Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao

Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao
16 giờ trướcBài gốc
kcb dịch vụ 2
Dù quy định này được đánh giá là bước tiến trong đảm bảo quyền lựa chọn dịch vụ, song thực tế triển khai bước đầu cho thấy, không ít người bệnh vẫn lúng túng, trong khi các cơ sở y tế cũng cần thời gian để đồng bộ.
Vẫn còn bỡ ngỡ
Ghi nhận tại khu khám theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai, chị Lê Thị Thanh (45 tuổi, quê Hưng Yên) chia sẻ: “Tôi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng trước giờ cứ khám dịch vụ là tự trả hết, không nghĩ bảo hiểm còn hỗ trợ. Lần gần nhất tôi thanh toán gần 7 triệu đồng mà không dùng BHYT, vì không có giấy chuyển tuyến và cũng không được ai nhắc về quyền lợi”. Sau khi được nhân viên y tế giải thích, chị Thanh mới biết, theo quy định mới, nếu có đầy đủ thủ tục đúng tuyến thì vẫn được thanh toán phần trong phạm vi hưởng như thông thường.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Văn Hưng (34 tuổi, nhân viên kỹ thuật, sống tại Hà Nội) chia sẻ: “Tôi biết quy định mới, nhưng bản thân tôi chọn khám dịch vụ vì muốn nhanh, chủ động về thời gian. Chi phí vài trăm nghìn đồng một lần khám với tôi không phải vấn đề lớn. Nếu BHYT hỗ trợ thêm thì tốt, còn không cũng không ảnh hưởng nhiều. Quan trọng là được chọn bác sĩ và không mất ngày công”.
Thực tế cho thấy, có một bộ phận người bệnh chủ động lựa chọn khám dịch vụ và sẵn sàng chi trả – dù có thẻ BHYT. Với họ, chính sách mới dù thiết thực nhưng không phải yếu tố quyết định hành vi sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, ngay cả với nhóm này khi được tư vấn minh bạch tại quầy đăng ký về mức hưởng, phần chênh lệch và quyền lợi còn lại đa số đều bày tỏ sự hài lòng, bởi chính sự rõ ràng ấy là yếu tố khiến họ cảm thấy yên tâm khi lựa chọn dịch vụ phù hợp với tài chính cá nhân.
Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng có tâm lý chủ động và dư dả như vậy. Với nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh nền – việc được BHYT thanh toán phần chi phí khi khám dịch vụ là động lực quan trọng để họ mạnh dạn lựa chọn bệnh viện tuyến cuối, bác sĩ giỏi.
Tại Bệnh viện Việt Đức, ông Vũ Trọng Hùng (65 tuổi, trú Hải Phòng) mang theo thẻ BHYT đến khám tại khu dịch vụ với tâm lý phấn khởi. “Tôi nghe nói từ tháng 7 này khám dịch vụ vẫn được hưởng bảo hiểm nên mới chọn khám ở đây. Nhà có người từng mổ ở viện này nên tôi muốn được bác sĩ thăm khám, cũng tiện thể làm một số xét nghiệm tầm soát” – ông Hùng nói.
Tuy nhiên, sau khi làm thủ tục, ông được thông báo không đủ điều kiện thanh toán BHYT do không có giấy chuyển tuyến, cũng không nằm trong diện miễn giấy theo quy định. Dù đã lựa chọn khám tại bệnh viện cấp chuyên sâu, có tên trong danh mục được áp dụng, nhưng vì thiếu giấy tờ hợp lệ, toàn bộ chi phí từ tiền khám, xét nghiệm cho đến thuốc ông phải tự chi trả.
Trường hợp của ông Hùng không phải hiếm. Một số người dân, dù đã biết đến chính sách mới, vẫn hiểu chưa đầy đủ và gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bệnh nhân tham gia khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.
Không phải mọi trường hợp khám dịch vụ đều được BHYT chi trả
BSCKII Trần Thái Sơn – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) lý giải, không phải cứ trình thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân khi đi khám, chữa bệnh theo yêu cầu là người bệnh được quỹ BHYT chi trả.
Theo đó, tại cơ sở y tế được Bộ Y tế xếp cấp chuyên sâu, kỹ thuật cao, trước ngày 1/1/2025 được xếp tuyến trung ương, để được hưởng quyền lợi BHYT khi khám, chữa bệnh ngoại trú tại đây, người bệnh phải thuộc một trong các trường hợp sau: Người bệnh có giấy chuyển tuyến từ cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu và giấy này còn hiệu lực; người bệnh có phiếu hẹn khám lại BHYT do chính Bệnh viện Bạch Mai cấp và vẫn còn giá trị sử dụng; người bệnh mắc một trong các bệnh thuộc danh mục 62 bệnh và nhóm bệnh theo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư số 01/2025/TT-BYT. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng một số bệnh trong danh mục trên có kèm điều kiện cụ thể. Vì vậy, trong trường hợp này, người bệnh nên mang theo đơn thuốc, giấy ra viện hoặc các giấy tờ liên quan từ cơ sở đã khám, chữa bệnh trước đó để làm minh chứng, nhằm bảo đảm quyền lợi BHYT cho mình.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, giá khám dịch vụ dao động từ 300.000–400.000 đồng/lượt tùy theo bác sĩ. Trong khi đó, mức giá theo BHYT là 50.600 đồng/lượt. Nếu người bệnh có mức hưởng 80%, BHYT sẽ thanh toán 40.480 đồng, người bệnh tự chi trả phần chênh lệch còn lại cùng với phần đồng chi trả. Mức hưởng không phụ thuộc vào loại hình bệnh viện mà chỉ căn cứ theo nhóm đối tượng được pháp luật quy định – như người có công, hộ nghèo, người tham gia BHYT 5 năm liên tục, trẻ dưới 6 tuổi…
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) – một cơ sở hạng I cấp cơ bản, chính sách khám theo yêu cầu có BHYT cũng được triển khai đồng bộ. Theo TS.BS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện, giá khám BHYT hiện hành tại đây và nhiều bệnh viện công lập lớn là 50.600 đồng/lượt, trong khi giá khám dịch vụ tại Bệnh viện Đức Giang được niêm yết cố định là 200.000 đồng/lượt – thấp hơn đáng kể so với mức dao động từ 250.000 đến 500.000 đồng tại các cơ sở có yếu tố chuyên sâu. Khi người bệnh có thẻ BHYT và khám đúng quy định, quỹ BHYT sẽ thanh toán đúng theo mức hưởng. Các dịch vụ kỹ thuật đi kèm nếu nằm trong danh mục được chi trả thì cũng sẽ được thanh toán tương tự. Phần còn lại người bệnh tự chi trả rõ ràng, minh bạch.
Từ góc độ triển khai, không thể kỳ vọng mọi cơ sở y tế sẽ đồng loạt vận hành trơn tru ngay khi luật có hiệu lực. Tuy vậy, những bệnh viện chủ động như Bạch Mai, Việt Đức, Đức Giang hay một số đơn vị công lập khác đã và đang chứng minh rằng nếu được hướng dẫn kỹ và tổ chức tốt, chính sách hoàn toàn có thể đi vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.
Từ chủ trương đến thực tiễn: Minh bạch là chìa khóa
Nếu như tại các bệnh viện hạng đặc biệt hoặc cơ sở có năng lực chuyên sâu kỹ thuật cao, chính sách khám, chữa bệnh theo yêu cầu có BHYT đã bước đầu vận hành thông suốt, thì ở nhiều bệnh viện công lập cấp cơ bản, việc tiếp cận và triển khai vẫn còn thận trọng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, cũng có những bệnh viện cấp cơ bản đã chủ động triển khai thanh toán BHYT cho người bệnh khám dịch vụ từ trước khi luật mới có hiệu lực.
Đơn cử, tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh 1, BSCKII Lê Công Tước - Giám đốc bệnh viện chia sẻ: Không phải chờ đến sau khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực, từ nhiều năm nay tại bệnh viện, người dân đến khám theo yêu cầu nếu đáp ứng đủ điều kiện đúng tuyến, có chỉ định rõ ràng, thì vẫn được quỹ BHYT thanh toán phần trong phạm vi quyền lợi. Phần chênh lệch giá dịch vụ, người bệnh tự chi trả theo quy định.
Theo bác sĩ Tước, thực tế trước đây đã có một số bệnh viện áp dụng hình thức cho phép người bệnh sử dụng thẻ BHYT khi lựa chọn khám tại khu dịch vụ. Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ ràng trong luật và thiếu hướng dẫn thống nhất, nhiều bệnh viện không triển khai. Hệ quả là người bệnh khám theo yêu cầu thường phải tự thanh toán toàn bộ chi phí, kể cả các khoản kỹ thuật hay thuốc men vốn nằm trong danh mục được chi trả BHYT.
Ông Tước cũng cho rằng chính sách mới nếu được truyền thông tốt sẽ tạo tâm lý yên tâm cho người bệnh, đồng thời giúp các bệnh viện có thêm nguồn thu hợp pháp từ phần chênh lệch dịch vụ, góp phần tái đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ.
Trong khi đó, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cũng đã thiết lập quy trình tiếp nhận người bệnh BHYT có nhu cầu khám theo yêu cầu, với các bước rõ ràng. Theo TS.BSCKII Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, việc người bệnh khám, chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ BHYT chi trả phần chi phí trong phạm vi quyền lợi đã giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao với chi phí hợp lý hơn. Đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bà Vũ Nữ Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Luật BHYT sửa đổi đã mở rộng quyền lợi cho người dân, đặc biệt là trường hợp đi khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đó, người có thẻ BHYT vẫn được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí thuộc phạm vi quyền lợi, căn cứ Điều 22 của Luật.
Thủ tục đi khám cũng được đơn giản hóa. Luật cũng quy định rõ: cơ sở y tế và cơ quan BHXH không được đặt thêm thủ tục hành chính. Nếu cần sao chụp giấy tờ, phải tự thực hiện, không thu phí và chỉ sao chụp khi có sự đồng ý của người bệnh. Những thay đổi này giúp giảm phiền hà hành chính, tăng tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT.
PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế công bằng hơn
Luật BHYT sửa đổi là một chủ trương rất đúng đắn và nhân văn. Việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ mua BHYT giúp người nghèo, người yếu thế tiếp cận dịch vụ y tế công bằng hơn, không còn lo lắng khi cần điều trị bệnh tật. Chính sách mới cũng sẽ thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong toàn hệ thống. Khi người dân có quyền chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, các bệnh viện địa phương sẽ phải nâng cao chất lượng để giữ người bệnh. Trong khi đó, các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai có điều kiện tập trung vào điều trị chuyên sâu, kỹ thuật cao, đúng với vai trò tuyến cuối.
Đức Trân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tang-co-hoi-tiep-can-dich-vu-y-te-chat-luong-cao-10310225.html