Người dân Si Ma Cai chủ động che chắn chuồng để bảo vệ gia súc.
Huyện vùng cao Si Ma Cai có khí hậu khắc nghiệt, lạnh giá, sương muối vào mùa đông nên ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn vật nuôi. Theo đó, ngay từ đầu mùa, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân chuẩn bị phòng, chống rét và dự trữ thức ăn cho gia súc.
Huyện đã thành lập các đoàn công tác, trong đó trưởng đoàn là lãnh đạo UBND xã trực tiếp xuống các thôn, hộ gia đình để kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân che chắn chuồng nuôi, sưởi ấm và chủ động nguồn thức ăn cho gia súc; không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C. Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền và ngành chức năng, người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai đang nỗ lực triển khai các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ “đầu cơ nghiệp” của gia đình.
Người dân chủ động mặc ấm cho trâu trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.
Ông Ma Seo Sẩu ở thôn Giàng Chá Chải, xã Nàn Sín cho biết: Ngay sau khi có thông tin về đợt rét đậm trên diện rộng, gia đình đã chủ động dùng bạt che kín chuồng trại để tránh gió lùa; thường xuyên hót dọn phân, giữ nền chuồng khô ráo, thêm rơm khô làm đệm để trâu nằm đỡ lạnh. Ngoài nguồn thức ăn xanh là cỏ voi được trồng quanh vườn nhà, gia đình còn dự trữ rơm khô, thân ngô, đảm bảo đủ thức ăn cho 4 con trâu trong mùa đông năm nay.
Gia đình ông Ma Seo Sẩu ở thôn Giàng Chá Chải, xã Nàn Sín (Si Ma Cai) sử dụng bạt che chắn chuồng, chống gió lùa để bảo vệ đàn gia súc.
Huyện Si Ma Cai có tổng đàn đại gia súc hơn 16.000 con, với 5.175 hộ chăn nuôi. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra cho đàn vật nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chủ động các biện pháp giữ ấm cho đàn gia súc như không chăn thả trâu, bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, che chắn chuồng trại. Nguồn thức ăn cũng được bổ sung đủ chất dinh dưỡng, nhiều gia đình đã chủ động tích trữ rơm, thân cây ngô làm thức ăn cho gia súc. Hiện số hộ có chuồng nuôi kiên cố và bán kiên cố trên địa bàn chiếm hơn 95% tổng số hộ chăn nuôi; hơn 80% hộ chăn nuôi có ý thức dự trữ thức ăn cho gia súc.
Hộ chăn nuôi chủ động dự trữ rơm, thân ngô làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông.
Tại huyện Bát Xát, thời điểm này, các địa phương và hộ chăn nuôi cũng đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi như: Dùng bạt, bao dứa, tấm nylon lớn hoặc các vật liệu khác để che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng trong những ngày mưa rét; đảm bảo nguồn cung thức ăn, tăng cường sưởi ấm cho đàn vật nuôi bằng vật liệu sẵn có; tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi theo quy định...
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, hiện tổng đàn gia súc lớn của tỉnh có hơn 117.400 con, với hơn 37.300 hộ chăn nuôi. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống rét và dịch bệnh cho vật nuôi.
Hướng dẫn người dân phối trộn thức ăn, tăng dinh dưỡng cho vật nuôi.
Đến nay, số hộ có chuồng trại đảm bảo phòng, chống rét đạt 80,04%; tổng diện tích cỏ trồng đạt gần 2.600 ha, sản lượng ước đạt khoảng 700 nghìn tấn, đáp ứng được trên 50% nhu cầu thức ăn xanh cho đàn gia súc lớn. Ngoài ra, người dân đã gieo trồng ngô dày, tận dụng thân lá của ngô sau khi thu hoạch để chế biến làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong mùa đông. Theo ước tính của ngành chức năng, có 57,4% số hộ dự trữ đủ nhu cầu thức ăn thô xanh cho gia súc (từ 200 kg thức ăn/con trở lên).
Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động thì vẫn còn nhiều hộ dân chưa chú trọng trong việc phòng, chống rét, dự trữ thức ăn cho gia súc. Hiện tại, số hộ chưa dự trữ đủ lượng thức ăn và số hộ chưa thực hiện dự trữ thức ăn còn chiếm tỷ lệ cao (chiếm 42,6% số hộ chăn nuôi); vẫn còn nhiều hộ không có chuồng trại và thả rông gia súc (chiếm 4,2%). Như vậy, sẽ có hơn 1.000 con gia súc không có thức ăn và hơn 800 con gia súc không có chuồng trại, nguy cơ bị chết đói, rét cao khi xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân đốt lửa sưởi ấm cho vật nuôi trong những ngày giá rét.
Hướng dẫn hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại để tránh gió lùa, mưa hắt.
Để đảm bảo sự phát triển cho đàn gia súc, UBND tỉnh đã ban hành phương án phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động người dân chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc; khuyến cáo người dân cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh mà gia súc thường mắc trong mùa đông (cước chân, bệnh đường hô hấp…). Những ngày mưa, nhiệt độ dưới 10 độ C thì nuôi nhốt, cho ăn tại chuồng, không chăn thả hoặc bắt gia súc làm việc, đồng thời bổ sung các loại Vitamin để tăng sức đề kháng...
Hộ dân cần chủ động chăm sóc, bổ sung thức ăn xanh cho gia súc.
Đối với các xã có đàn gia súc di chuyển đi tránh rét, cần thực hiện thống kê số hộ đăng ký di chuyển đàn gia súc, số lượng đàn gia súc các hộ dự kiến di chuyển đi và nơi đến. Các xã có gia súc từ địa bàn khác di chuyển đến, phải nắm rõ được số hộ, số lượng gia súc, nơi xuất phát của gia súc di chuyển đến; tạo điều kiện về địa điểm nuôi nhốt gia súc.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Theo dự báo, tình hình thời tiết trong tháng 1/2025, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với thời kỳ tháng 12/2024, khả năng cao gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại ở khu vực phía Bắc, tập trung trong khoảng thời kỳ giữa tháng 1. Nhằm chủ động ứng phó kịp thời với rét đậm, rét hại, mưa tuyết có thể xảy ra, bảo vệ đàn vật nuôi, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, cho vật nuôi.
Đặc biệt, vận động các hộ dân có chuồng nuôi nhưng chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống rét, các hộ chưa có chuồng nuôi khẩn trương sửa chữa, gia cố chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho gia súc trong mùa đông. Ngoài ra, cần phải lưu ý quản lý việc di chuyển đàn tránh rét để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh -
Kim Thoa