Ngày 11/2/2025, UBND tỉnh ban hành Công văn số 142/UBND-VP3 yêu cầu các sở, ngành, địa phương siết chặt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đảm bảo khai thác hiệu quả quỹ đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Công văn nêu rõ: từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực ngày 1/8/2024, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý đất đai, chấn chỉnh tình trạng sử dụng sai mục đích, lãng phí tài nguyên đất. Nhờ đó, việc sử dụng đất trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất (SDĐ), UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, đồng thời tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo quản lý đất đai minh bạch, hiệu quả, đúng quy hoạch.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) được giao nhiệm vụ chủ trì rà soát, hoàn thiện hồ sơ đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với 68 xã theo kế hoạch, đảm bảo cập nhật đầy đủ dữ liệu đất đai. Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch SDĐ tại địa phương đến năm 2024, đề xuất điều chỉnh nhu cầu SDĐ của tỉnh đến năm 2030. Hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn liên quan đến Luật Đất đai 2024, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thực tiễn địa phương. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, SDĐ sai mục đích nhằm tránh lãng phí quỹ đất. Tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch SDĐ cấp huyện đến năm 2030 của các huyện, thành phố, hoàn thành trong tháng 4/2025. Đẩy nhanh tiến độ kiểm kê đất đai năm 2024, lập bản đồ hiện trạng SDĐ cấp tỉnh, đảm bảo báo cáo kết quả với Bộ TN và MT trước ngày 20/3/2025…
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định kỹ các dự án đầu tư, đảm bảo chỉ cấp phép cho nhà đầu tư có năng lực thực sự, sử dụng đất hiệu quả, đúng quy hoạch. Đồng thời, tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư, đặc biệt là các dự án chậm triển khai, đề xuất biện pháp xử lý hoặc thu hồi đất theo quy định. Sở Xây dựng kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, giám sát quá trình triển khai dự án, kiên quyết xử lý các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đảm bảo kết nối hạ tầng trong quá trình triển khai các dự án. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tiến hành rà soát, kiểm tra các dự án chậm triển khai trong khu công nghiệp, đề xuất thu hồi đối với các dự án không hoạt động, tránh tình trạng đất bị bỏ hoang, lãng phí tài nguyên…
UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành để thực hiện giải phóng mặt bằng đúng quy định, hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện kéo dài; nghiêm túc rà soát, sắp xếp lại quỹ đất công, đất công ích, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, thất thoát tài nguyên đất.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đất đai. Trong đó, Sở TN và MT có trách nhiệm hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối với hệ thống thông tin đất đai quốc gia để nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai.
Để đảm bảo hiệu quả thực thi Luật Đất đai 2024, UBND tỉnh đề nghị: Ban Thường vụ Thành ủy, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn, đồng thời siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm những trường hợp buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai, góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương./.
Thanh Thúy