Bác sĩ Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tại Sóc Trăng, công tác tổ chức triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trong tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân tại địa phương được thuận lợi, đúng kế hoạch đề ra. Các sở, ngành không ngừng nỗ lực trong việc triển khai hoạt động chuyên môn, vừa triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm vừa cố gắng thực hiện các mục tiêu đề ra từ đầu năm. Sở, ngành có liên quan như: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh… đã tích cực vào cuộc, chủ động tham mưu cho chính quyền cũng như chỉ đạo ngành dọc trong việc triển khai kiểm tra ATTP tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân năm 2025”.
Hoạt động kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn của tỉnh, huyện kết hợp tuyên truyền các văn bản pháp luật về ATTP, biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được bảo đảm, tránh trường hợp xảy ra sự cố mất an toàn. Công tác kiểm tra được duy trì đủ và đúng đối tượng; xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP thực hiện nghiêm minh, đúng pháp luật. Công tác truyền thông, giới thiệu các sản phẩm từ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chất lượng, an toàn được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của các tổ chức, cá nhân đảm bảo ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP tỉnh tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ưu tiên các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Lễ hội Xuân, các sản phẩm phục vụ lễ, hội tại địa phương, trên địa bàn tỉnh từ ngày 25/12/2024 - 25/3/2025. Công tác kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các văn bản quy định về điều kiện bảo đảm ATTP; các văn bản quy định về xử lý vi phạm hành chính liên quan ATTP; các quy định khác có liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm; trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến; vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng của nguyên liệu, phụ gia và thành phẩm thực phẩm…
Bác sĩ Âu Hiền Sĩ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sóc Trăng thông tin: “Qua kiểm tra nhằm kiểm soát bảo đảm ATTP trước, trong và sau Lễ hội Xuân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc rượu do methanol; đánh giá việc chấp hành pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trước, trong và sau Lễ hội Xuân. Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Lễ hội Xuân; chú trọng các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị. Trong quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm ATTP”.
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Sóc Trăng phối hợp các cơ quan truyền thông của tỉnh, huyện tham gia truyền thông về bảo đảm ATTP cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý ATTP tại nơi diễn ra Lễ hội Xuân; quản lý thực phẩm theo đặc thù địa phương; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định ATTP, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng. Qua đó, người dân được nâng cao hơn nữa ý thức trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm.
Anh Đào Văn Mến - chủ quán Bếp (thành phố Sóc Trăng) chia sẻ: “Hằng năm, vào dịp Tết, lượng khách đến quán đông hơn, công việc nhiều hơn. Tuy nhiên, quán vẫn đảm bảo các điều kiện ATTP, đảm bảo sức khỏe cho thực khách, đảm bảo ATTP là trên hết”.
Anh Trương Cang - chủ cơ sở lạp xưởng Mỹ Tân (huyện Châu Thành) cho hay: “Cận Tết, cơ sở sản xuất nhiều hơn bình thường nhưng vẫn luôn đảm bảo chất lượng, ATTP, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đầu vào, điều kiện chế biến, thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, đưa nhân viên tham gia các lớp tập huấn về ATTP. Các cấp, các ngành thường xuyên hỗ trợ, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cho cơ sở”.
Cũng theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng, việc tự sản xuất, kinh doanh trên trang mạng, bán hàng trực tuyến rất khó kiểm soát. Sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu sử dụng phải sản phẩm không được đăng ký, quản lý và kiểm soát đúng theo quy định, không đảm bảo ATTP. Do đó, người tiêu dùng nên mua bánh ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng; có nhãn mác với đủ các nội dung theo quy định. Người dân khi mua hàng qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, website… nên chọn lựa những trang có uy tín, chất lượng được đảm bảo trong quá trình bảo quản, vận chuyển.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời tạo môi trường phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025, rất cần sự chung tay của các lực lượng liên quan, nhất là những người làm công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cấp, các ngành liên quan tập trung triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đặc biệt, mỗi người dân hãy là một người tiêu dùng thông thái để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
HOÀNG PHÚC