Gần đây, nhiều đám cưới khiến dư luận quan tâm vì cô dâu, chú rể được cha mẹ tặng của hồi môn “khủng”. Mới nhất là thông tin một Phó chủ tịch UBND một huyện ở tỉnh Kiên Giang cho con gái 600 công đất (tương đương 90 tỷ đồng) trong ngày đám cưới gây chú ý trong dư luận.
Của hồi môn “khủng” trong một số đám cưới. Ảnh: Nguồn internet
Tặng của hồi môn trong đám cưới sao cho phù hợp, để không giống như khoe của, nhưng vẫn giữ được phong tục: cha mẹ tặng quà cho con cái trong đám cưới là vấn đề được báo chí và nhiều trang mạng xã hội quan tâm, bàn luận.
Những đám cưới hồi môn bạc tỷ
Tặng của hồi môn cho con gái trước khi về nhà chồng là một phong tục trong đám cưới của người Việt. Đây được xem là nét văn hóa ý nghĩa luôn được giữ gìn, thể hiện hầu hết trong đám cưới hiện nay. Tùy theo điều kiện, cách ứng xử của từng gia đình mà việc tặng quà được thể hiện khác nhau.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều đám cưới cô dâu được cha mẹ cho hồi môn “khủng” được đăng tải trên mạng đã tạo chú ý trong dư luận. Người đăng nhận về nhiều bình luận và sự ngưỡng mộ của cộng đồng mạng, đồng thời không ít ý kiến trái chiều, bàn luận về việc này.
Trong số đó phải kể đến một đám cưới ở huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), cô dâu, chú rể được ba mẹ tặng 230 cây vàng, 30 mảnh đất, 2 căn nhà. Hay như một đám cưới ở tỉnh An Giang, ba mẹ cô dâu trao của hồi môn 1 triệu USD và 1 tòa nhà trị giá khoảng 70 tỷ đồng.
Cuối tháng 10-2024, nhiều đoạn clip ghi lại cảnh ba mẹ cô dâu ở tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị quà cưới cho con gái khiến nhiều người “choáng” vì sự giàu có của gia đình này. Trong một đoạn clip ghi lại ngày cưới do cô dâu đăng tải với hình ảnh của hồi môn của cô là tiền mặt 9,9 tỷ đồng, 50 lượng vàng; chú rể được tặng một nhẫn hột xoàn cỡ bự. Mẹ cô dâu tuyên bố sẽ tặng thêm cho đôi trẻ 1.000 lượng vàng làm vốn, dù các khay đựng vàng và tiền mặt đã được xếp đầy trên bàn…
Mới nhất, cuối tháng 10-2024, mạng xã hội lại “dậy sóng” với đoạn clip ghi lại cảnh cho của hồi môn đám cưới của con gái Phó chủ tịch một huyện ở tỉnh Kiên Giang. Khi mẹ cô gái hứa cho con 600 công đất (tương đương 90 tỷ đồng) trong ngày đám cưới. Đoạn clip nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, dư luận xôn xao về giá trị tài sản của gia đình này cũng như việc kê khai tài sản tại địa phương. Ngay sau khi thông tin được chia sẻ, vị Phó chủ tịch UBND một huyện ở tỉnh Kiên Giang phải giải trình, thực hư ra sao cơ quan chức năng đang xác minh.
Bà Nguyễn Thị Dung (ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa): “Ông bà mình nói của cho không bằng cách cho, nếu muốn cho tiền giúp con có vốn làm ăn, có rất nhiều cách để cho, chứ đâu nhất thiết phải cho trong lễ cưới, hỏi và thông báo trước bàn dân thiên hạ”.
Của cho không bằng cách cho
Có người muốn thông qua món quà hồi môn thể hiện độ giàu có và đẳng cấp của gia đình. Nhưng cũng có không ít gia đình dù để lại của hồi môn cho con là cả một khối tài sản lớn nhưng không thích phô trương. Ngày cưới của con, họ chỉ cho con một số ít trang sức bình thường như bao gia đình khác, sau đó cho riêng các con số tài sản lớn để làm ăn.
Có trường hợp nhiều gia đình dù có của ăn của để nhưng vẫn muốn con cái phải tự lập nên chỉ tổ chức lễ cưới cho con theo đúng các phong tục lễ nghi truyền thống, tặng quà cưới chỉ mang ý nghĩa tượng trưng chúc mừng…
“Mặc dù chúng tôi có đất, nhà nhưng khi gả chồng cho con, tôi chỉ lo đầy đủ những vật phẩm theo truyền thống bắt buộc phải có để con không tủi thân. Chỉ hỗ trợ con khi thực sự cần thiết, tôi muốn các con tự lập, biết tiết kiệm để tích cóp phòng thân để xây dựng tổ ấm của mình”- ông Võ Thành Lương (ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) chia sẻ.
Theo ông Lương, tặng quà hồi môn khủng cho con cũng có 2 mặt, mặt tích cực là khi có một số vốn liếng lớn giúp các cặp đôi không phải vất vả tiền bạc, có điều kiện tốt đẹp hơn để phát triển kinh tế gia đình. Ở khía cạnh khác của việc tặng quà hồi môn khủng chính là những cái “bẫy hôn nhân”, khiến người ta đến với nhau không vì tình cảm, hoặc ỷ vào đồng tiền để thiếu tôn trọng lẫn nhau, khiến hạnh phúc dễ tan vỡ.
Chia sẻ quan điểm về việc tặng của hồi môn khủng cho con, bà Nguyễn Thị Dung (ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa) nhận định, việc này thực ra là phụ huynh muốn khoe khoang của cải, để mọi người biết được sự giàu có của bản thân, muốn nhận được sự khen ngợi, ngưỡng mộ của những người xung quanh. Tuy nhiên, việc tặng quà khủng sẽ khiến con mình ỷ lại, ảnh hưởng đến ý chí tự lập của con và đôi khi sẽ nhận nhiều phiền phức không đáng có. Mặt khác khi khoe khoang trên mạng còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Nhất là ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ, góp phần cổ vũ lối sống thực dụng, phân biệt giàu, nghèo...
Không chỉ tặng của hồi môn “khủng” không ít gia đình nghĩ rằng, cưới xin cả đời chỉ một lần, phải tổ chức sao cho “hoành tráng” mới chịu. Để “nở mày nở mặt” với họ hàng hai bên, không ít người đã đi vay, mượn để mua quà cưới, tổ chức tiệc cưới linh đình. Hệ quả là sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ phải gồng mình gánh nợ…
Lễ kết hôn là thông báo sự gắn kết giữa hai người, là nghi thức ra mắt họ hàng việc tổ chức đám cưới chỉ là nghi thức truyền thống. Vậy nên, có tổ chức hoành tráng hay đơn giản không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến khi cả hai cùng yêu thương, sẻ chia, thấu hiểu, tôn trọng chính mình và tôn trọng đối phương…
Kim Liễu