Tỉnh đã xây dựng phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện các quy định đầu tư xây dựng, như: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, cấp giấy phép xây dựng, thông báo khởi công, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng đối với các dự án khai thác, sản xuất VLXD; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, chủ mỏ thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường, vật liệu nổ... Các dự án khai thác mỏ được cấp phép đi vào hoạt động khai thác, sản xuất ổn định, cung ứng nguồn nguyên vật liệu cát, đá, sỏi, đất san lấp, xi măng, gạch không nung cho thị trường. Hằng năm, sản lượng khai thác, sản xuất cung ứng cho thị trường khoảng hơn 850.000 m3 cát, sỏi và hơn 1.200.000 m3 đá VLXD, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu đá, cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 28 mỏ đá VLXD được cấp phép khai thác, tổng công suất khai thác 1.175.158 m3 nguyên khối/năm, tương đương 1.733.358 m3 nguyên khai/năm (vượt dự báo nhu cầu sử dụng đá VLXD năm 2025 là 1.125.000 m3). Có 9 mỏ cát, sỏi, tổng công suất khai thác 451.665 m3/năm và 10 cơ sở, đơn vị sản xuất cát nghiền, công suất thiết kế khoảng 300.000 m3/năm, tổng sản lượng cát, sỏi theo thiết kế 751.665 m3/năm (cơ bản gần đạt chỉ tiêu so với dự báo nhu cầu sử dụng cát, sỏi năm 2025 là 855.000 m3). Đối với vật liệu san lấp, hiện có 1 mỏ đất san lấp với trữ lượng 21.156 m3, công suất khai thác 21.156 m3. Ngoài ra, tỉnh quyết định cho phép khai thác đất đi kèm trong khu vực khai thác khoáng sản tại 2 mỏ cát, sỏi với khối lượng khoảng 63.800 m3/năm. Với nhu cầu vật liệu san lấp giai đoạn 2021 - 2030 là 2 - 2,8 triệu m3, nhìn chung trên địa bàn tỉnh đang thiếu vật liệu san lấp, hiện nay các công trình cơ bản tự cân đối đào đắp trong phạm vi dự án, công trình. Về sản xuất vật liệu xây dựng, có 3 đơn vị sản xuất gạch tuynel với 4 dây chuyền (công suất thiết kế 100 triệu viên gạch QTC/năm), năm 2024 sản xuất và tiêu thụ được khoảng 79,4 triệu viên gạch; 70 cơ sở sản xuất gạch không nung (bao gồm cả các doanh nghiệp, các cơ sở, hộ cá thể), tổng công suất thiết kế khoảng 200 triệu viên/năm, tổng sản lượng gạch không nung năm 2024 khoảng 100,7 triệu viên QTC. Có 1 trạm nghiền xi măng hoạt động (Trạm nghiền xi măng của Công ty cổ phần Xi măng - Xây dựng công trình Cao Bằng), công suất 80.000 tấn/năm, sản lượng năm 2024 đạt 15.000 tấn, nguồn Clanhke phục vụ sản xuất cho nhà máy là clanhke từ Nhà máy xi măng Lạng Sơn. Các công nghệ khai thác và chế biến đá, cát, sỏi làm VLXD thông thường hiện nay là công nghệ đang được ứng dụng phổ biến trên thị trường, không thuộc loại hình công nghệ bị hạn chế sử dụng. Qua đánh giá về công nghệ đối với các dự án khác như sản xuất xi măng, sản xuất gạch tuynel… của ngành chức năng, các đơn vị được cấp giấy phép khai thác, tận thu, sản xuất cát, sỏi, đá VLXD cơ bản thực hiện Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gửi hồ sơ công bố hợp quy theo quy định.
Hoạt động khai thác tại mỏ đá Bó Choong 2, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa).
Tuy nhiên, trữ lượng cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh hiện nay thấp, phân bố không đồng đều, các đơn vị khai thác không đạt công suất thiết kế, hoạt động nhỏ, manh mún, do đó cơ bản trên địa bàn tỉnh thiếu cát xây dựng (nguồn cát sử dụng ở các huyện chủ yếu vận chuyển từ thành phố Cao Bằng hoặc các tỉnh lân cận như: Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên hoặc sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên). Thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ và tăng giá VLXD tại các xã vùng sâu, vùng xa do tại các khu vực đó chưa có mỏ khai thác VLXD, kèm theo đó là việc vận chuyển VLXD từ mỏ đến các công trình gặp nhiều khó khăn, tăng chi phí vận chuyển và thời gian cung cấp VLXD. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư chưa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản làm VLXD, các đơn vị xin đầu tư khai thác khoáng sản làm VLXD đa số năng lực về trang thiết bị, tài chính, nhân lực vừa và nhỏ, việc nắm bắt các quy định liên quan (Luật Khoáng sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai...), khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Hùng, phường Tân Giang (Thành phố) chia sẻ: Tôi đang thuê thợ xây nhà ở kiên cố của gia đình, mặc dù ở ngay Thành phố nhưng tôi thấy chi phí cho cát trát khá cao và có lúc khan hiếm nên cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình.
Theo Sở Xây dựng, công tác bổ sung, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản làm VLXD trong quy hoạch tỉnh gặp nhiều vướng mắc. Khi đề xuất bổ sung mới hoặc mở rộng diện tích các mỏ khoáng sản làm VLXD, đa số bị chồng lấn quy hoạch rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, một số chưa đảm bảo cảnh quan công viên địa chất toàn cầu hoặc các quy hoạch ngành khác có liên quan. Các thủ tục đầu tư hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD còn nhiều quy trình thủ tục, tác động bởi nhiều luật nên mất nhiều kinh phí và thời gian thực hiện, dẫn đến việc đầu tư khai thác, sản xuất khoáng sản làm VLXD chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào hoạt động. Mặt khác VLXD không phải là mặt hàng bình ổn giá, các sản phẩm VLXD vận hành theo cơ chế thị trường, theo quy luật cung cầu. Trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, Sở đã nhiều lần kiến nghị các đơn vị tăng công suất khai thác, kết hợp hoặc liên kết khai thác, sản xuất đá xây dựng với sản xuất cát nghiền nhân tạo, gạch không nung, vữa khô trộn sẵn nhằm tận dụng nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường… để phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh đã được phê duyệt, tuy nhiên rất ít đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ.
Để tăng nguồn cung ứng VLXD cho thị trường, tỉnh cần tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản VLXD theo kế hoạch, ưu tiên đấu giá các mỏ tại các khu vực chưa có nguồn cung ứng VLXD. Đẩy nhanh, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính liên quan đến khai thác, sản xuất VLXD như: chủ trương đầu tư; thẩm định dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy phép khai thác; giấy phép xây dựng; giấy phép sử dụng vật liệu nổ; giấy phép môi trường; các thủ tục về đất đai… Các địa phương thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn quản lý; khuyến khích khai thác mỏ nhỏ lẻ tại các xã xa trung tâm huyện; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác mỏ nhỏ tại các địa phương để giảm bớt sự phụ thuộc vào các mỏ lớn, đồng thời tạo ra nguồn cung vật liệu ổn định tại chỗ. Khuyến khích đầu tư phát triển các điểm tập kết và kho bãi vật liệu, xây dựng các khu vực tập kết VLXD gần các mỏ khoáng sản, giúp giảm thời gian vận chuyển và chi phí cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Các chủ đầu tư, chủ mỏ cần quan tâm hơn nữa, chủ động đề xuất điều chỉnh nâng công suất khai thác khi nhận thấy thị trường khan hiếm nguồn cung VLXD; tiếp tục nâng cao năng lực khai thác và quản lý khoáng sản.
Dạ Đăng