Tăng cường đại biểu HĐND chuyên trách - một yêu cầu cấp thiết

Tăng cường đại biểu HĐND chuyên trách - một yêu cầu cấp thiết
3 giờ trướcBài gốc
Bài
1:
Yếu
tố then chốt
đảm đương nhiệm vụ
sau sáp nhập
Dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền hết sức mạnh mẽ và đề cao trách nhiệm của UBND, đặc biệt là của Chủ tịch UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở. Một yêu cầu đặt ra là cần thiết làm rõ thêm các cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của UBND, nhất là những quyết định liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư. Trong bối cảnh đó, tăng cường đại biểu chuyên trách là yếu tố then chốt để cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương thực hiện được nhiệm vụ sau sáp nhập.
Đây là nội dung thu hút quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh việc tăng cường đại biểu chuyên trách để HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đảm đương được nhiệm vụ sau sáp nhập khi phạm vi, yêu cầu công việc được tăng lên rất nhiều. Đặc biệt, theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sắp tới, cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách, tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Theo đại biểu Siu Hương (Gia Lai), việc củng cố năng lực hoạt động của các Ban HĐND cấp xã là yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả chức năng của mình. Ảnh: Hồ Long
Trưởng ban HĐND cấp tỉnh phải là đại biểu chuyên trách
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, phạm vi, đối tượng giám sát của HĐND cấp tỉnh sẽ tăng lên rất nhiều. Vì vậy, cần thiết phải xem xét tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND cấp tỉnh so với dự thảo.
ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) nêu ý kiến, hiện tại, số lượng Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phụ thuộc vào trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh hoạt động không chuyên trách hoặc chuyên trách; tương tự như vậy, số lượng các Phó Trưởng ban HĐND tỉnh phụ thuộc vào Trưởng ban hoạt động chuyên trách hay không chuyên trách. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 29 theo hướng: đối với số lượng Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị có 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách trong 2 trường hợp là Chủ tịch hoạt động không chuyên trách hoặc hoạt động chuyên trách; tương tự, số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách các Ban HĐND tỉnh cũng đề nghị có 2 Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách, trong cả 2 trường hợp mà không phụ thuộc vào Trưởng Ban HĐND hoạt động không chuyên trách hoặc chuyên trách.
Còn theo ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum): về cơ cấu tổ chức nhân sự các ban của HĐND dự kiến quy định tại khoản 3 Điều 29, đề nghị đối với nhân sự Trưởng ban HĐND cần quy định cứng, nhân sự này phải là đại biểu HĐND chuyên trách. Theo đại biểu, với nhiệm vụ được giao rất quan trọng, người đứng đầu các ban của HĐND cần tập trung thời gian, công sức cao nhất để lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ban, nhất là nhiệm vụ thẩm tra, hoàn thiện nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Thực tế những nhiệm kỳ qua, khi bố trí nhân sự Trưởng ban của HĐND là đại biểu không chuyên trách, thường tập trung chủ yếu cho công việc chính ở cơ quan, đơn vị mình, dẫn đến những hạn chế nhất định trong công tác thẩm tra. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các nghị quyết, báo cáo, đề án do HĐND cấp tỉnh ban hành - đại biểu phân tích.
Từ thực tế tại thành phố Hà Nội, ĐBQH Nguyễn Tuấn Thịnh cho biết: thực hiện theo Nghị quyết số 160/2020 của Quốc hội, việc bố trí các Ban HĐND thành phố có ủy viên hoạt động chuyên trách đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Vì vậy, việc nhân rộng và mở rộng mô hình đại biểu HĐND chuyên trách ở các Ban HĐND phù hợp.
Tăng đại biểu chuyên trách cho cấp cơ sở
Dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định tại các điểm c, d và đ khoản 3 Điều 29: Trưởng ban của HĐND cấp xã là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách; Phó trưởng ban của HĐND cấp xã có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Ủy viên của các ban HĐND cấp xã là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách.
Theo ĐBQH Siu Hương (Gia Lai), quy định này cần phải được xem xét thấu đáo, đặc biệt trong bối cảnh không còn cấp trung gian là cấp huyện, đồng nghĩa với vai trò giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng ở cấp cơ sở càng trở nên quan trọng, đòi hỏi năng lực và trách nhiệm cao hơn từ HĐND cấp xã, trong đó có các ban của HĐND. Quy định như dự thảo luật sẽ có hai trường hợp khi áp dụng trong thực tiễn: trường hợp ban HĐND cấp xã, Phó trưởng ban là đại biểu chuyên trách, Trưởng ban và các ủy viên là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách. Hoặc: ban của HĐND cấp xã mà toàn bộ thành viên bao gồm cả Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các ủy viên đều là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban cũng như hoạt động của HĐND cấp xã.
Đại biểu phân tích cụ thể: đại biểu HĐND không chuyên trách với quỹ thời gian eo hẹp phải bảo đảm các công việc chuyên môn khác sẽ gặp khó khăn trong việc nghiên cứu sâu các vấn đề để giám sát hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn ở cấp xã. Đặc biệt, các nhiệm vụ ở chính quyền địa phương cấp cơ sở sẽ phát sinh nhiều hơn khi không tổ chức cấp huyện, nếu đại biểu không chuyên trách ở các ban HĐND cấp xã thực hiện nhiệm vụ thẩm tra sẽ không đủ thời gian, năng lực, dẫn đến việc HĐND cấp xã có thể đưa ra những quyết định chưa thực sự tối ưu trong bối cảnh không tổ chức cấp trung gian, tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương.
Vai trò của HĐND cấp xã càng trở nên quan trọng trong việc bảo đảm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở, theo nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm để phát huy tính chủ động, sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Việc củng cố năng lực hoạt động của các Ban HĐND cấp xã là yếu tố then chốt để HĐND cấp xã thực hiện hiệu quả chức năng của mình - đại biểu khẳng định.
Từ những phân tích trên, đại biểu Siu Hương đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra điều chỉnh lại tại các điểm c, d, và đ khoản 3 Điều 29 dự thảo luật theo hướng quy định tổ chức lãnh đạo Ban của HĐND cấp xã như Ban của HĐND cấp tỉnh. Cụ thể, Trưởng Ban của HĐND cấp xã có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng Ban của HĐND cấp xã là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Trường hợp Trưởng Ban là đại biểu chuyên trách, Ban của HĐND cấp xã có một Phó trưởng ban. Trường hợp Trưởng Ban của HĐND cấp xã là đại biểu không chuyên trách,Ban của HĐND cấp xã có 2 Phó trưởng ban.
Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sắp tới, cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách và tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Vì vậy, phải tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND cũng như đại biểu chuyên trách tại cấp xã. Nội dung này nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Đối với đại biểu là Trưởng ban HĐND cấp xã, Điều 29 khoản 3 điểm c, đề nghị ghi rõ 1 trong 2 người phải là chuyên trách.
BẢO PHƯƠNG
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-dai-bieu-hdnd-chuyen-trach-mot-yeu-cau-cap-thiet-10373784.html