Người dân đến tiêm phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh
Chị Tý cho biết: Con chó này trước đây thường xuyên sang nhà tôi và được tôi cho ăn. Đáng lo ngại, chỉ hai ngày sau vụ việc, con chó đã chết. Ngay sau khi bị cắn, gia đình đã lập tức đưa tôi đến bệnh viện để xử lý vết thương và tiêm huyết thanh kháng dại kịp thời.
Nhập viện tại Khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vết thương của chị Tý bị rách rộng, dập nát, tổ chức gân cơ bị tổn thương. Chị Tý đã được các bác sĩ cắt lọc, xử lý vết thương và chỉ định tiêm phòng uốn ván và huyết thanh phòng dại. Sau 15 ngày điều trị, chiều ngày 7/7, chị Tý đã được xuất viện.
“Bị chó cắn không chỉ khiến tôi lo sợ mắc dại mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của tôi. Hiện tôi vẫn phải ở nhà theo dõi, chờ sức khỏe hồi phục mới có thể đi làm trở lại”, chị Tý cho biết thêm.
Không chỉ trường hợp của chị Tý, theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chỉ tính từ đầu tháng 6/2025 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận trên 20 trường hợp nhập viện do chó cắn, tăng gấp 4 lần so với các tháng trước đó. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay có trên 3.220 trường hợp tiêm vắc xin phòng dại do vật nuôi cắn (tăng hơn 1.120 ca so với cùng kỳ năm 2024), trong đó có trên 83% trường hợp đến tiêm là do chó cắn; 95 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại (tăng 24 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024).
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Được biết, trường hợp này là một em học sinh 13 tuổi, trú tại xã Bình Gia, ngày 15/3/2025, em bị chó cắn vào chân, do không đi tiêm vắc xin dại và không theo dõi được con chó nên dẫn đến tử vong. Cùng đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện một ổ dịch dại (chó) ngày 27/3/2025 tại thôn Khòn Mùm, xã Xuân Dương. Ổ dịch không phát sinh ca nhiễm mới và đã được triển khai các biện pháp (tiêm phòng, khử trùng tiêu độc), nên dịch đã được khống chế.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra vết thương do chó cắn cho bệnh nhân
Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng khoa Truyền nhiễm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Virus dại có nguồn gốc từ các loài động vật máu nóng như chó, mèo, dơi và lây sang người chủ yếu qua các vết cắn. Bệnh có thời gian ủ trung bình khoảng 3 tuần, tuy nhiên một số trường hợp có thể kéo dài đến 6 tháng. Khi bị chó hoặc mèo cắn, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử lý vết thương và tiêm phòng dại kịp thời. Tùy theo vị trí vết cắn và khả năng theo dõi con vật, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Cụ thể, nếu bị cắn ở tay, chân (xa hệ thần kinh trung ương), người bệnh sẽ được tiêm ít nhất 3 mũi vắc xin phòng dại nếu con vật không có dấu hiệu bất thường, hoặc 5 mũi nếu không thể theo dõi tình trạng con vật. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn – như bị cắn ở đầu, mặt, cổ hoặc con vật cắn có dấu hiệu nghi dại – người bệnh cần được tiêm bổ sung huyết thanh kháng dại.
Để phòng ngừa bệnh dại, bên cạnh công tác triển khai tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai các giải pháp như: tổ chức các đợt tiêm phòng dại cho chó, mèo tại cộng đồng; lập danh sách, quản lý chặt chẽ số lượng vật nuôi trên địa bàn; lực lượng thú y cơ sở tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, nuôi giữ vật nuôi an toàn, chủ động tiêm phòng cho vật nuôi nhằm phòng tránh bệnh dại; ngành y tế thường xuyên tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại và cơ chế lây nhiễm của virus gây bệnh dại, đồng thời khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi bị chó, mèo cắn, khi bị cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý vết thương đúng cách và tiêm phòng kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà, tránh để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Để thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại, trên địa bàn tỉnh đã và đang duy trì, triển khai mở rộng xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh dại. Đến nay, toàn tỉnh có 8 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã, phường đối với bệnh dại, trong 6 tháng cuối năm dự kiến xây dựng thêm 2 cơ sở, vùng an toàn bệnh dại tại 2 xã thuộc huyện Hữu Lũng cũ và Lộc Bình cũ.
Ông Dương Doãn Doanh, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã thực hiện tiêm phòng cho trên 26.550 chó, mèo, đạt tỷ lệ 21,89%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp, chưa đảm bảo ngưỡng tạo miễn dịch cộng đồng do một số nguyên nhân khách quan trong công tác cung ứng và phân phối vắc xin phòng bệnh, vì vậy trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tiêm phòng. Cùng với tiêm vắc xin phòng dại, ngành đã tổ chức 2 lớp tập huấn, truyền thông tại cộng đồng, phát hơn 1.000 tờ rơi, tài liệu hướng dẫn về chăn nuôi an toàn và phòng chống dịch bệnh, đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc rọ mõm cho chó, cách chăm sóc, nuôi giữ vật nuôi an toàn… Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại.
Mùa hè là thời điểm bệnh dại ở chó, mèo có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng nóng khiến vật nuôi dễ bị kích động, tăng nguy cơ tấn công con người. Vì vậy, cùng với các giải pháp của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức phòng dịch, đặc biệt là đối với những người nuôi chó, mèo cần nâng cao nhận thức và nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi động vật, không thả rông, rọ mõm cho chó khi ra nơi công cộng; chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi. Việc chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng bệnh không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn là hành động thể hiện trách nhiệm với chính bản thân và xã hội.
Theo Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.
2. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.
b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
3. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc.
4. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
b) Không theo dõi, ghi chép quá trình phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật.
5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận tiêm phòng cho động vật.
DƯƠNG KIM