Sửa luật, tăng gấp đôi mức phạt
Sau vụ đua xe máy trái phép khiến cô gái 27 tuổi tử vong oan khuất tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (Hà Nội) làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận hồi cuối năm 2024, mới đây nhất, ngày 13/4, lực lượng công an phát hiện tại khu vực bãi Dê (xã Biển Hồ, TP Pleiku, Gia Lai) có khoảng 30-40 đối tượng tụ tập, nẹt pô, rú ga, biểu hiện đua xe trái phép.
Nhóm thanh, thiếu niên điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao đâm tử vong cô gái 27 tuổi tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu gây bức xúc trong dư luận cuối năm 2024. Ảnh internet.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng lập biên bản xử lý gần 30 phương tiện vi phạm với các lỗi phổ biến như: Chưa đủ tuổi điều khiển xe, xe độ pô, độ bánh nhỏ, không có giấy phép lái xe...
Phần lớn người tham gia đua xe trái phép là thanh, thiếu niên từ 15-20 tuổi. Nhiều em không đội mũ bảo hiểm, không giấy tờ hợp lệ, thậm chí mang theo hung khí, tháo biển kiểm soát để tránh bị phát hiện. Đây không chỉ là hành vi vi phạm giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tội phạm hình sự.
Luật sư Mai Bích Ngân (Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt) cho biết: "Theo Điều 260 Bộ luật Hình sự, người gây tai nạn chết người khi tham gia giao thông có thể bị phạt tù từ 3-10 năm. Đặc biệt nếu bỏ chạy hoặc không cứu giúp nạn nhân, người dưới 16 tuổi nếu gây hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị xử lý hình sự".
Đáng chú ý, trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi đua xe và tổ chức đua xe trái phép.
Cụ thể, với tội đua xe trái phép (Điều 266), dự thảo đề xuất mức phạt lên tới 20-100 triệu đồng, tăng gấp đôi so với hiện hành (10-50 triệu); Phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp gây chết người, thương tích nặng... phạt tù 3-10 năm, phạt tiền 100-300 triệu đồng, tăng nặng so với mức hiện hành 50-150 triệu.
Với tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265), dự thảo đề xuất phạt tiền từ 60-300 triệu đồng (so với mức hiện hành 30-100 triệu), phạt tù 1-5 năm.
Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 4-10 năm, phạt tiền 200 triệu - 1 tỷ đồng (mức hiện hành 100-500 triệu đồng).
Người cho mượn xe cũng không thoát trách nhiệm
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất tăng phạt tiền với hành vi giao xe cho người vi phạm về nồng độ cồn. Hiện nay, theo Điều 264 Bộ luật Hình sự, người giao phương tiện cho người có nồng độ cồn vượt quy định mà gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt đến 50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Tại dự thảo sửa đổi, mức phạt này được nâng lên từ 20-100 triệu đồng, đồng thời bổ sung khung hình phạt tù từ 2-7 năm nếu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như làm chết 3 người trở lên, gây thương tích cho nhiều người với tổng tỷ lệ tổn thương trên 201%...
Dự thảo cũng sửa đổi Điều 263, xử lý người có thẩm quyền điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông. Trường hợp gây thiệt hại, mức phạt có thể lên đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-3 năm.
Luật sư Mai Bích Ngân nhận định: Việc nâng khung hình phạt là cần thiết và có thể góp phần giảm đáng kể tình trạng đua xe trái phép, nhất là ở giới trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là sự quản lý chặt chẽ từ phía gia đình.
Cùng quan điểm, ông Bùi Hồng Huế, Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị chia sẻ: Nhà trường đã lắp camera tại cổng, kiểm tra việc học sinh đi xe máy, đội mũ bảo hiểm và sử dụng xe phù hợp độ tuổi. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, cùng với các biện pháp xử phạt nghiêm minh hơn nữa.
Lê Mỹ