Sông Rác dài 35-40 km, chảy qua hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều năm qua, dọc khúc sông dài hơn 2km qua xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên), người dân cắm hàng nghìn trụ bêtông và cọc tre xuống đáy, cố định bằng dây thừng và lốp xe để làm giá nuôi hàu trái phép.
Theo thống kê, dọc bờ sông Rác đoạn qua huyện Cẩm Xuyên có gần 30 ha mặt nước bị người dân chiếm dụng để nuôi hàu tự phát. Tình trạng này khiến luồng lạch giao thông đường thủy dần bị thu hẹp, gây mất an toàn cho tàu thuyền qua lại.
Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho hay, việc tháo dỡ các cọc nuôi hàu tập trung ở các vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến cảnh quan, dòng chảy tiêu thoát lũ, cản trở giao thông đường thủy...
“Việc người dân nuôi hàu trái phép trên sông tồn tại lâu nay, rất khó xử lý, cần có thời gian. Xã cũng đã báo cáo lên huyện và ngành chức năng tìm phương án song gặp khó”, ông Hùng cho biết.
“Người nuôi hàu cắm cọc ra giữa lòng sông khiến tàu thuyền qua lại gặp nguy hiểm, nhất là vào ban đêm, nước triều che lấp các trụ, rất khó phát hiện”, người dân địa phương cho hay.
Phía dưới chân cầu Cẩm Lĩnh, người dân tận dụng các trụ bêtông lớn, buộc lốp xe xung quanh để nuôi hàu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Cuối tháng 8 năm ngoái, địa phương đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát, thống kê được 78 hộ dân tự ý nuôi trồng thủy sản trái phép trên sông Rác đoạn qua xã Cẩm Lĩnh và bãi bồi cửa biển. Ngành chức năng đã làm việc với các chủ bãi hàu, tuyên truyền vận động họ tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu cho sông, nhưng đa số không chấp hành.
“Các xã có người nuôi hàu trái phép trên sông đã huy động cả trăm lượt người xuống sông Rác tháo dỡ hơn 2.000 cọc bê tông, cọc tre, dây néo. Tuy nhiên, số lượng cọc nhiều, trải dài nên cần có thời gian, làm sao vừa xử lý vi phạm, vừa đảm bảo sinh kế cho bà con”, ông Hà nói.