Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu đặc biệt từ Washington DC tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos hôm 23/1. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Donald Trump nói rằng Mỹ không cần năng lượng, ôtô hay gỗ xẻ của Canada khi ông phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Ông Trump cũng nhắc lại lời đe dọa áp thuế đối với Canada, nói rằng điều đó có thể tránh được nếu quốc gia láng giềng chọn "trở thành một tiểu bang" của Mỹ, theo Reuters.
"Quý vị luôn có thể trở thành một tiểu bang, và nếu quý vị là một tiểu bang, chúng tôi sẽ không bị thâm hụt. Chúng tôi sẽ không phải đánh thuế", ông Trump nói giữa những tiếng thở hắt trong hội trường ở Davos.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2025 diễn ra ngày 20-24/1ở Davos, Thụy Sĩ.
Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp thuế lên tới 25% đối với hàng nhập khẩu của Canada, có thể là vào ngày 1/2. Mối đe dọa áp thuế mới đã khiến Canada, quốc gia phụ thuộc vào thương mại, rất lo lắng. Nhưng nước này cũng cho biết sẽ cân nhắc các biện pháp đối phó đáng kể, bao gồm cả phản ứng "đáp trả từng đôla" nếu chính quyền Trump thực hiện tuyên bố áp thuế quan.
Khoảng 75% hàng xuất khẩu của Canada chảy về phía nam. Ngược lại, Canada chỉ chiếm 17% lượng hàng xuất khẩu của Mỹ, mặc dù là đối tác thương mại lớn thứ hai của nền kinh tế số một thế giới, sau Mexico.
Trong bài phát biểu hôm 23/1, ông Trump nói rằng Canada đã "rất khó đối phó trong nhiều năm qua".
"Chúng tôi không cần họ sản xuất ôtô, chúng tôi sản xuất rất nhiều ôtô, chúng tôi không cần gỗ của họ vì chúng tôi có rừng của riêng mình... chúng tôi không cần dầu khí của họ, chúng tôi có nhiều hơn bất kỳ ai", ông Trump nói với những người tham dự diễn đàn qua liên kết video từ Washington DC.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Canada lên tới 200 tỷ đến 250 tỷ USD. Không rõ ông lấy con số đó từ đâu. Thâm hụt thương mại với Canada - dự kiến là 45 tỷ USD vào năm 2024 - chủ yếu là do nhu cầu năng lượng của Mỹ. Ngành công nghiệp ôtô Bắc Mỹ cũng có chuỗi cung ứng tích hợp cao. Phụ tùng ôtô có thể vượt qua biên giới giữa Mỹ và Mexico và Canada nhiều lần trước khi lắp ráp xong một chiếc xe.
Ông Trump cũng gắn câu chuyện thuế quan với an ninh biên giới, nói rằng thuế quan sẽ được áp dụng trừ khi Canada tăng cường an ninh tại biên giới chung.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nhiều lần nói rằng mọi thứ đều có thể xảy ra nếu thuế quan được áp dụng. Điều đó bao gồm thuế hoặc lệnh cấm vận đối với xuất khẩu năng lượng sang Mỹ, mặc dù một số nhà lãnh đạo cấp tỉnh bang của Canada không đồng tình với phản ứng đó.
Vào ngày 23/1, ông Trudeau nói với báo giới rằng mục tiêu của Canada là tránh hoàn toàn thuế quan của Mỹ nhưng sẽ tăng cường phản ứng "dần dần" để tìm cách xóa bỏ nhanh chóng các khoản thuế nếu chúng được áp dụng.
Canada cũng đang nêu bật lên vị trí đối tác thương mại đáng tin cậy và là nguồn cung cấp năng lượng, khoáng sản quan trọng an toàn cho Mỹ khi nước này vận động các nhà lập pháp Mỹ nhằm tránh thuế quan.
Các nhà kinh tế cho rằng Mỹ phụ thuộc vào các sản phẩm của Canada để đảm bảo an ninh năng lượng. Theo một phân tích gần đây của các nhà kinh tế của TD Bank, vào năm 2024, xuất khẩu năng lượng của Canada đạt gần 170 tỷ USD.
Ông Trump cũng cho biết vào ngày 23/1 rằng các doanh nghiệp nên sản xuất sản phẩm tại Mỹ nếu muốn tránh thuế quan.
Thuế quan là một phần cốt lõi trong tầm nhìn kinh tế của Trump - ông coi thuế quan là một cách để phát triển nền kinh tế Mỹ, bảo vệ việc làm và tăng doanh thu thuế.
Tân tổng thống đã ra lệnh cho các quan chức liên bang xem xét các mối quan hệ thương mại của Mỹ để tìm ra bất kỳ hành vi không công bằng nào trước ngày 1/4.
Dương Lam