâng lên. Năm 2024, các trạm y tế khám hơn 73,3 nghìn lượt bệnh nhân, chiếm 37,8% số lượt bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn huyện. Chị Phù Thị Nhân (SN 1990), dân tộc Pà Thẻn, thôn Cả, xã Phong Minh cho biết: “Nhà xa Trung tâm Y tế huyện, phương tiện đi lại khó khăn nên mỗi khi con bị ốm hay cần tư vấn, tôi đều tìm đến trạm y tế xã. Được bác sĩ có chuyên môn hướng dẫn, chăm sóc tận tình, mỗi lần bị bệnh, sức khỏe con tôi hồi phục nhanh, không phải chuyển lên tuyến trên”.
Mặc dù vậy, qua đánh giá, một số khối nhà tại các trạm y tế xây dựng từ lâu, đã xuống cấp; tại một số trạm còn thiếu bác sĩ chuyên khoa, thiếu máy móc, thiết bị hiện đại, tỷ lệ chuyển tuyến cao… Khắc phục những hạn chế này, theo kế hoạch, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2025, cơ quan chuyên môn của huyện tập trung triển khai các hoạt động tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn CSSK cho cán bộ các trạm y tế. Trung tâm y tế huyện mở chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số; tổ chức khám sàng lọc các bệnh ở trẻ em tại các xã ĐBKK.
Bác sĩ Trần Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lục Ngạn cho biết: “Để nâng chất lượng khám, điều trị tại các trạm y tế, hằng năm, trung tâm đều có kế hoạch đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn cho nhân viên y tế; đồng thời tham mưu UBND huyện bố trí nguồn lực cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các trạm y tế. Về công tác chuyên môn, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tổ chức khám bệnh từ xa, giúp bệnh nhân ở những địa bàn xa trung tâm được tư vấn, chẩn đoán và điều trị từ các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết