Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris, ngày 7/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Sự hối hả này thể hiện ưu tiên đặc biệt của ông cho mối quan hệ với Pháp và Tổng thống Emmanuel Macron. Sự kiện đã thu hút sự chú ý lớn, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị châu Âu đang có nhiều biến động, đánh dấu quyết tâm của hai nhà lãnh đạo trong việc khôi phục mối quan hệ song phương vốn đã bị suy yếu trong những năm gần đây. Chuyến thăm còn được xem là một dấu hiệu cho thấy Đức và Pháp đang nỗ lực để củng cố vai trò lãnh đạo của họ ở châu Âu, tăng cường hợp tác và đối phó với những thách thức chung của châu lục.
Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Macron và Thủ tướng Merz đã khẳng định ý muốn thiết lập một “hội đồng phòng thủ và an ninh” chung, nhấn mạnh hai nước có ý định “cùng nhau đối mặt với những thách thức mà châu Âu đang đối diện” và “sát cánh bên nhau”. Hội đồng này, theo lời Tổng thống Pháp, "sẽ tận dụng tối đa sự phối hợp Pháp - Đức để tăng cường chủ quyền và thúc đẩy lợi ích của châu Âu". Thủ tướng Đức cũng bày tỏ mong muốn “làm sâu sắc thêm và thổi một luồng sinh khí mới” vào mối quan hệ Paris - Berlin, đồng thời ủng hộ một “sự đổi mới Pháp - Đức vì châu Âu”.
Vấn đề răn đe hạt nhân cũng được đề cập đến trong cuộc gặp. Thủ tướng Merz, người ủng hộ ý tưởng đặt đất nước của ông dưới “ô hạt nhân” của Pháp và Anh, đã bày tỏ mong muốn thảo luận vấn đề này nhằm "bổ sung cho những gì chúng tôi đã có với các đối tác Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)". Sự cởi mở của ông đối với ý tưởng này là một thay đổi đáng kể so với truyền thống của Đức, cho đến nay vẫn phụ thuộc vào sự bảo vệ hạt nhân của Mỹ. Điều này phản ánh nhận thức ngày càng tăng ở Berlin về sự cần thiết phải xây dựng một chủ quyền châu Âu mạnh mẽ hơn trong bối cảnh không chắc chắn về cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Về kinh tế, hai nhà lãnh đạo cam kết phối hợp các chương trình cải cách kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong các vấn đề lao động và thuế. Hai bên cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải làm cho châu Âu "thịnh vượng hơn và có năng lực cạnh tranh hơn", có thể đứng vững trong một thế giới ngày càng cạnh tranh và không chắc chắn. Vấn đề thuế quan của Mỹ đã được đề cập đến theo tinh thần châu Âu cần có "phản ứng thống nhất ". Pháp và Đức cũng nhấn mạnh mong muốn chung "đẩy nhanh việc đơn giản hóa trong nhiều lĩnh vực" và làm cho các ngành công nghiệp châu Âu cạnh tranh hơn; giảm bớt gánh nặng hành chính trong Liên minh châu Âu (EU) vốn đang kìm hãm sự tăng trưởng, bằng cách rà soát toàn bộ các quy định của châu Âu, loại bỏ những ràng buộc đồng thời duy trì những tham vọng đã đề ra.
Một chủ đề được quan tâm trong cuộc gặp thượng đỉnh Pháp – Đức là cuộc xung đột tại Ukraine. Hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết của họ đối với một "Ukraine có chủ quyền và độc lập" và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev, nỗ lực phối hợp với Mỹ, để đạt được một "lệnh ngừng bắn hoàn toàn và lâu dài".
Mặc dù cùng chung ý chí về việc khởi động lại quan hệ song phương vì đại cục của châu Âu, giữa Pháp và Đức vẫn tồn tại một số bất đồng.
Về kinh tế, Thủ tướng Merz đã kêu gọi phê chuẩn và thực hiện "nhanh chóng" hiệp định thương mại tự do với các nước Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), điều mà Paris không tán thành vì lo ngại về tác động đối với nông dân Pháp.
Tuy Berlin đã nới lỏng quy tắc "giới hạn khả năng vay nợ" cho chi tiêu quân sự và đầu tư cho các vùng, nhưng vẫn chưa sẵn sàng đồng ý với trái phiếu chung châu Âu, điều mà Pháp luôn ủng hộ.
Trong lĩnh vực năng lượng, Pháp vốn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và Đức tập trung vào năng lượng tái tạo, đã có những khác biệt lớn về chính sách. Tuy nhiên, trong thông cáo chung, hai bên đã kêu gọi "chấm dứt mọi phân biệt đối xử ở cấp độ châu Âu đối với năng lượng carbon thấp, cả hạt nhân và tái tạo", cho thấy một sự nhượng bộ nhất định từ phía Đức.
Trong vấn đề Ukraine, hai nhà lãnh đạo cũng có những bất đồng về việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev.
Mối quan hệ Pháp-Đức, được coi là "động cơ" của châu Âu, đã trải qua một giai đoạn khó khăn dưới thời cựu Thủ tướng Đức Olaf Scholz, thậm chí “căng thẳng” trong những năm gần đây, do những bất đồng trong nhiều vấn đề từ năng lượng đến chính sách tài khóa, từ quốc phòng đến chính sách thương mại. Sự đình trệ cùng với 6 tháng khủng hoảng chính trị nội bộ ở Đức đã khiến nhiều người lo ngại về năng lực của "đầu tàu” Pháp - Đức trong việc thúc đẩy dự án châu Âu.
Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz (trái) trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris, ngày 7/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Việc Thủ tướng Merz lên nắm quyền đã mang lại hy vọng mới cho mối quan hệ song phương. Là một "thủ tướng rất châu Âu", ông dường như có nhiều điểm tương đồng với Tổng thống Macron trong tầm nhìn về một châu Âu có chủ quyền hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng. Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo lần này đã nhấn mạnh nhu cầu "đặt lại nền tảng cho mối quan hệ Pháp - Đức vì châu Âu", đồng thời thừa nhận rằng mối quan hệ này cần được làm mới để đáp ứng các thách thức hiện tại.
Giới chuyên gia nhận định ý tưởng thành lập hội đồng quốc phòng và an ninh chung Pháp - Đức là một bước tiến quan trọng, nhằm tăng cường khả năng phản ứng chung của EU trước các thách thức an ninh. Động thái này phản ánh sự lo ngại của EU về cam kết an ninh của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh chính trị Mỹ có nhiều thay đổi.
Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) chỉ ra rằng việc thành lập hội đồng quốc phòng và an ninh chung là một bước đi cụ thể, cho thấy sự nghiêm túc của cả hai nước trong việc tăng cường hợp tác an ninh. Động thái này có thể là tiền đề cho những sáng kiến hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai, góp phần củng cố khả năng tự chủ chiến lược của châu Âu.
Chuyên gia Evelyn Gaiser, Quỹ Konrad Adenauer, nhấn mạnh mục tiêu trước mắt của tân Thủ tướng Merz là chuẩn bị một lập trường chung của châu Âu trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO quan trọng vào tháng 6 tới, nơi châu Âu muốn cho Mỹ thấy họ nghiêm túc về các cam kết quốc phòng. Trong khi đó, nghị sĩ Đức Roderich Kiesewetter lập luận rằng Đức phải đưa ra các cam kết quân sự thực tế để giành được sự tin tưởng của các đồng minh.
Ông Mujtaba Rahman, chuyên gia phụ tránh châu Âu của Eurasia Group, dự báo hợp tác Pháp - Đức có thể mạnh mẽ trở lại dưới thời bộ đôi Macron-Merz. Ông lưu ý bất chấp những khác biệt về chính sách, cả hai nhà lãnh đạo đều nhận thức được tầm quan trọng của việc Đức và Pháp phải thống nhất để dẫn dắt châu Âu vượt qua những thách thức hiện tại. Ông nhấn mạnh "động cơ Pháp-Đức" cần phải hoạt động trơn tru để EU có thể đưa ra các quyết định hiệu quả trong các vấn đề quan trọng như an ninh, kinh tế và chính sách đối ngoại.
Theo nhà bình luận chính trị Ulrich Ladurner của tờ Die Zeit, sự "hồi sinh" quan hệ Pháp - Đức không chỉ mang tính biểu tượng mà còn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Ông đánh giá việc hai cường quốc hàng đầu châu Âu tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề then chốt sẽ tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ cho toàn bộ EU. Sự hợp tác này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức an ninh và kinh tế lớn.
Có thể nói chuyến thăm của Thủ tướng Merz tới Pháp là một dấu hiệu tích cực cho thấy nỗ lực hồi sinh và củng cố quan hệ Pháp - Đức trong bối cảnh mới. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Paris và Berlin là yếu tố then chốt để châu Âu có thể đối phó hiệu quả với những thách thức đa chiều và duy trì vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế. Sự khác biệt về quan điểm giữa hai nhà lãnh đạo cũng được xem là có thể tạo ra những động lực mới cho mối quan hệ, miễn là họ có thể tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề chiến lược quan trọng.
Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt cùng những thách thức từ biến đổi khí hậu và công nghệ, sự thống nhất và lãnh đạo từ hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu là điều cần thiết. Do đó, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo không chỉ đánh dấu một khởi đầu mới cho mối quan hệ Pháp - Đức mà còn cho toàn bộ EU.
Nguyễn Thu Hà (TTXVN)