Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 24/2, Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành Công văn số 512/SNNMT-CNTY gửi UBND các huyện, thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.
Ngành chức năng khuyến cáo, người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Ảnh chụp tại xã Quyết Thắng (Lạc Sơn).
Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 6 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại 4 tỉnh (Tuyên Quang, Nghệ An, Tiền Giang, Long An) với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc trên 17.240 con (tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2024).
Để chủ động kiểm soát và phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thành phố; các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo triển khai và khẩn trương thực hiện những nội dung sau:
Ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm theo Quyết định số 559/QĐ-UBND, ngày 21/3/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2019 - 2025; Kế hoạch số 226/KH-UBND, ngày 18/11/2024 của UBND tỉnh về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Rà soát, tổ chức tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng.
Thực hiện tốt công tác giám sát chủ động, lấy mẫu gửi xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và huy động nhân lực, nguồn lực tại chỗ xử lý triệt để, dứt điểm các trường hợp dương tính với vi rút cúm gia cầm, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành Y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm.
Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các biện pháp chủ động phòng dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm.
Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc tiêu thụ trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh…; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.
V.Đ (TH)
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/219/198697/tang-cuong-cong-tac-phong,-chong-dich-benh-cum-gia-cam.htm