Tân Ủy viên Quốc phòng của EU: 'Một vị vua không có vương quốc'?

Tân Ủy viên Quốc phòng của EU: 'Một vị vua không có vương quốc'?
3 giờ trướcBài gốc
Ông Kubilius được “chọn mặt gửi vàng”
Cuộc xung đột ở Ukraine đã chỉ ra những thiếu sót to lớn trong khả năng quân sự của châu Âu. Quân đội của họ có quy mô nhỏ và đôi khi được trang bị kém. Họ chậm tăng chi tiêu cho quốc phòng và sản xuất vũ khí. Họ vẫn phụ thuộc sâu sắc vào Mỹ về các thiết bị quân sự quan trọng và cả tiền bạc.
Cựu Thủ tướng Lithuania Andrius Kubilius vừa được bổ nhiệm làm Ủy viên Quốc phòng của EU. Ảnh: New York Times.
Để giúp EU khắc phục những hạn chế nội tại và thích ứng với bối cảnh địa chính trị mới, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đã bổ nhiệm một chức vụ mới là Ủy viên Quốc phòng và Không gian cho khối này. Và, người được “chọn mặt gửi vàng” là cựu Thủ tướng Lithuania Andrius Kubilius.
Nhiệm vụ của ông Kubilius là vạch ra những gì EU thực sự cần để tăng cường năng lực phòng thủ. Nhưng, EU không có quân đội chung, quốc phòng thuộc thẩm quyền riêng của 27 quốc gia thành viên, trong đó có 23 nước cũng là thành viên của liên minh quân sự NATO. Nói cách khác, EC không có thẩm quyền pháp lý để xây dựng chính sách quốc phòng và các nước EU vẫn phải phối hợp quốc phòng thông qua NATO. Do đó, việc dẫn dắt một chiến lược quân sự cho khối không phải nhiệm vụ của ông Kubilius.
Bản thân cựu Thủ tướng Lithuania cũng nói rõ rằng EU không nên bước vào lĩnh vực mà NATO chịu trách nhiệm. Thay vào đó, ông cho biết EU nên tập trung vào việc phát triển một khuôn khổ chiến lược bổ sung cho công việc của NATO, trong đó chú trọng đến việc tạo ra các quy định pháp lý, trao quyền và khuyến khích các quốc gia thành viên tăng cường năng lực quân sự của mình.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen giới thiệu các nhà lãnh đạo mới của khối, hôm 17/9, trong đó có những ủy viên mới như ông Kubilius hay bà Kallas. Ảnh: New York Times.
Dưới góc độ này, nhiệm vụ của ông Kubilius là tập trung vào thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của nhiều quốc gia châu Âu hướng tới sản xuất chuẩn hóa hơn, tăng cường sức mua và nâng cao khả năng phối kết hợp.
Cụ thể, ông Kubilius sẽ xử lý các cuộc đàm phán và triển khai Chương trình Công nghiệp quốc phòng (EDIP) mới của EU, một dự thảo chương trình nhằm mục đích tăng năng lực sản xuất, tạo ra nguồn dự trữ và thúc đẩy việc mua các khí tài do EU sản xuất thay vì các nước thứ ba. Mục tiêu này cũng bao gồm việc động vận động hành lang để tìm nguồn lực thúc đẩy ngành công nghiệp và thúc đẩy đợt chi tiêu quốc phòng lớn nhất mà EU từng chứng kiến kể từ Thế chiến 2.
Đầu tiên là tiền đâu?
Nhìn chung, ông Kubilius sẽ tiếp nối những gì mà Thierry Breton, người chịu trách nhiệm về công nghiệp với tư cách là Ủy viên Thị trường nội bộ và an ninh của EU, đã định hình trong 5 năm qua, tức là tập trung vào việc thúc đẩy mua sắm vũ khí chung và tăng cường năng lực sản xuất để mở rộng ngành công nghiệp vũ khí của cựu lục địa.
Một dây chuyền tại cơ sở sản xuất xe bọc thép của hãng Rheinmetall (Đức). Công nghiệp quốc phòng châu Âu hiện chỉ đáp ứng 20% nhu cầu của các nước EU. Ảnh: Defence News.
Dù vậy, nhiệm vụ này cũng không dễ. Bài toán đầu tiên là... tiền đâu? Trước khi đột ngột từ chức vào ngày 16/9, ông Thierry Breton đã ước tính rằng EU sẽ cần thêm khoảng 100 tỷ euro mỗi năm để tăng cường năng lực quốc phòng. Tất nhiên, số tiền khổng lồ này không dễ huy động. Muốn có tiền phải có những giải pháp đột phá. Nhưng, các giải pháp kiểu này lại không dễ nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên EU.
Trong báo cáo toàn diện gần đây về cách phục hồi tăng trưởng và sức cạnh tranh của châu Âu, ông Mario Draghi - cựu Thủ tướng Italy và cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đề xuất tạo ra trái phiếu EU cho các dự án liên quan đến quốc phòng. Một số chính trị gia khác thì đề xuất những khoản vay chung giữa các nước để tài trợ cho những dự án cụ thể, chẳng hạn như hệ thống phòng không. Thế nhưng, các ý tưởng đó đã nhanh chóng bị những thành viên chủ chốt của EU như Đức và Hà Lan bác bỏ.
Bản thân ông Kubilius, trong phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức hôm 18/9, cũng đề cập đến một số giải pháp như chuyển hướng số tiền chưa chi từ Quỹ phục hồi hậu đại dịch (RRF) của EU hoặc huy động tài chính từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu và các tổ chức tư nhân. Dù vậy, ông cũng thừa nhận, giải pháp cuối cùng vẫn phải chờ các quốc gia thành viên thống nhất.
Phát biểu với Euronews, Kubilius cho biết ông "sẽ rất vui mừng" nếu có thể đầu tư hơn 500 tỷ euro trong vài năm tới để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu. Nhưng, ông không chắc chắn về việc lấy tiền từ đâu. “Tôi không biết... Một ủy viên quốc phòng cần biết phải chi tiền ở đâu, chứ không phải biết cách kiếm tiền ở đâu. Việc đó thuộc về các thành viên khác của ủy ban”, ông nói.
Trong khi đó, ông Camille Grand - cựu Trợ lý Tổng Thư ký NATO phụ trách đầu tư quốc phòng, hiện làm việc tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, thì đề xuất một hướng đi mang tính đòn bẩy thông qua việc mở rộng danh mục đầu tư quốc phòng của khối. Theo ông Grand, chỉ cần khoảng 20 đến 30 tỷ euro, tương đương quy mô ngân sách quốc phòng của một nước lớn tại châu Âu, cũng có thể “biến EU thành nhà đầu tư đáng kể và bắt đầu định hình các quyết định kinh doanh của ngành công nghiệp vũ khí”.
Nhưng, hiện tại, Liên minh châu Âu thậm chí cũng chưa thể tới gần đến con số khiêm tốn đó. Christian Molling - một chuyên gia quốc phòng và Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Bertelsmann chuyên về nghiên cứu chính sách tại Đức, cho biết chiến lược ngân sách của EU chỉ cho phép khối này chi 1,5 tỷ euro cho hoạt động mua sắm vũ khí trong giai đoạn 2025 đến 2027, cách quá xa so với đề xuất của ông Grand.
“Vì vậy, để thay đổi tình hình, EU thực sự cần một phù thủy hơn là một ủy viên”, ông Molling ví von. “Vị trí ủy viên quốc phòng hiện nay chẳng khác nào một vị vua không có vương quốc”.
Trách nhiệm chồng chéo
Sau vấn đề tài chính sẽ là câu hỏi về trách nhiệm chồng chéo trong Ủy ban châu Âu (EC), nhánh điều hành gồm 27 thành viên của EU. Theo ông Grand, để có thể huy động ngân sách cho quốc phòng, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sẽ phải “tách ra một cái gì đó từ các danh mục đầu tư hiện có”. “Vậy, việc đó sẽ diễn ra như thế nào?”, cựu Trợ lý Tổng Thư ký NATO phụ trách đầu tư quốc phòng đặt câu hỏi.
Trong những tháng qua, các trụ cột của danh mục đầu tư đã chỉ ra nguy cơ ông Kubilius “lấn sân” trách nhiệm của các ủy viên khác. Hơn nữa, về mặt vai trò thì ông Kubilius cũng có khả năng chồng chéo với nhà ngoại giao hàng đầu mới của EU, bà Kaja Kallas.
Cựu Thủ tướng Estonia Kaja Kallas chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại và quốc phòng của EU, một vị trí có nguy cơ “giẫm chân” với ông Andrius Kubilius. Ảnh: ERR.
Bà Kallas, cựu Thủ tướng Estonia, chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại và quốc phòng của khối theo các hiệp ước EU. Với tư cách đó, bà sẽ chủ trì các diễn đàn liên chính phủ như Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), những tổ chức dẫn đầu trong việc hoạch định chính sách. Mà hoạch định chính sách quốc phòng của EU cũng nằm trong “mô tả công việc” của ông Kubilius.
Nhưng, vấn đề chưa dừng lại ở đó. Sau khi Ủy viên Thị trường nội bộ và An ninh của EU Thierry Breton từ chức, Chủ tịch Ursula von der Leyen đã chỉ định cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stephane Sejourne kế nhiệm ông này. Ông Sejourne sẽ giữ nguyên trách nhiệm về chiến lược công nghiệp nhưng với cấp bậc cao hơn là Phó Chủ tịch EC.
Ngoài ra, còn có một Phó Chủ tịch khác, nữ nghị sĩ Henna Virkkunen người Phần Lan - chịu trách nhiệm về chủ quyền công nghệ, an ninh và dân chủ, cũng có phạm vi trách nhiệm liên quan tới công nghiệp quốc phòng. “Vậy, công việc của Ủy viên Quốc phòng là gì và liệu nó có thực sự cần thiết không?”, ông Molling, Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Bertelsmann, đặt câu hỏi.
Chung quan điểm này, Ester Sabatino - chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), một tổ chức phi chính phủ chuyên tư vấn về quốc phòng và an ninh - bình luận rằng một Ủy viên Quốc phòng “có thể là chất xúc tác cho cải cách sâu rộng hơn và phối hợp tốt hơn, nhưng những ý định như vậy trong lĩnh vực này thường không mang lại kết quả như mong muốn”.
EU cần 100 tỷ Euro/năm trong vòng 5-7 năm tới để nâng cao năng lực quốc phòng cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của khối. Ảnh: DW.
Một chuyên gia khác, ông Sven Biscop - giáo sư về chính sách đối ngoại và quốc phòng châu Âu tại Đại học Ghent (Bỉ) - cũng hoài nghi về vai trò của ông Kubilius, khi mà một số chính phủ châu Âu vốn rất thận trọng trong việc trao cho Brussels tiếng nói trong cách họ tổ chức ngành công nghiệp quốc phòng. “Một Ủy viên EU không thể quyết định về các hoạt động quân sự hoặc tác động đến ngân sách”, giáo sư Biscop nói với Euronews.
Về phần mình, Kubilius cho biết công việc đầu tiên của ông với tư cách là một ủy viên sẽ là cùng với bà Kallas khám phá những nguồn lực mà EU cần để sẵn sàng cho một thách thức quân sự. Ông cũng đang hướng tới mục tiêu hoàn thành một nghiên cứu trong vòng 100 ngày đầu tiên trên cương vị mới để xây dựng “Chiến lược công nghiệp quốc phòng châu Âu”.
Trong chiến lược đó, ông Kubilius sẽ ưu tiên các sáng kiến tạo ra nhu cầu gắn kết và thúc đẩy môi trường cạnh tranh cho các nhà sản xuất quốc phòng châu Âu. 100 ngày tới, vì thế, sẽ rất quan trọng trong việc xác định chiến lược quốc phòng của EU và xác định xem liệu những tham vọng mà bà Ursula von der Leyen đặt vào vị trí Ủy viên Quốc phòng có cơ hội trở thành hiện thực hay không.
Quang Anh
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/hau-truong/tan-uy-vien-quoc-phong-cua-eu-mot-vi-vua-khong-co-vuong-quoc--i745122/