Tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai

Tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai
13 giờ trướcBài gốc
Đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai, nỗ lực giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Kế hoạch đề ra 3 nội dung trọng tâm, trong đó nhiệm vụ trước tiên là công tác phòng, chống thiên tai năm 2025. Các cơ quan, đơn vị địa phương đẩy mạnh côn tác tuyên truyền, triển khai, quán triệt thực hiện Luật Phòng thủ dân sự năm 2023; Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành; Triển khai, thực hiện nghiêm túc về quy định nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử, điểm du lịch, điểm dân cư nông thôn và công trình; tiêu chí đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình. Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ban Chỉ huy) các cấp, các ngành để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở mỗi cấp, mỗi ngành và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy cùng cấp. Nâng cao năng lực cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy các cấp (Cơ quan thực hiện nhiệm vụ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy) đảm bảo giúp việc, tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ huy trong công tác phòng, chống thiên tai. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tập huấn, phổ biến kiến thức, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai cho chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể, các hội, phòng ban, lực lượng xung kích cơ sở và cộng đồng dân cư; tập huấn chuyên đề về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tuyên truyền pháp luật về phòng, chống thiên tai. Nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thiên tai; đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai từ cấp tỉnh đến cấp xã, thôn, khu dân cư để chủ động phòng, tránh có hiệu quả; đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo kịp thời về diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai; nghiên cứu ứng dụng công nghệ dự báo, cảnh báo mưa trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành trong phòng, chống ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Thường xuyên cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường hay xảy ra tại địa phương.
Xác định, đánh giá rủi ro thiên tai tại các khu dân cư, hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, các khu vực xung yếu, trọng điểm trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra thiên tai. Trong đó, khó khăn về nguồn nước tập trung tại một số khu vực các xã Ca Thành, Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình; các xã vùng cao thuộc các khu vực huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Trùng Khánh, Thạch An, Hòa An, Quảng Hòa, Hạ Lang, đặc biệt là các xã vùng cao huyện Hà Quảng; Các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt tại huyện Hà Quảng, Quảng Hòa, Bảo Lâm, Hạ Lang, Bảo Lạc, Trùng Khánh, Hòa An và các phường Sông Hiến, Sông Bằng (Thành phố); Khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, gồm các xã: Bảo Lạc, Sơn Lộ, Hưng Đạo, Cô Ba, Khánh Xuân, Xuân Trường, Huy Giáp (Bảo Lạc), Nam Quang, Quảng Lâm, Bảo Lâm, Yên Thổ, Lý Bôn (Bảo Lâm), Tam Kim, Tĩnh Túc, Thành Công (Nguyên Bình), Lý Quốc, Vinh Quý, Quang Long (Hạ Lang), Trường Hà, Hà Quảng, Thông Nông, Cần Yên (Hà Quảng), Trà Lĩnh, Quang Hán, Quang Trung, Đàm Thủy (Trùng Khánh); Khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá tại các khu vực vùng cao các huyện, Thành phố.
Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động rà soát, cập nhật, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp theo hướng phát huy phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả trong điều kiện hạn chế về sự hỗ trợ của các lực lượng từ bên ngoài, đặc biệt là các khu vực bị cô lập khi xảy ra thiên tai. Chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men y tế, ... bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh phát sinh đối với khu vực phát sinh. Chuẩn bị các phương án bảo đảm các điều kiện kết nối thông tin, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin, Internet (email, phần mềm, mạng xã hội zalo, facebook, viber...) phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó và thông tin về thiên tai giữa Ban Chỉ huy tỉnh và Ban Chỉ huy cấp xã phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Căn cứ điều kiện thực tế, tình hình thiên tai tại địa phương báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ khi vượt quá khả năng ứng phó của địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quy hoạch xây dựng, các dự án, chương trình đầu tư xây dựng khác của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tham mưu UBND tỉnh các giải pháp công trình và phi công trình trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, Thành phố triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.
P.V
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chong-thien-tai-3177347.html